Phải thu hồi giấy phép của nhà thuốc câu kết "cò mồi" giăng bẫy người bệnh

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:22, 09/05/2022

Liên quan đến những vi phạm của Nhà thuốc số 9 Bạch Mai (số 193 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội), nhiều chuyên gia kiến nghị cần thu hồi giấy phép hoạt động của nhà thuốc này để bảo vệ người tiêu dùng, "lành mạnh hoá" ngành dược.
Phải thu hồi giấy phép của nhà thuốc câu kết

Lừa dối khách hàng

Báo Lao Động vừa đăng tải loạt bài về việc Nhà thuốc số 9 Bạch Mai câu kết với hàng chục "cò mồi" là xe ôm hoạt động xung quanh Bệnh viện Bạch Mai để câu kéo người bệnh, mua thuốc tại nhà thuốc này.

Trong quá trình ghi nhận, chúng tôi đã phát hiện nhiều vi phạm tại nhà thuốc số 9 Bạch Mai. Nơi đây, không chỉ diễn ra hoạt động "xe ôm" kiêm "cò" thuốc lộng hành, mà còn bán hàng nâng giá, bán thuốc sai đơn, tự ý thay đổi đơn thuốc của người bệnh của nhà thuốc số 9 Bạch Mai. 

Thậm chí, còn tự ý thay đổi một số loại thuốc khác hoàn toàn dược chất, thành phần, công dụng so với đơn thuốc bác sĩ kê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khoẻ, khiến người bệnh hoang mang.

Việc nhà thuốc câu kết với "cò mồi" để chèo kéo bệnh nhân mua thuốc tại Nhà thuốc số 9 Bạch Mai không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của các bệnh viện, y bác sĩ, ngành y dược, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, sức khoẻ của bệnh nhân và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI - cho biết, thuốc chữa bệnh là sản phẩm đặc biệt, liên quan đến sức khỏe con người, mỗi một viên thuốc là một niềm hi vọng để chữa trị và cải thiện tình trạng bệnh, chính vì vậy, các hiệu thuốc buộc phải tuân thủ quy định về điều kiện hành nghề.

"Việc Nhà thuốc số 9 Bạch Mai sử dụng tên gọi giống như nhà thuốc của bệnh viện, đồng thời câu kết với đội ngũ "cò mồi" chèo kéo người bệnh ra mua thuốc với giá cao là hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối khách hàng", ông Đức nói.

“Cò” thuốc ở BV Bạch Mai: Chiêu “thổi giá” gấp 6 lần của nhà thuốc.

Cần xử lý nghiêm minh

TS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, thuốc chữa bệnh là một trong những hoạt động nghề nghiệp, không chỉ liên quan đến sức khoẻ con người, mà còn là vấn đề đạo đức trong ngành y tế. Việc các tổ chức, cá nhân sản xuất, bán thuốc chữa bệnh phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền.

"Những hiệu thuốc muốn hoạt động phải đạt tiêu chuẩn bán hàng theo quy định của Bộ Y tế, như phải kê khai giá đúng quy định, bán thuốc phải có đơn chỉ định của bác sĩ. Trường hợp những đơn vị bán thuốc bán giá vượt quá nhiều giá niêm yết, thì đó là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng theo Nghị định 117 của Chính phủ" - luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

Theo Luật sư Cường, hiện nay, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế sẽ có hai chế tài xử lý vi phạm: Xử phạt hành chính và xử lý hình sự.

Trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của bệnh nhân, thì theo quy định tại Nghị định số 117/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, hành vi bán thuốc nhưng tự ý thay đổi đơn thuốc sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng (điểm D, khoản 1, điều 52). Tuy nhiên, trong trường hợp này, nhà thuốc không những tự ý thay đổi đơn, mà còn đưa ra các thông tin gian dối về công dụng của thuốc, thay đổi biệt dược so với chỉ định của bác sĩ thì trường hợp này rất đáng lên án, cần thu hồi giấy phép hoạt động của nhà thuốc.

Thậm chí, nếu bệnh nhân mà uống các loại thuốc đó mà gây ra hậu quả đến sức khoẻ của nạn nhân thì còn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về việc tội vi phạm các quy định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng làm rõ dấu hiệu vi phạm, đánh giá hậu quả xảy ra để xử lý.

"Cần đưa các đối tượng "cò mồi" đi cải tạo

Trao đổi với Lao Động, TS.BS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cũng cho biết, tình trạng cò thuốc không chỉ xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, mà còn phổ biến ở nhiều bệnh viện lớn. "Các đối tượng "cò mồi" ở bệnh viện có thể nói là ký sinh, không chỉ "cò mồi" mà còn có tình trạng lừa đảo, móc túi người bệnh. Ngoài ra, còn có tình trạng taxi dù, chèo kéo, những đối tượng này đứng chật ở cổng bệnh viện. 

Về phía bệnh viện, chúng tôi rất bức xúc, lên án những đối tượng "cò mồi" dụ dỗ người bệnh.

Các cán bộ công nhân viên của bệnh viện cũng muốn làm việc trong môi trường văn minh. Tuy nhiên, phía lực lượng bảo vệ mỏng, không thể kiểm soát hết tình trạng này. Các đối tượng cò khi gặp bảo vệ thì chạy, không bắt được, thậm chí còn có động thái hành hung bảo vệ. Bệnh viện đã phối hợp công an, thực hiện vài đợt truy quét các đối tượng, nhưng vẫn không xử lý triệt để được. 

Để làm quyết liệt, dứt điểm, theo tôi cần phải có chỉ đạo từ phía Công an thành phố Hà Nội, thành lập chuyên án, có chiến dịch truy quét, đưa các đối tượng cò mồi đi cải tạo thì mới xử lý được", TS Dương Đức Hùng cho hay.

Nhóm PV