Pho tượng cứu được từ đống củi đun bánh chưng
Dòng chảy - Ngày đăng : 17:05, 07/05/2022
Một ngày mùa đông năm 1968.
Chiếc command car đưa chúng tôi về đình Liên Hiệp, thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây. Họa sĩ Nguyễn Bích, một cán bộ của Viện Bảo tàng Mỹ thuật, kể: “Nghe tin đình Liên Hiệp bị phá nghiêm trọng mà sốt ruột quá. Đình được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, thờ tướng quân Hoàng Đạo, một danh tướng thời Hai Bà Trưng”. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (*), co ro trong chiếc áo dạ màu xám, tiếp thêm: “Tôi đã đến thăm đình này một lần rồi. Nhiều phù điêu gỗ đẹp mê hồn. Nghe tin đình bị phá, mấy ngày nay cứ đứng ngồi không yên”.
Xe vừa đến sân đình, tiếng quát tháo, rượt đuổi, náo loạn cả một vùng. Ngổn ngang các mảnh tượng gỗ bị phá gãy, vun thành đống. Một cán bộ xã lau mồ hôi trán: “Suốt mấy ngày nay, đi bắt bọn say rượu này không kịp. Đình dạo này bớt hương khói, ít người qua lại. Thế là chúng nó ngà ngà say, có thằng leo lên bẻ gãy các cô tiên, các mặt rồng. Lũ trẻ trong làng cũng hùa vào phá phách. Khi chúng tôi đến thì đã tan hoang”.
Cảnh tượng đau lòng. Máy quay, máy ảnh làm việc không ngừng. Không ai thốt nổi câu gì.
Trưa, tìm chỗ nấu ăn. Chúng tôi vào một nhà dân gần đấy. Bây giờ không nhớ là mỗi tem mua được bao nhiêu gạo, chỉ nhớ vẻ mặt thoạt đầu đăm chiêu của bà chủ nhà khi thấy đoàn chúng tôi vào đề nghị nấu giúp một bữa cơm trưa và nét mặt rạng rỡ khi tôi trao năm cái tem gạo kèm hai đồng cho năm suất ăn. Bà đon đả hẳn lên: “Các anh chị ngồi chơi một chốc một nhát nhé”.
Mâm cơm gạo quê mềm, thơm, dẻo, với rau muống Sơn Tây chấm tương Bần giữa tiết trời se lạnh.
Cậu quay phim và anh Bích tiếp tục ra đình ghi hình ảnh. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm hí hoáy vào quyển sổ tay. Tôi ra thăm thú mảnh vườn sau nhà. Cạnh mấy cây bưởi cây chanh, chất đống đến tận nóc là những gốc tre, những thanh củi mục, vài thân cây còn loáng thoáng vài ngọn lá héo rũ, rơm rạ lẫn bùn đất kết thành búi... Kho dự trữ chất đốt cho nồi bánh chưng đêm ba mươi tết.
Trèo lên đống củi định với tay hái hai quả chanh, tôi thấy một tấm gỗ nằm lăn lóc lẫn trong mấy búi rơm. Phủi bùn đất bám đầy, hé lộ một bức phù điêu gỗ người cưỡi ngựa, đầu vận khăn mỏ rìu, tấm áo giáp bảo vệ đôi vai lực lưỡng, một phần đầu ngựa đã gãy. Bà chủ nhà cười bảo: “Mấy hôm nay, nghe nói dọn đình để làm kho chứa thóc, trẻ con người lớn đua nhau phá sạch mấy cánh cửa và xà nhà. Có mấy mảnh, cháu nó nhặt được, vứt vào đấy để thêm lửa cho nồi bánh chưng”. Tôi đề nghị: “Bà bán lại cho tôi nhé”. “Bán buôn gì cái đồ vặt ấy. Thôi, cô cứ cho tôi tiền một bó củi là được”.
Tôi ôm pho tượng gãy vào nhà, tùm hụp trong chiếc áo rét. Anh Bích không thu hồi được gì ở ngoài đình. Các mảnh gỗ vỡ vụn quá. Trên xe trở về, đến cách Hà Nội khoảng mười lăm cây số, tôi cất tiếng: “Các bác nhắm mắt lại, đếm một hai ba rồi tôi cho xem cái này”. Nguyễn Tư Nghiêm mở mắt trước, nhìn pho tượng gỗ gãy nham nhở, thốt lên: “Ôi trời ơi, đẹp quá. Chị nhặt được ở đâu thế này?”. Tôi kể sự may mắn tình cờ trời ban. Nguyễn Bích thở dài: “Không thì thành củi đun rồi”.
Gần đến phố Nguyễn Thái Học, anh Nghiêm quay lại: “Chị Phượng ơi, tôi thích pho tượng này quá. Như một Thánh Gióng tạc bằng rìu. Chị cho tôi nhé”.
“Cho là thế nào!”
“Tôi quý nó lắm. Như từ cõi chết trở về”. Và nịnh: “Chị có con mắt tinh đời và may mắn quá”. Anh chàng họa sĩ xứ Nghệ này vốn lầm lầm lỳ lỳ, giờ bỗng lắm lời.
Xe đỗ trước nhà Nguyễn Tư Nghiêm. Anh cố vớt vát: “Hay chị cho tôi mượn một thời gian”. Cái nhìn thật thiểu não làm tôi động lòng. “Thôi, tôi cho anh mượn. Một thời gian thôi nhé”.
Anh gật đầu lia lịa, ôm chầm pho tượng, hấp tấp bước xuống xe, không kịp cảm ơn chú lái xe...
*
Bẵng đi một thời gian...
Rồi lần lượt những tác phẩm Thánh Gióng bằng sơn mài, bằng giấy dó của Nguyễn Tư Nghiêm xuất hiện, làm xôn xao cả giới mỹ thuật lúc bấy giờ. Chỉ nhìn thoáng qua, tôi đã nhận ra ngay bóng dáng của bức tượng gỗ suýt bị vùi lấp để làm củi đun bánh chưng năm nào.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam treo bức sơn mài Gióng vào một nơi rất trang trọng. Các nhà sưu tập lao đi tìm tranh Nghiêm... Mừng cho anh.
Một năm, hai năm, rồi ba, bốn năm trôi qua. Vẫn không thấy anh nhắc gì đến việc trả lại pho tượng. Được cái là tuy rất ngại ngao du, nhưng từ đấy, tết nào anh cũng chịu khó đến khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu trao tặng tôi một bức tranh ứng vào một con giáp.
Thời gian như nước chảy qua cầu, tôi cũng lãng việc “đòi tượng”. Rồi một hôm, tình cờ đọc một tài liệu về đình Hạ Hiệp tức Liên Hiệp, thấy hình ảnh một bức phù điêu gỗ lớn, trong đó có pho tượng người cưỡi ngựa, người còn nguyên vẹn cả tay, ngựa còn nguyên vẹn cả đầu, chen giữa những pho tượng khác. Tôi như bừng tỉnh.
Vậy là việc “mượn tượng” này xảy ra đã hơn 12 năm. Cồn cào, thắt ruột, mất ngủ suốt đêm. Sáng hôm sau, tôi tất tả đến nhà họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Cửa đóng im ỉm. Bà bán nước chè ngồi trước cổng bảo ông ấy hay đi lắm, ít khi ở nhà. Vài lần sau, cố thu xếp khoảng thời gian rảnh rỗi ít ỏi của mình để đến phố Nguyễn Thái Học. Vẫn không gặp được.
Ức quá, tôi áp dụng chính sách “trường kỳ mai phục”. Mua một ổ bánh mì kẹp chả, thêm một chai nước sôi để nguội, tôi đến tận “sào huyệt”. Vẫn cửa đóng then cài. Bà hàng chè nước hỏi: “Ông ấy nợ cô tiền à?”. Lắc đầu quầy quậy và ngồi mua chuyện với ba cốc nước chè Thái nguội lạnh chát xít.
Ngồi quá lâu không tiện, tôi nhìn sang bên kia đường, thấy một quán bán nước giải khát “Hôm nay chè đỗ đen có đá”. Tôi qua đường, đứt ruột bỏ ra mấy hào mua một cốc chè, vừa nhai bánh mì, vừa "mai phục". Đã gần ba giờ chiều, tôi gà gật ngủ. Bỗng cái dáng người đi cứ chúi chúi về phía trước và bộ quần áo màu nâu quen thuộc hiện ra ở đầu ngõ Yên Thế. Tôi tỉnh hẳn, chạy vụt ra: “Anh Nghiêm!”. Anh chững lại, nhìn sững tôi, lí nhí: “Chào chị”.
Tôi theo anh vào căn phòng quen thuộc, rộng khoảng mười mét vuông, ngổn ngang tranh, giấy tờ, những lọ bột màu, những ống sơn dầu, mấy tấm thớt gỗ vẽ những con giáp treo dọc các bức tường, một cái bếp dầu, vài cái bát nằm chỏng chơ, lộn xộn. Trên chiếc bàn duy nhất giữa nhà, may quá, bức phù điêu gỗ năm nào đang nhìn tôi. Tôi với tay ôm phắt pho tượng vào lòng.
Anh Nghiêm đến gần, giọng trầm hẳn: “Chị Phượng thông cảm. Tượng này sống với tôi đã bao năm nay. Tôi yêu nó lắm chị ạ”.
Tôi rất xúc động, nhưng tất nhiên tôi cũng rất nhớ pho tượng. “Anh giữ lâu rồi. Thôi, anh cho tôi xin”.
Anh Nghiêm cúi đầu, không nói năng gì nữa. Tôi lẳng lặng ôm pho tượng ra về, lòng nặng trĩu.
*
Năm mươi bốn năm nay, pho tượng gỗ đã theo tôi từ Hà Nội vào Sài Gòn. Dù đặt trên một chiếc tủ lỗ chỗ mối mọt, lúc nào cánh cửa cũng dọa long ra, đổ sụm xuống, hay sau này khi đã yên vị trong một tủ kính sáng sủa, máy lạnh suốt năm, tôi vẫn bắt gặp một khuôn mặt chất phác, tinh quái, hồn nhiên, một cái nhìn hóm hỉnh pha chút ngà ngà say mà người thợ xưa, với vài nhát rìu nhỏ, đã tạc nên một khuôn mặt tượng có lẽ là hơi giống chính mình khi cầm rìu và đã tợp vài cút rượu gợi cảm hứng. Gần gũi, dân dã, thân thuộc, thương yêu.
*
Năm 2013, Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học (MAA) trực thuộc Đại học Cambridge - nơi sở hữu một bộ sưu tập quan trọng bậc nhất của Vương quốc Anh, tổ chức trưng bày một tác phẩm Việt Nam nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Anh. Bà GS-TS. Susan Bayly, đại diện MAA đã kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để đưa bức sơn mài Gióng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đi triển lãm. Tiền bảo hiểm là 1 triệu USD, mức cao nhất trong lịch sử 20 năm trước cho một bức tranh sơn mài Việt Nam.
Ba năm sau, 2016, tỷ phú người Thụy Sĩ Paul Hugentobler đã phát hành một quyển sách, trang trọng in những bức tranh ông sưu tập được ở Việt Nam của hai họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái. Lời đề tặng ở trang đầu: Kính tặng quyển sách này đến Nguyễn Tư Nghiêm, người đã từ trần vào ngày 16 tháng 6 năm 2016, về sự đóng góp quan trọng của ông với mỹ thuật.
Ba tranh Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm có mặt trong sách này.
Và từ năm 2016, vào ngày 16.6 mỗi năm, tôi không bao giờ quên thỉnh một hồi chuông, thắp những nén nhang trầm tưởng nhớ trước pho tượng mà anh đã rất yêu thương.
Bài và ảnh: Xuân Phượng (Tặng cháu Thu Giang và bạn Hải Yến)
______________
(*) Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2016) là họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu Việt Nam. Ông là một trong bộ tứ danh họa “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” của mỹ thuật Việt Nam.