Đằng sau chế độ làm việc 4 ngày/tuần ở Nhật Bản
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 14:38, 08/05/2022
Từ Nhật Bản…
Về phía các công ty, việc rút thời gian lao động xuống 4 ngày/tuần đồng nghĩa phải xây dựng chế độ “làm việc nén”. Điều tích cực là chế độ làm việc này có thể giúp thu hút nhân tài nhiều hơn, ngăn nhân viên bỏ việc. Panasonic Holdings Corp. đã trở thành doanh nghiệp mới nhất áp dụng làm việc 4 ngày/tuần. Từ tháng 4/2022, họ còn cho nhân viên tùy chọn ngày nghỉ thứ ba rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần. Đây là quyết định hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Nhật Bản.
Nhiều công ty Nhật Bản chuyển sang chế độ làm việc 4 ngày/tuần để cân bằng công việc và cuộc sống cho nhân viên - Ảnh: Getty Images |
Cùng tham gia còn có các công ty khác như Tập đoàn Hitachi Ltd., Mizuho Financial Group Inc. và Fast Retailing Co., chuỗi quần áo Uniqlo. Hiromi Murata - nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Tuyển dụng lao động (RWI) - cho biết, các công ty coi làm việc 4 ngày/tuần là một cách để giữ chân nhân viên có kỹ năng.
“Nhiều công nhân lành nghề, trong đó có cả những bà mẹ nuôi con nhỏ, không thể làm việc 5 ngày/tuần. Vì vậy, các công ty không những có thể giữ chân nhân viên giỏi mà còn có cơ hội tuyển dụng người có trình độ chuyên môn tốt nếu thực hiện tuần làm việc bốn ngày”, bà nói.
Theo khảo sát trên 4.000 công ty của Bộ Lao động Nhật Bản, tính đến năm ngoái, có 8,5% công ty cho phép nhân viên nghỉ 3 ngày/tuần. Trong các công ty đã chấp nhận làm việc 4 ngày/tuần, Công ty dược phẩm Shionogi hy vọng rằng công nhân của mình sẽ học được các kỹ năng mới hoặc phát triển các quan hệ thông qua làm công việc thứ hai hoặc đào tạo bổ sung.
Tương tự, Công ty Hitachi cho biết sẽ cho phép nhân viên sắp xếp lịch làm việc của họ một cách linh hoạt. Làm việc vào bất kỳ bốn ngày trong tuần miễn là bảo đảm đủ giờ làm việc mỗi tháng và nhận mức lương không thay đổi.
Tuy vậy, khảo sát của nhà cung cấp thông tin việc làm Mynavi Corp vào tháng Hai cho thấy 78,5% người lao động từ 20 - 50 tuổi cho biết họ sẽ không muốn nghỉ 3 ngày/tuần nếu bị cắt lương. Hơn nữa, hơn 60% trong số 800 người nói rằng không thể áp dụng làm việc 4 ngày/tuần tại nơi họ làm việc vì vốn rất thiếu nhân sự và khối lượng công việc quá lớn.
… Đến nhiều nước châu Á khác
Nhiều công ty và chính phủ trên khắp châu Á cũng đang thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần vì thời gian làm việc như hiện nay ảnh hưởng năng suất lao động. Tại Indonesia, Công ty Alami - chuyên cho vay ngang hàng (P2P lending) - đã giới thiệu chế độ làm việc này cho nhân viên năm 2021 trong nỗ lực cải thiện sức khỏe tinh thần và năng suất.
Công ty giáo dục của Hàn Quốc Eduwill cũng đã áp dụng chế độ này năm 2019. Sự kiện của Eduwill đã làm cảm hứng cho Sim Sang-jung - người từng là ứng cử viên tổng thống của Đảng Công lý tiến bộ - đề xuất làm việc 4 ngày/tuần thành một trong những chính sách tranh cử quan trọng của bà.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang chuẩn bị sửa Bộ luật Lao động liên quan đến giờ làm việc và tiền lương. Người lao động có thể có tùy chọn làm việc 4 ngày/tuần, dù tổng số giờ làm việc mỗi tuần 48 tiếng sẽ không thay đổi.
Các khảo sát cho thấy tuần làm việc ngắn hơn là một trong những chính sách mà người lao động mong muốn thay đổi nhất. Một báo cáo của Tổ chức Milieu Insight chỉ ra xu hướng tương tự ở các nơi khác trong khu vực. Theo đó, 78% người Việt Nam và 69% người Indonesia bày tỏ mong muốn mạnh mẽ về tuần làm việc rút ngắn lại.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức trên thực tế từ thay đổi này. Kyoko Kida - nhà điều hành trang web tuyển dụng Nhật Bản Doda - cho biết một số công ty thử áp dụng làm việc 4 ngày/tuần đã nêu ra một số vấn đề chẳng hạn sự phức tạp hơn trong tính toán tiền lương. “Cần có sự chuẩn bị thích hợp cho sự thay đổi này để tránh dẫn đến thất bại”, Kida cho hay.
(Theo New Straits Times/ TJT/ Nikkei Asia/ Phụ Nữ TP.HCM)