Bé trai suýt tử vong do tiểu đường, bác sĩ: cần hạn chế cho trẻ xem tivi, chơi điện tử

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 09:52, 09/05/2022

Theo các bác sĩ, để tránh cho trẻ bị biến chứng tiểu đường, cha mẹ cần cho con ăn uống lành mạnh, duy trì hoạt động và hạn chế thời gian xem ti vi, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính..

Ngày 7/4, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An vừa tiếp nhận bệnh nhi T.V.S (15 tuổi, ở xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đe dọa tính mạng.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước nhập viện 4 ngày, bé S có biểu hiện buồn nôn, nôn thức ăn, mệt nhiều, tiểu nhiều nhưng vẫn ăn uống được. Gia đình đưa con đến phòng khám tư khám thì được chẩn đoán viêm ruột. Bệnh nhi được truyền dịch, kê đơn thuốc về uống nhưng không đỡ.

img_1063_2-1-.jpg
Bệnh nhi đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Sáng cùng ngày nhập viện, bệnh nhi mệt nhiều, tiểu nhiều, nôn thức ăn nhiều lần, sụt 6 kg trong 4 ngày, thay đổi ý thức nên người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nói sảng, thở nhanh, nông, chỉ số SpO2 thấp, nhịp tim nhanh, da khô nóng, môi khô. Các bác sĩ nhanh chóng chẩn đoán, bệnh nhi bị toan ceton đái tháo và được chỉ định thở oxy qua mask, bù dịch nhanh, kiểm soát đường huyết, dõi huyết động liên tục qua catheter. Hiện, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.

Cho con ăn uống lành mạnh, hạn chế xem tivi và chơi điện tử

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đái tháo đường ở trẻ em còn gọi bệnh tiểu đường là một bệnh mạn tính do rối loạn quá trình sử dụng và tích trữ chất đường dẫn đến độ đường trong máu vào buổi sáng chưa ăn, cao hơn mức bình thường, từ 126mg% trở lên.

Nguyên nhân cơ bản của sự rối loạn này là thiếu chất insulin sản xuất bởi tuyến tụy (tiểu đường type 1) hoặc khiếm khuyết tác động của insulin (tiểu đường type 2). Insulin giúp cho cơ thể chuyển hóa, sử dụng chất glucose cung cấp bởi thức ăn giàu đường bột.

Triệu chứng đặc trưng bệnh là:

Trẻ ăn nhiều, khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, thường gọi là triệu chứng “bốn nhiều”.

Trẻ ăn kém, sụt cân, mệt mỏi, suy kiệt, nôn ói, đau bụng, mất nước, rối loạn tri giác (lơ mơ, hôn mê).

Cũng có trẻ có biểu hiện qua suy giảm sức đề kháng cơ thể như bị nhọt da, viêm ngứa bộ phận sinh dục, viêm quanh nướu răng.

Trẻ biểu hiện thần kinh tê rần như kiến bò ở chân, mạch máu võng mạc: giảm thị lực, hoa mắt. Trước đó trẻ có thể biểu hiện đơn thuần là nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp hay đường tiêu hóa hay đường tiểu,…

be-uong-nuoc-ngot.jpg
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố từng điều trị cho bệnh nhi bị biến chừng tiểu đường do uống nhiều nước ngọt. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Trần Văn Cương - Phó giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu BV Sản nhi Nghệ An, đái tháo đường thường giai đoạn đầu các triệu chứng thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Đối với trẻ em, các triệu chứng càng khó phát hiện hơn. Vì vậy, trẻ nhập viện thường ở giai đoạn nặng, trong tình trạng toan chuyển hóa, tiền hôn mê, hôn mê.

Khi bị tiểu đường bị biến chứng tiểu đường có thể bị ảnh hưởng đến các cơ quan chính trong cơ thể trẻ: tim, mạch máu, dây thần kinh, mắt và thận. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể nguy kịch, đe dọa tử vong nhanh chóng.

Theo các bác sĩ, bệnh đái tháo đường type 1 không thể ngăn ngừa được. Chúng ta thậm chí không thể biết ai sẽ mắc bệnh hay sẽ không mắc căn bệnh này.

Các bác sĩ khẳng định, đái tháo đường type 1 không phải là bệnh truyền nhiễm, vì vậy trẻ em và thanh thiếu niên không thể mắc bệnh từ người khác hoặc truyền bệnh cho bạn bè hoặc thành viên trong gia đình.

Đối với bệnh đái tháo đường type 2 thường chỉ xảy ra ở người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2, do số lượng trẻ em thừa cân/béo phì ngày càng tăng nhanh. Nguyên nhân do trẻ tăng cân quá mức, béo phì và lối sống ít vận động. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường typ 2 đôi khi có thể được ngăn ngừa.

Cha mẹ cần đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích con bạn ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng như: ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc.

Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường như: nước ngọt, nước trái cây có đường…

Cần khuyến khích con tham gia nhiều hoạt động thể chất. Duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động như: xem ti vi, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính.. để giúp giảm nguy cơ tăng cân, ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2.

Phương Linh