Liệu có thể xếp loại đạo đức nhà giáo được không?
Xã hội - Ngày đăng : 14:44, 09/05/2022
TS. Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm, việc xếp nhà giáo cả về phẩm chất, đạo đức, năng lực thành từng loại là không khoa học, không nhân văn. (Ảnh: Yến Nguyệt) |
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Thành viên tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam xung quanh câu chuyện này.
Xếp hạng năng lực nhà giáo để làm gì?
Để đổi mới được có nhiều vấn đề cần phải làm, nhưng trong đó phải xác định đội ngũ nhà giáo là một yếu tố hết sức quan trọng, đóng vai trò thành bại của việc thực hiện chương trình giáo dục mới.
Do đó, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực, phẩm chất, thực sự thay đổi bản thân mình mới đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới giáo dục. Ở đây, tôi chỉ bàn đến một số khía cạnh về vai trò của nhà giáo.
Thứ nhất, theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giáo dục phải tập trung vào dạy chữ và dạy người. Điều quan trọng đào tạo học sinh phải có phẩm chất, có năng lực. Tri thức là điều kiện tất yếu phải có để truyền tải phẩm chất, năng lực cho học sinh. Do đó, người thầy phải là tấm gương tỏa sáng trên bục giảng cho học sinh noi theo.
Thầy cô giáo nếu thiếu phẩm chất, thiếu năng lực sẽ vừa không đáp ứng được yêu cầu, lại trái với nguyên lý chúng ta đang xây dựng. Đặc biệt, nghề dạy học là một nghề không chỉ dạy bằng trí thức, bằng tâm hồn mà bằng toàn bộ nhân cách của người thầy.
Thực tế, không ít học sinh thay đổi, tiến bộ từ chính những tấm gương sáng của thầy cô. Không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề này. Thực ra đấy là truyền thống tôn sư trọng đạo. Bản chất nghề dạy học đòi hỏi đội ngũ nhà giáo phải được coi trọng, được tôn vinh, được chăm lo thực sự. Có như vậy mới tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Hiện nay, nhiều thầy cô giáo hy sinh cả cuộc đời, gieo chữ trên các vùng cao, miền sâu miền xa. Cũng có hiện tượng thầy cô giáo thiếu phẩm chất, thiếu năng lực dẫn đến sai sót không đáng có, khiến người ta hiểu nhầm về đội ngũ các nhà giáo, ảnh hưởng đến học sinh. Đấy là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trong quá trình phát triển, một bộ phận thầy cô giáo có thể thiếu năng lực, thiếu kỹ năng sư phạm, dẫn đến sai sót. Và cũng có những thầy cô giáo không có ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, không thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo, không tôn trọng học sinh, không hiểu học sinh, không vì học sinh.
Do vậy, theo tôi cần khẳng định được vai trò của thầy cô giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Chúng ta có ngày Nhà giáo Việt Nam để tôn vinh những người cầm phấn. Chúng ta hy vọng truyền thống tôn sư trọng đạo của ông cha sẽ lan tỏa, là động lực để các thầy cô giáo rèn luyện, phấn đấu ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Vậy thử hỏi phẩm chất, năng lực của nhà giáo có thể xếp loại được không? Loại một tốt hơn loại hai, loại hai tốt hơn loại ba?
Hiện nay, trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đã không xếp loại đạo đức tốt, khá, trung bình, yếu kém. Vì điều đó phản khoa học, không thể nào xếp loại đạo đức của một con người được. Chúng ta chỉ có thể nhận xét mặt này tốt, mặt này chưa tốt. Nhưng theo thời gian, những mặt tốt và mặt chưa tốt đó sẽ có sự biến đổi. Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu, nêu cao, khích lệ những phẩm chất tốt và rút kinh nghiệm những mặt chưa tốt chứ không không thể “dán nhãn” mãi.
Do vậy, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương cho học sinh noi theo, và càng phải quan tâm, học tập, rèn luyện thường xuyên. Việc xếp loại thầy cô giáo cả về phẩm chất, đạo đức, năng lực thành từng loại là không khoa học, không nhân văn. Thế thì, chúng ta xếp hạng để làm gì?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông. Đó là những gợi ý để thầy cô giáo tự rèn luyện, phát huy những cái cần thiết, hạn chế cái khó khăn để luôn hoàn thiện mình.
Còn việc chúng ta cứ cố tình xếp loại thầy cô giáo sẽ gây ra hệ lụy rất lớn. Đầu tiên, việc đó không khoa học, không nhân văn, không đúng. Thứ hai, làm cho thầy cô giáo sống không trung thực, đối phó, giả dối và chạy theo bệnh thành tích. Thành ra, việc phân loại này như con dao hai lưỡi, lại làm hại thầy cô giáo.
Nhà giáo cần nhận ra sứ mệnh cao cả của mình
Tôi kiến nghị các nhà quản lý giáo dục phải hết sức quan tâm vấn đề này. Để góp phần nâng cao năng lực, phẩm chất của nhà giáo, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay thì bản thân nhà giáo phải nhận ra sứ mệnh cao cả của người thầy.
Nghề giáo là một nghề hết sức cao quý, tạo ra năng lực, phẩm chất, nhân cách và tương lai của mỗi đứa trẻ. Sứ mệnh của nhà giáo là truyền cảm hứng và nêu gương nhân cách cho học trò noi theo. Từ đó giúp học trò thay đổi cuộc đời và quyết định tương lai của mình.
Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tôn vinh nhà giáo là nhân tố hết sức quan trọng. Mỗi người hãy tự xem mình có phù hợp với công việc hay không, nếu không phù hợp với nghề giáo thì thay đổi, chuyển nghề. Tức là, trong khâu sử dụng cần phải tuyển dụng lại cho đúng người, đúng việc.
Thứ ba, tôn vinh, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhà giáo là cần thiết. Cần phải thực hiện đồng đều ở cả ba khâu đó mới có thể tác động tốt đến thầy cô giáo, tạo điều kiện để nhà giáo phát triển đáp ứng nhu cầu của ngành. Nếu chỉ xếp lương cao mà không đào tạo, bồi dưỡng, không đánh giá đúng thì người ta cũng không không tâm huyết với nghề.
Tôi không đặt vấn đề lương cao nhưng nếu để giáo viên không đủ sống như hiện nay, phải làm rất nhiều nghề khác để sống, bươn chải cũng không tạo điều kiện cho nhà giáo chuyên tâm với nghề dạy học của mình.
Điều quan trọng là phải khích lệ thầy cô giáo học tập suốt đời. Học từ chính phụ huynh của mình, từ chính đồng nghiệp của mình, chứ không phải chỉ có sách vở. Để hỗ trợ thầy cô giáo phát triển phù hợp với nghề nghiệp, cần xây dựng và biểu dương những tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo như ngành giáo dục Hà Nội hiện nay hằng năm đều có tôn vinh bằng giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo.
Đồng thời, các trường sư phạm sẽ đổi mới chương trình đào tạo để đảm bảo sinh viên ra trường có đủ phẩm, năng lực. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo về khoa học tâm lý, khoa học giáo dục và khoa học quản lý một cách sâu sắc để sinh viên trở thành nhà giáo có đủ phẩm chất năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nếu thực hiện được việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, chọn lọc và tôn vinh, đãi ngộ nhà giáo, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.