Ngân hàng khuyến cáo 5 điều cần làm nếu không muốn thành nạn nhân của trò lừa đảo mới
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:14, 07/05/2022
Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại cá nhân của người dùng để chiếm đoạt tài sản ngày càng trở nên phổ biến. Với thủ đoạn tinh vi, rất nhiều người dùng đã mắc bẫy. Mặc dù được nhiều phương tiện truyền thông, báo chí, Bộ Công an phát cảnh báo... tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nhiều phương tiện truyền thông, báo chí, Bộ Công an phát cảnh báo... tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đối tượng lừa đảo tự xưng là nhân viên nhà mạng, gọi đến thông báo hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 4G lên 5G kèm theo nhiều tiện ích, quà tặng, thưởng... và đồng thời dụ dỗ nạn nhân gửi tin nhắn theo hướng dẫn để nâng cấp. Thực chất bước này là để lừa chúng ta kích hoạt esim trên thiết bị mới của kẻ tấn công và thay thế cho SIM hiện tại của nạn nhân.
Đối tượng lừa đảo yêu cầu Khách hàng đọc OTP được gửi tới và thuyết phục rằng mã OTP này không liên quan gì tới ngân hàng, chỉ là nâng cấp SIM điện thoại. Khách hàng làm theo yêu cầu và SIM bị vô hiệu hóa, hoàn toàn không sử dụng được do kẻ lừa đảo đã chiếm quyền sử dụng SIM điện thoại của khách hàng.
Trong ít phút sau đó, đối tượng tiếp tục thực hiện đổi mật khẩu (password) email cá nhân của khách hàng, liên hệ nhà mạng viễn thông để truy vấn số CMND. Do có quyền kiểm soát cả email và điện thoại, lại có thông tin số CMND, chúng tiếp tục gọi điện lên tổng đài để cấp lại user đăng nhập internetbanking qua email, cấp lại password internetbanking qua tin nhắn điện thoại, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, kích hoạt lại Smart OTP và chuyển hết tiền trong tài khoản của khách hàng sang tài khoản ở các ngân hàng khác.
Chiêu thức lừa đảo này đã xuất hiện từ vài năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây xảy ra nhiều hơn do nhiều người dùng đang có nhu cầu nâng cấp sim 4G, 5G. Các nhà mạng viễn thông và các ngân hàng cũng thường xuyên đưa ra các cảnh báo giúp khách hàng nâng cao cảnh giác, tuy nhiên vẫn có trường hợp khách hàng bị "sập bẫy" kẻ gian.
Nhằm bảo vệ tài sản khách hàng, một lần nữa các ngân hàng đã ra những khuyến cáo mà người dùng nên tuyệt đối chú ý.
XÁC MINH TRỰC TIẾP với các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng và công ty viễn thông trước khi thực hiện các dịch vụ được giới thiệu (VD như nâng cấp SIM điện thoại).
KHÔNG cung cấp thông tin bảo mật như: Mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP cho bất cứ ai và dưới bất cứ hình thức nào, dù là nhân viên ngân hàng.
TĂNG CƯỜNG BẢO MẬT cho SIM điện thoại để giảm thiểu rủi ro (cài đặt mã PIN cho SIM điện thoại theo hướng dẫn của các công ty viễn thông).
SỬ DỤNG CÁC ỨNG DỤNG XÁC THỰC thay vì phương thức xác thực các giao dịch tài chính, tín dụng, ví điện tử… thông qua tin nhắn điện thoại (SMS).
THÔNG BÁO KỊP THỜI với nhà mạng, tổ chức ngân hàng và Cơ quan Công an để tìm phương án xử lý kịp thời trong trường hợp bị mất quyền sử dụng SIM, nghi ngờ bị lộ thông tin cá nhân tại ngân hàng.
Bất kỳ nghi vấn về hành vi lừa đảo liên quan, nạn nhân cần liên hệ ngay với Cơ quan Công an nơi gần nhất và liên hệ tổng đài hỗ trợ khách hàng 24/7 của các ngân hàng mình sử dụng.
(Theo Tổ Quốc)