Thế giới cần chuyển đổi hệ thống lương thực ứng phó biến đổi khí hậu

Tin tức - Ngày đăng : 15:54, 06/05/2022

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm chiếm xấp xỉ 33% tổng lượng khí phát thải liên quan các hoạt động của con người.
The gioi can chuyen doi he thong luong thuc ung pho bien doi khi hau hinh anh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: allianceforscience.cornell.edu)

Lương thực là nền tảng cho nỗ lực giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhà khoa học Cynthia Rosenzweig thuộc Viện Nghiên cứu không gian Goddard của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa ra nhận định trên sau khi cùng các đồng nghiệp dành hàng chục năm nghiên cứu sự liên quan giữa khí hậu và hệ thống lương thực.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP ngày 5/5 sau khi nhận Giải thưởng Lương thực thế giới cho công trình nghiên cứu trên, nhà khoa học Rosenzweig nhấn mạnh rằng không thể ngăn chặn biến đổi khí hậu nếu con người không chú ý đến lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các hệ thống thực phẩm.

Công trình nghiên cứu này, cùng với những công trình khác, cho thấy lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm chiếm xấp xỉ 33% tổng lượng khí phát thải liên quan các hoạt động của con người.

Do đó, việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi phải tính tới vấn đề trên, và việc đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người cũng đang phụ thuộc vào biến đổi khí hậu.

Nhà khoa học Rosenzweig liệt kê một số tác động mà biến đổi khí hậu gây ra đối với lương thực, thực phẩm.

Nhiệt độ cao gây bất lợi đối với cây trồng khi thời kỳ sinh trưởng bị đẩy nhanh và do đó cây trồng có ít thời gian tạo hạt hơn. Điều này ảnh hưởng đáng kể tới năng suất cây trồng.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan cũng ảnh hưởng đến các giai đoạn tăng trưởng quan trọng của cây trồng, ví dụ một đợt nắng nóng xảy ra trong quá trình thụ phấn ở ngô.

Nước - yếu tố vô cùng quan trọng đối với sản xuất lương thực - cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu.

Hiện tượng này được dự báo đã, đang và sẽ thay đổi chu trình nước ở nhiều khu vực nông nghiệp, khi hạn hán và các trận mưa lớn gia tăng vì không khí ấm hơn giữ nhiều hơi nước hơn.

Những hậu quả lớn mà hạn hạn gây ra có thể nhìn thấy ở các nước phát triển, đơn cử đợt hạn hán tại bang California của Mỹ vào những năm 2000.

Ở các nước đang phát triển, không có nhiều mô hình canh tác được thiết kế để chống chịu nhiệt và chịu hạn.

Điều này khiến khoảng 500 triệu nông dân sản xuất nhỏ trên thế giới ngày càng dễ bị tổn thương hơn.

Trong bối cảnh đó, bà Rosenzweig nhấn mạnh trọng tâm của Dự án Cải thiện và so sánh mô hình nông nghiệp (AgMIP), trong đó bà là nhà đồng sáng lập, là cải thiện hiệu quả của các dự báo bằng cách phát triển các quy trình chung để có thể so sánh kết quả từ các mô hình nông nghiệp.

Bà và các đồng nghiệp đã xây dựng các mô hình cây trồng, chăn nuôi, côn trùng gây bệnh và mô hình kinh tế để đưa ra các kịch bản khí hậu mới nhất, qua đó giúp giới chức các nước và cả ở quy mô toàn cầu có cơ sở cần thiết để triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Với các kịch bản khí hậu mới nhất, AgMIP nhận thấy một số khu vực nông nghiệp trên thế giới có thể sẽ sớm cảm nhận những tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có vùng Trung Tây nước Mỹ, Tây Phi và Đông Á.

Ở Tây Phi, năng suất cây trồng được dự báo sẽ giảm từ 20 đến 40%, thậm chí có thể nhiều hơn.

Để giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, nhà khoa học Rosenzweig cho rằng việc tăng lưu trữ carbon có thể giúp ích. Các nước cần tăng hiệu quả năng suất cây trồng và giảm thất thoát và lãng phí lương thực, thực phẩm.

Việc ngăn chặn lãng phí đồng nghĩa thế giới sẽ không cần phải trồng nhiều cây lương thực, từ đó giảm lượng khí phát thải từ sản xuất nông nghiệp.

Nhà khoa học Rosenzweig cũng cho biết đã tiếp xúc với nhiều bên liên quan hệ thống lương thực, từ phía sản xuất, cung ứng, bán lẻ cho tới đóng gói. Điều đáng khích lệ là đã có sự chuyển biến hướng tới việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ sản xuất lương thực, thực phẩm.

Bà nhấn mạnh lương thực là lĩnh vực cơ bản chịu sự tác động của khí hậu. Do đó, con người cần chuyển đổi hệ thống lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho tất cả mọi người, cũng như xây dựng một hành tinh "khỏe mạnh và bền vững"./.

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)