Hai biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng, những dấu hiệu tuyệt đối không bỏ qua

Tin Y tế - Ngày đăng : 10:00, 08/05/2022

Bác sĩ cho biết, biến chứng nặng của bệnh tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim. Đây là 2 biến chứng hay gặp, khiến trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Đang có con điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Ngô Thu Quỳnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, con chị (10,5 tháng tuổi) sốt trên 38 độ, biếng ăn, đau họng, chảy nước dãi…

Trước đó, bé chơi cùng 1 trẻ nhỏ khác (7 tháng tuổi). Em bé này bị sốt, gia đình đưa đi khám và được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. Vì vậy khi con mình xuất hiện triệu chứng sốt tương tự, chị Quỳnh cũng nghĩ đến khả năng con lây bệnh và đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám. Tại đây, bé cũng được kết luận mắc tay chân miệng. Như nhiều trẻ khác mắc bệnh truyền nhiễm này, bệnh nhi hơn 10 tháng tuổi bị nổi ban ở bàn chân, đầu gối…

Cùng có con điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương do mắc tay chân miệng là chị Hoàng Thị Thanh Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội).

Khi con gái (3 tuổi) sốt, kém ăn chị Thủy cho rằng con bị nhiệt miệng. Chỉ đến khi đầu gối bé có xuất hiện những nốt đỏ, chị mới nghĩ đến khả năng con mắc bệnh tay chân miệng. Gia đình đưa bé đi khám. “Tôi nhắn tin cho cô giáo của con để báo thì được biết ở lớp con cũng có 2 bạn khác mắc tay chân miệng. Hầu hết các mẹ đều nghĩ con bị nhiệt miệng”, người mẹ này chia sẻ.

axxxcc.png
TS.BS Nam thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

TS.BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, từ tháng 3 đến nay, bệnh tay chân miệng đã bắt đầu rải rác xuất hiện. Hiện tại, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận điều trị 9 bệnh nhân.

Theo TS.BS Nam, những năm trước, khi trẻ đi học bình thường, tỉ lệ mắc tay chân miệng rất cao, đặc biệt là trẻ mẫu giáo do trẻ tiếp xúc, lây bệnh từ nhau. Hiện nay, Covid-19 đã giảm, trẻ quay trở lại trường, các bệnh truyền nhiễm tiếp tục tăng lên, trong đó có tay chân miệng.

TS.BS Nam khuyến cáo, phụ huynh phải theo dõi các triệu chứng của trẻ, đó là trẻ có sốt, giật mình, nổi ban ở tay, chân, miệng hay không. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần xem tiền sử ở trong lớp học của con có bạn mắc bệnh này hay không.

Bác sĩ khuyến cáo, vệ sinh thường xuyên cho trẻ là điều quan trọng để giảm khả năng lây nhiễm.

Đường truyền nhiễm của bệnh này qua nước bọt, sinh hoạt ăn chung, uống chung…. Ngoài lây nhiễm qua tiếp xúc tay, bệnh còn lây khi tiếp xúc vào nốt bỏng nước khi tiếp xúc bệnh nhân. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, tuy nhiên những trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường gặp nhất, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Chủ yếu chúng ta chỉ phòng tránh bằng biện pháp không đặc hiệu là vệ sinh tay, rửa tay bằng xà phòng, tuân thủ 6 bước của Bộ Y tế…để giảm nguy cơ mắc tay chân miệng.

Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cho trẻ ăn uống bình thường, đầy đủ dinh dưỡng, chú ý vệ sinh cơ thể, ăn chín uống sôi. Khi vệ sinh cho trẻ cần vệ sinh tay sạch sẽ để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Bố mẹ không kiêng tắm, gội cho trẻ và cũng không cần kiêng khem thực phẩm nào.

Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần chú ý các dấu hiệu trẻ sốt cao liên tục, lờ đờ, giật mình, run tay chân… Lúc này, cần cho trẻ vào bệnh viện chuyên khoa ngay để được xử lý kịp thời tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm. “Biến chứng nặng của tay chân miệng là viêm não và viêm cơ tim. Đây là 2 biến chứng hay gặp, khiến trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời”, BS.TS Nam nói.

Trong trường hợp không gặp biến chứng, hầu như các trẻ có thể hồi phục hoàn toàn từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát.

Bình thường tay chân miệng không có triệu chứng nặng chỉ có triệu chứng nổi ban bàn tay, bàn chân và sốt. Khi trẻ có biểu hiện nổi ban tay, chân, miệng, sốt cao cần đưa trẻ đến viện để khám. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ bệnh, độ 1 có thể ở nhà điều trị nhưng độ 2 phải điều trị tại viện để theo dõi.

Cũng theo TS.BS Đào Hữu Nam, việc phân biệt tay chân miệng với các bệnh khác như Covid-19 và sốt xuất huyết khá rõ ràng. Trẻ mắc tay chân miệng sẽ có nổi ban lòng bàn tay, chân và miệng. Trong khi đó, trẻ mắc sốt xuất huyết có triệu chứng phổ biến là nổi ban ở người, sốt liên tục.