Nuốt đau, khàn tiếng, đi khám mới biết mắc hai bệnh ung thư
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 16:50, 08/05/2022
Khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, bệnh nhân cho biết, hơn 3 tháng trước, anh bị nuốt vướng, nuốt đau tăng dần khi ăn uống, lệch bên phải, lan lên tai phải.
Một tháng gần đây, các biểu hiện khàn tiếng tăng dần, nuốt vướng, nuốt đau nhiều hơn, ăn uống kém, gầy sụt cân (sụt 3 kg/3 tháng).
Bệnh nhân có tiền sử uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá nhiều năm.
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
BS Đỗ Tiến Quân - Chuyên khoa Tai mũi họng chỉ định bệnh nhân nội soi tai mũi họng và làm một số xét nghiệm.
Khi khám tai mũi họng, bác sĩ thấy vùng cổ bên phải bệnh nhân sưng nề, hạch cổ 2 bên. Nội soi tai mũi họng phát hiện khối sùi rất lớn vùng hạ họng phải lan rộng ra xung quanh và vào thanh quản.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CT vùng cổ, CT lồng ngực. Kết quả phim chụp CT vùng cổ cho thấy, bệnh nhân có khối u lớn vùng hạ họng lan vào thanh quản và phần mềm trước cột sống kèm nhiều hạch cổ 2 bên. Chụp CT lồng ngực có hình ảnh nghi ngờ di căn ở phổi và thành ngực.
Bệnh nhân được sinh thiết khối u vùng hạ họng cho kết quả ung thư biểu mô vảy. Với những kết quả khám, sinh thiết, chụp phim CT, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư hạ họng - thanh quản giai đoạn IVB.
Phân biệt ung thư hạ họng và thanh quản
Theo BS Quân, ung thư hạ họng thì các triệu chứng ban đầu kín đáo, không rầm rộ nên người bệnh dễ bỏ qua, không đi khám; còn ung thư thanh quản thường xuất hiện sớm với các triệu chứng khàn tiếng, nên người bệnh tự đi khám sớm hơn.
Về tốc độ phát triển, ung thư thanh quản phát triển chậm hơn các ung thư khác, khám phát hiện dễ dàng và điều trị kịp thời cho kết quả cao (phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi là 80%). Nhưng thực tế, không ít trường hợp chủ quan đến khám muộn nên để lại hậu quả đáng tiếc là kéo dài thời gian, cũng như ảnh hưởng đến kết quả điều trị và chất lượng sống của người bệnh.
Vì vậy, BS Quân lưu ý người dân nên cảnh giác các yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư hạ họng - thanh quản gồm:
- Thói quen uống rượu, hút thuốc lá: Vừa dùng cả rượu, thuốc lá có nguy cơ ung thư tăng gấp 3 lần.
- Yếu tố nghề nghiệp: Liên quan đến bụi Amiant, Niken, chrome, acid sulfuric, chất dẻo.
Ngoài ra, ung thư thanh quản hay gặp ở những bệnh nhân trên 55 tuổi, nam giới (nguy cơ cao gấp 4 lần so với nữ giới).
Khi nào nên đi khám?
BS Quân khuyến cáo người dân nên đi kiểm tra định kỳ chuyên khoa Tai mũi họng hàng năm, đặc biệt những người có yếu tố nguy cơ cao hoặc cần lưu ý đi khám ngay nếu xuất hiện một trong những dấu hiệu:
Đối với ung thư hạ họng, mọi người nên cảnh giác những dấu hiệu cảnh báo như rối loạn nuốt (Nuốt vướng, nuốt đau ở 1 bên và lan lên tai cùng bên); ăn uống kém; sụt cân không rõ nguyên nhân; nổi hạch cổ cùng bên tổn thương, giai đoạn muộn có hạch cổ hai bên.
Đối với ung thư thanh quản, bạn nên cảnh giác với những dấu hiệu khàn tiếng (Là triệu chứng thường gặp và đôi khi là duy nhất ở nhiều bệnh nhân); ho (Là biểu biểu hiện của nhiều bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan… đồng thời cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh ung thư thanh quản nên cần lưu ý). Ở giai đoạn muộn bệnh nhân có biểu hiện nuốt khó khiến thức ăn rơi vào đường thở sẽ gây nên những cơn ho sặc sụa.
Ngoài ra, các triệu chứng như khó nuốt (Khi khối u đã lan ra vùng hạ họng kèm theo dấu hiệu đau lan lên tai); sụt cân không rõ nguyên nhân cũng là những dấu hiệu các bạn cần cảnh giác.
Thanh Hải