Cận cảnh hốc đá dưới vực sâu Yên Tử nơi người phụ nữ sống sót qua 7 ngày
Xã hội - Ngày đăng : 10:07, 07/05/2022
Theo một nhân viên thuộc Phòng Bảo vệ di tích, thuộc Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, người trực tiếp tham gia tìm kiếm, phát hiện và cứu hộ bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, ở Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nơi lực lượng chức năng tìm thấy bà Liên là một phiến đá nằm dưới vực sâu cách chùa Đồng khoảng 40m.
Xung quanh phiến đá này bạt ngàn các loại cây và phía dưới là vực sâu khoảng 30m nữa. Phía bên trên phiến đá này vách núi nhô ra một chút tạo thành một cái vòm, sâu vào trong là một hốc đá, nơi bà Liên tận dụng để chống chọi với mưa, gió, giá rét.
Ngoài ra, phía vòm đá là một bụi tre, trúc khá lớn. Bà Liên đã kéo những tán lá của bụi cây này xuống, dùng dây buộc lại tạo thành một cái ô rồi dùng áo mưa giấy, túi nilon che chắn để làm nơi trú ngụ trong 7 ngày sống dưới vực.
Cũng theo nhân viên này, khu vực bà Liên rơi xuống là vực sâu, vách núi đá nhưng có rất nhiều các loại cây mọc trên bề mặt như cây tre, trúc, lạc tiên, gai mê... nên phần nào hạn chế bớt lực rơi.
Bên cạnh đó, khi bị rơi xuống bà Liên đã rơi trúng vào một bụi cây lau, sau đó lăn chéo vào một hõm núi. Tại đây có một lớp mùn rất dày, khá êm được hình thành từ nilon, áo mưa du khách vứt xuống cùng các loại cây đã chết khô, mục lâu ngày dồn về, nên bà chỉ bị xây xát nhẹ.
Sau đó bà Liên lại tiếp tục rơi xuống phía dưới và ở lần rơi xuống cùng (lần thứ 3), bà Liên lại may mắn rơi trúng vào một đống rác bên cạnh phiến đá, do đó không bị thương tích nặng.
Những hình ảnh Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên tử cung cấp cũng thể hiện rất rõ, phiến đá nơi bà Liên tá túc 7 ngày khá rộng; trên bụi trúc còn vương lại khẩu trang, dưới đất có một số chai nước đã uống hết cùng nhiều mảnh áo mưa giấy bà Liên dùng để che mưa, chắn gió…
Ngoài ra, xung quanh phiến đá còn có rất nhiều bụi dương xỉ, lạc tiên, ngải cứu rừng…trong đó có một số bụi đã được hái ngọn hoặc nhổ lên để lấy củ. Đây là những loại cây trùng khớp với lời kể của bà Liên là nguồn thức ăn cũng như là thuốc dùng để đắp vết thương ngoài da trong những ngày bà sống tại đây.
Trao đổi với Dân trí chiều ngày 6/5, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Quảng Ninh khẳng định, khu vực bà Liên rơi xuống có địa hình phức tạp và cũng là một trong các vực sâu xung quanh chùa Đồng, Yên Tử. Đặc biệt vực sâu phía sau ngôi chùa toàn đá rất hiểm trở nên lực lượng chức năng phải dựng lan can sắt, đặt biển cảnh báo nguy hiểm.
Theo một nhân viên Ban quản lý, khoảng 50-60% khu vực xung quanh chùa Đồng là vực sâu.
Một số hình ảnh mới nhất về khu vực bà Liên rơi xuống do Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cung cấp: