Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực làm đường ven biển để kết nối liên vùng, 'mở đường' ra thế giới

Xã hội - Ngày đăng : 19:15, 08/05/2022

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, giao thông vẫn là nút thắt lớn nhất của Thái Bình, do đó, thời gian tới, tỉnh phải tập trung mọi nguồn lực cho tuyến đường ven biển, hoàn thành càng sớm càng tốt để thúc đẩy kết nối liên vùng, mở đường ra thế giới cho hàng hóa và con người qua các sân bay, các cảng lớn trong khu vực, tạo không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển mới, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư.
Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực làm đường ven biển để kết nối liên vùng, 'mở đường' ra thế giới - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chiều ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Cùng tham dự cuộc làm việc các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực làm đường ven biển để kết nối liên vùng, 'mở đường' ra thế giới - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lần đầu tiên thu ngân sách vượt mốc 10.000 tỷ đồng

Báo cáo của tỉnh Thái Bình và các ý kiến tại cuộc họp đánh giá trong năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực, tạo niềm tin, khí thế mới trong Nhân dân và là cơ sở để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa. Tỉnh đã thể hiện tinh thần phấn đấu và quyết tâm cao, khát vọng phát triển lớn, có chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành.

Thái Bình đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉ lệ số ca nhiễm/số ca tử vong trong 2 năm qua là 0,026%, thấp hơn so với tỉ lệ chung của toàn quốc (0,4%); là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân Nhâm Dần 2022 (đạt 102.218 liều).

Đến nay, tổng số người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 mũi đạt 100%; người từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi đạt trên 99%; tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi bổ sung hoặc nhắc lại trên 80%, đã hoàn thành việc tiêm 100% số liều vaccine do Bộ Y tế phân bổ để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi...

Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực làm đường ven biển để kết nối liên vùng, 'mở đường' ra thế giới - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Kinh tế cơ bản ổn định, dần phục hồi và tăng trưởng khá; tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 tăng 6,68% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố), quý I/2022 tăng 7,44% (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố). Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 28,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 37,8% (chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5% (riêng tháng 4 tăng 17,8%) so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư được cải thiện, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn. Năm 2021 đã thu hút được 89 dự án với tổng số vốn 20.041 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2020, đặc biệt đã thu hút được 7 dự án FDI với tổng số vốn gần 540 triệu USD, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI (lớn hơn tổng số vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016-2020). 4 tháng đầu năm 2022, có 33 dự án đầu tư được chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng số vốn tăng thêm 13.822,8 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 22.020 tỷ, trong đó thu nội địa đạt 10.534,3 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.580,3 tỷ đồng tăng 65,5% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 3.325,8 tỷ đồng bằng 39,3% dự toán tăng 63,9% và thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.060 tỷ đồng đạt 66,3% dự toán, tăng 176,5% so với cùng kỳ.

Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực làm đường ven biển để kết nối liên vùng, 'mở đường' ra thế giới - Ảnh 5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 35% kế hoạch thuộc tốp đầu và cao hơn bình quân chung của cả nước (18,48%).

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đánh giá, tỉnh chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý do hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Tỉnh chưa có định hướng rõ nét về phát triển kinh tế biển.

Tỉnh chưa phát hiện được đúng mức tiềm năng dân cư và con người, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động lành nghề còn hạn chế.

Ngành nông nghiệp chuyển biến chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống, điều kiện phát triển nông nghiệp. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết chưa nhiều. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.

Thời gian tới, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 9% trở lên và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 10% trở lên. Tỉnh xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như phát triển nhanh khu kinh tế Thái Bình thành động lực, đột phá; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên kết vùng như tuyến đường bộ ven biển, cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, cơ cấu lại ngành công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh…

Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực làm đường ven biển để kết nối liên vùng, 'mở đường' ra thế giới - Ảnh 6.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tỉnh nêu một số kiến nghị liên quan tới việc xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng; phương án lấn biển để mở rộng quỹ đất; chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp; thành lập một số khu công nghiệp mới trong Khu kinh tế Thái Bình; bổ sung quy hoạch phát triển điện gió, điện khí LNG tỉnh Thái Bình trong Quy hoạch điện VIII; một số chính sách với người có công trên địa bàn…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết dưới lòng đất Thái Bình có khoảng hơn 1 tỷ tấn than bùn; cùng với các tiềm năng về khí và các nhiên liệu khác. Đây là những tiềm năng rất lớn. Mặt khác, tỉnh cũng đối mặt nhiều thách thức như trước nguy cơ nước biển dâng trong khi tỉnh nằm sát biển, địa hình bằng phẳng…

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Xuân Sang cho rằng, một trong những nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng nhất thời gian tới của tỉnh Thái Bình là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông để kết nối với khu vực qua các tuyến đường bộ, kết nối với các cảng nước sâu và sân bay Cát Bi ở Hải Phòng nằm rất gần Thái Bình, phát triển các tuyến đường sông với nhiều con sông lớn chảy qua…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, từ những năm 2017-2018, tỉnh đã có chuyển hướng chiến lược trong phát triển. Từ phát triển theo hướng chủ yếu về phía Hà Nội qua Nam Định, Hà Nam, tỉnh phát triển mạnh về phía biển, kết nối với Hải Phòng, Quảng Ninh, với các cảng nước sâu trong khu vực, các tuyến đường ven biển…

Thái Bình cần tập trung mọi nguồn lực làm đường ven biển để kết nối liên vùng, 'mở đường' ra thế giới - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thái Bình cần phát triển đột phá hơn nữa, toàn diện hơn nữa, bền vững hơn nữa. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thái Bình cần phát triển đột phá hơn nữa, toàn diện hơn nữa, bền vững hơn nữa

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của tỉnh Thái Bình và các ý kiến phát biểu tại cuộc họp rất tâm huyết, nhiều góp ý sát thực tế và xác đáng.

Nhấn mạnh thêm một số điểm, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Thái Bình trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình tiếp tục phát triển, thu ngân sách tăng, giải ngân đầu tư công tốt, thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, tỉnh chống dịch tốt trong bối cảnh khó khăn của một tỉnh có mật độ dân số cao, nhờ triển khai tiêm vaccine rất nhanh. Cùng với đó, tỉnh làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, sáng kiến.

Thay mặt đoàn công tác Trung ương, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, kết quả vừa qua của tỉnh, góp phần vào thành tích chung của cả nước.

Về những ấn tượng với tỉnh, Thủ tướng cho rằng Thái Bình khang trang hơn, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên trong bối cảnh dân số đông, lòng tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư được củng cố. Tinh thần đoàn kết, thống nhất ngày càng tốt với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, huy động được sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng quyết tâm đưa Thái Bình trở thành kiểu mẫu trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước. Cơ sở hạ tầng có bước phát triển mới.

"Qua nhiều thế hệ, Thái Bình đã vượt qua chính mình, tuy nhiên, tỉnh chưa có phát triển đột phá rõ nét. Tỉnh phải vượt qua chính mình hơn nữa, với khát vọng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa. Tỉnh có đủ điều kiện để phát triển hơn nữa với con người thông minh, cần cù, anh dũng, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng vẻ vang của "quê lúa, đất nghề, chị Hai năm tấn". Chúng ta phải tự hào với quê hương Thái Bình, truyền thống văn hóa, những di tích lịch sử, như di tích chùa Keo rất đặc biệt", Thủ tướng nói.

Phân tích cụ thể hơn về những hạn chế của tỉnh, Thủ tướng cho rằng hạ tầng chiến lược nói chung còn là thách thức lớn. Các địa phương xung quanh đang có chiến lược phát triển rất nhanh và mạnh với quyết tâm rất cao để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và cả vùng. Thái Bình cũng chưa khai thác hết hiệu quả trên đất và đội ngũ lao động dồi dào với gần 2 triệu dân, đây cũng là thị trường lớn.

Thủ tướng mong muốn Thái Bình phát triển đột phá hơn nữa, toàn diện hơn nữa, bền vững hơn nữa, đạt thu nhập bình quân đầu người cao hơn nữa.

Dồn nguồn lực để giải quyết nút thắt lớn nhất về giao thông

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nêu rõ, tỉnh phải xác định và phát huy, khai thác tối đa các điểm mạnh như vị trí tương đối trung tâm trong đồng bằng sông Hồng, truyền thống lịch sử văn hóa, tiềm lực con người. "Nguồn lực lớn nhất là con người thì Thái Bình có, phải khai thác, phát huy hiệu quả hơn", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương phù hợp với tình hình địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh phải vượt qua chính mình, tự lực, tự cường, không thụ động mà chủ động, tích cực hơn nữa, xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá. Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Thủ tướng cho rằng, nông nghiệp vẫn là trụ cột quan trọng của tỉnh Thái Bình, là trụ đỡ cho các lĩnh vực khác với nhiều thế mạnh. Tỉnh cần phát triển kinh tế nông nghiệp bằng các biện pháp như xây dựng thương hiệu lúa gạo, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, tăng năng suất, tăng cường chế biến sâu các loại nông sản thế mạnh, mở rộng thị trường, quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng…, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh tập trung cho công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, xác định và khai thác được các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, huy động các nguồn lực mới cho phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng nêu rõ giao thông vẫn là nút thắt lớn nhất của tỉnh, vẫn chưa thông suốt. Do đó, phải kết nối với các sân bay, các cảng lớn, mà gần nhất là sân bay Cát Bi, cảng Lạch Huyện, cảng Cái Lân, Móng Cái…

Trong đó, tỉnh phải tập trung mọi nguồn lực cho tuyến đường ven biển có vai trò rất quan trọng. Tinh thần là làm càng sớm càng tốt để góp phần kết nối liên vùng, mở cửa ra biên giới, kết nối quốc tế, tạo đường ra thuận tiện cho hàng hóa và con người, thúc đẩy Khu kinh tế Thái Bình, tạo không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển mới, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư.

Về nguồn vốn, Thủ tướng nêu rõ, tư duy đột phá sẽ tạo ra nguồn lực, trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác công tư. "Làm con đường này chỉ mất khoảng vài nghìn tỷ đồng đầu tư, nhưng lúc hoàn thành sẽ mang lại hàng trăm nghìn tỷ đồng khi giá trị đất đai lên cao, các nhà đầu tư đưa nguồn vốn tới", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng tỉnh cần đầu tư xứng đáng cho giáo dục và đào tạo. Với trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cao đẳng Y Thái Bình, có thể hình thành một trung tâm y tế tại Thái Bình để phục vụ cho cả khu vực; đồng thời tiếp tục phát triển Đại học Thái Bình, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tỉnh cũng cần nâng cao các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính. Thủ tướng lưu ý các cơ quan phải "tự cải cách chính mình" và việc triển khai các dự án đầu tư cần theo hướng "từ trên xuống", lãnh đạo tỉnh phải vào cuộc chỉ đạo trực tiếp, thay vì chờ đợi cấp dưới trình lên.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh quan tâm bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; củng cố quốc phòng an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội; tiếp tục quan tâm công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Cho ý kiến cụ thể về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Thủ tướng đồng ý về chủ trương với nhiều nội dung. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, xác định những khu vực biển phải bảo tồn, những nơi có thể lấn biển, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển. Thủ tướng đánh giá Thái Bình có tiềm năng lớn về lấn biển với các điều kiện tự nhiên sẵn có.

Đồng thời, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ việc bổ sung quy hoạch điện khí LNG tỉnh Thái Bình trong Quy hoạch điện VIII. Ông nêu rõ, nhiều địa phương đề xuất bổ sung quy hoạch điện khí LNG, nhưng những địa phương đó có nhiều tiềm năng, lợi thế khác để phát triển, nên cần dành ưu tiên trong lĩnh vực này cho những địa phương khó khăn hơn như Thái Bình.

Đồng tình về chủ trương với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh liên quan tới chính sách người có công, Thủ tướng nêu rõ, Thái Bình là một trong những địa phương có nhiều liệt sĩ nhất cả nước, do đó, phải đặc biệt quan tâm tới công tác này.

Hà Văn