Chuyên gia quốc tế nói gì về cú ngã từ độ cao 30m của người mắc kẹt dưới vực sâu 7 ngày?

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 11:26, 06/05/2022

Việc ngã xuống từ độ cao 30m nhưng không bị sao là khá khó xảy ra. Bởi ngã từ độ cao trên 3m có thể gây tử vong rồi, còn 30m tương đương với độ cao của tòa nhà 10 tầng", chuyên gia Tony Coffey nói.

Ngày 27/4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963) ở Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội đi chùa Yên Tử (Quảng Ninh) rồi không may ngã xuống vực sâu khoảng 30m. Cú ngã khiến bà Liên ngất đi. Khi tỉnh lại, người phụ nữ này thấy mình nằm trên một khe đá, đầu gối lên một rễ cây, toàn thân ướt hết và nằm gọn trong khe.

Sau hai lần cố gắng trèo lên bất thành, người phụ nữ tiếp tục bị ngã xuống một bãi rác lớn sát vực thẳm và ở đó tìm cách cầm cự cho tới ngày 3/5.

Sau 7 ngày 6 đêm, một cán bộ của Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử khi đi kiểm tra nghe thấy tiếng kêu cứu của bà Liên nên đã tìm đến giải cứu.

Vụ việc trên không chỉ gây xôn xao cả nước mà còn thu hút được sự chú ý của những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng sinh tồn - lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam những năm gần đây.

PV đã có cuộc phỏng vấn ông Tony Coffey, chuyên gia sơ cấp cứu làm việc tại Sydney, Australia, cố vấn đào tạo của Doanh nghiệp Xã hội Kỹ năng Sinh tồn SSVN (TP. HCM) xoay quanh vụ việc hi hữu này. Ông Tony Coffey cũng đã có 20 năm tham gia công tác cứu hộ tại Australia.

Chuyên gia quốc tế nói gì về cú ngã từ độ cao 30m của người mắc kẹt dưới vực sâu 7 ngày? ảnh 1
Bà Liên được cứu lên từ vực sâu (Ảnh: Ban Quản lý Yên Tử cung cấp)

Hai điều kỳ diệu

Thưa ông, ông nhận định thế nào về vụ việc người phụ nữ sống sót sau 7 ngày trong rừng đang được dư luận Việt Nam chú ý?

- Tình huống mà người phụ nữ này gặp phải khá nguy hiểm song chưa hẳn là tệ hại quá mức. Thực tế, tôi còn gặp những trường hợp xấu hơn. Trong suốt 20 năm tham gia công tác cứu hộ tại Australia, tôi đã tìm nhiều thi thể mắc kẹt ở nhiều địa điểm khác nhau. Có những nạn nhận thậm chí tử vong nhiều tuần trước đó. Những người này đa phần gặp chấn thương nên họ không thể di chuyển được. Còn trường hợp của bà Liên, việc bà có thể di chuyển được là điều vô cùng may mắn.

Nạn nhân có kể lại rằng, bà ngã xuống vực sâu khoảng 30m sau đó ngất đi.

- Cá nhân tôi thấy rằng, việc ngã xuống từ độ cao 30m nhưng không bị sao là khá khó xảy ra. Bởi ngã từ độ cao trên 3m có thể gây tử vong rồi. 30m là tương đương với độ cao của tòa nhà 10 tầng.

Vì vậy, tôi phán đoán, có thể người phụ nữ này nhớ nhầm hoặc bà ấy ngã ở độ cao rất ít, sau đó bị bất tỉnh và lăn từ từ xuống. Cuối cùng, bà ấy nằm ở khoảng cách 30m phía dưới.

Còn việc ngã từ độ cao 30m xuống dưới (ngay cả phía dưới là lá cây) mà không hề bị chấn thương, gãy các chi, gãy xương chậu… là một chuyện khá khó xảy ra. Đó là chưa kể bà ấy cũng đã có tuổi. Vậy nên nếu thực sự, mọi chuyện đúng như người phụ nữ này kể thì đó là điều kỳ diệu.

Nạn nhân có chia sẻ là bà ấy rơi xuống và đầu gối lên một rễ cây rồi tỉnh dậy. Tôi thấy đây là điều may mắn tiếp theo. Bởi khi té, ngã, đầu va đập vào một vật gì đó thì não rất dễ bị chấn động. Ngoài ra, khi ngã như vậy, nạn nhân có thể gặp phải tình trạng chấn thương đốt sống cổ. Chấn thương này rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong.

Trong sự việc này, bà ấy ngã xuống nhưng não không bị tổn thương và vẫn tỉnh dậy được là một điều kỳ diệu thứ 2.

Như vậy, chính nhờ hai điều kỳ diệu này nạn nhân mới có thể sống sót?

- Đúng vậy. Khi tỉnh dậy được và không bị chấn thương, bà ấy có thể di chuyển đi tìm nước, tạo nơi trú ẩn và tìm mọi cách để sống sót.

Khi bị lạc ở một nơi hoang dã thì quan trọng nhất là phải tìm nước và chỗ trú ẩn. Bởi việc hạ thân nhiệt đột ngột có thể làm cho các tạng ngừng hoạt động, từ đó dẫn tới tử vong. Trong rừng nếu không có chỗ trú ẩn thì cơ thể sẽ hạ thân nhiệt.

Việc mất nhiệt lượng còn xảy ra nhanh hơn khi ở trong môi trường lạnh, ẩm ướt. Người phụ nữ này đã làm đúng những gì cần làm đó tạo chỗ trú ẩn, tìm các túi giấy bóng để che chắn cơ thể, ngăn tình trạng hạ thân nhiệt xảy ra.

Chuyên gia quốc tế nói gì về cú ngã từ độ cao 30m của người mắc kẹt dưới vực sâu 7 ngày? ảnh 2
Ông Hoàng Phúc Khánh (65 tuổi) không dám tin vợ đã thoát nạn thần kỳ (Ảnh: Phi Hùng).

Việc làm đúng đắn tiếp theo là người phụ nữ này đã tìm cách bổ sung nước cho cơ thể. Cơ thể chúng ta liên tục mất nước trong mọi thời điểm (khi chúng ta hít thở, ra mồ hôi, đi tiểu…).

Nếu không bù nước thì sẽ bị tụt huyết áp. Khi huyết áp hạ thấp thì thận không hoạt động nữa và dẫn tới tử vong. Thiếu đồ ăn thì con người có thể sống lâu hơn, đặc biệt là với những người có nhiều mỡ. Nhưng nếu thiếu nước thì con người sẽ tử vong nhanh hơn.

May mắn là bà ấy đã có thể tìm được nước từ các chai nước còn thừa, chứ nếu ở một số quốc gia khác thì đã không thể tìm thấy nước theo cách này.

Chuyện tồn tại được không phải là khó tin

Khi bị lạc vào nơi hoang vắng quá lâu, con người sẽ đối mặt với những vấn đề gì về tinh thần thưa ông? Tại sao những người đi lạc thường sinh ra ảo giác?

- Nạn nhân có thể bị stress, lo âu, hoảng loạn. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra tại thời điểm họ bị mắc kẹt trong rừng chứ không kéo dài về sau này.

Ảo giác đôi khi sinh ra bởi việc mất nước và hạ thân nhiệt. Khi bị mất nước, não của con người cũng bị mất dịch và "teo" lại. Từ đó, não bắt đầu có những cảm giác lạ.

Chẳng hạn, khi mất nhiệt tới khoảng 35 độ C thì cơ thể sẽ bị run rẩy, nhưng khi tới 33 độ C thì cơ thể hết run và nếu thấp hơn thì cơ thể tự nhiên cảm thấy "ấm". Thực ra lúc đó con người có ảo giác là cơ thể mình đang ấm.

Đó là lý do những người chết do mất nhiệt thường được tìm thấy trong tình trạng khỏa thân bởi trước khi chết họ có cảm giác là mình ấm nên cởi bỏ hết quần áo ra. Việc cởi bỏ đồ như thế vô tình lại làm cho tình trạng mất nhiệt càng trầm trọng thêm.

Chúng ta cũng thường kể chuyện khi lạc trên sa mạc thì sẽ nhìn thấy ảo ảnh là các vũng nước. Nhưng thực ra lúc đó do cơ thể bị mất nước nên não sinh ra ảo giác.

Chuyên gia quốc tế nói gì về cú ngã từ độ cao 30m của người mắc kẹt dưới vực sâu 7 ngày? ảnh 3
Tony Coffey là một nhà đào tạo sơ cấp cứu được đánh giá cao và được mời làm diễn giả cho nhiều đơn vị đào tạo tại Australia. Năm 2010, ông Tony đã được chọn để viết sách đào tạo sơ cấp cứu và các tư liệu sát hạch cho tổ chức đào tạo hàng đầu của Australia Health Corp. Đây là một trong những sách đào tạo sơ cấp cứu được sử dụng rộng rãi nhất tại Australia và New Zealand. (Ảnh: Hồ Thái Bình)

Hiện nay trên mạng xã hội xảy ra những tranh luận trái chiều về vụ việc. Nhiều ý kiến cho rằng, bà Liên trải qua 7 ngày khổ cực, đói rét, cầm cự bằng chút bánh gạo và cỏ rừng nhưng tinh thần vẫn tốt, da dẻ hồng hào, nói chuyện rất tỉnh táo thì quả là khó tin. Chuyên gia đánh giá ra sao về những tranh luận này?

- Tôi chỉ cho rằng, bà ấy có thể không ngã trực tiếp từ độ cao 30m. Không ngã từ độ cao 30m thì bà ấy mới không bị chấn thương. Khi không chấn thương thì việc tồn tại được hoàn toàn có thể xảy ra. Và vì vậy chuyện này không phải là khó tin.

Cách đây ít lâu, ở Australia, lực lượng cứu hộ đã giải cứu một cậu bé đi lạc trong rừng 4 ngày. Để tồn tại, đứa bé đã ăn một số quả rừng và uống nước.

Từ câu chuyện trên, ông có thể khái quát một vài kỹ năng sinh tồn cần ghi nhớ nếu một người không may bị mắc kẹt trong rừng?

- Có một điều cần ghi nhớ khi đi vào rừng đó là không bao giờ đi một mình. Nếu bạn đi đến một nơi nào đó hoang dã thì cần nói cho ai đó biết trước là bạn đi tới đâu và trong bao lâu bạn sẽ quay lại. Khi đi, bạn nên mang theo thiết bị liên lạc và túi sơ cứu, tải trước các ứng dụng hướng dẫn cách sơ cứu lên điện thoại như ứng dụng Sơ Cấp cứu để sẵn sàng sử dụng khi tình huống khẩn cấp xảy ra.

Khi không may bị lạc, quan trọng nhất bạn phải tìm một chỗ ẩn náu để giữ thân nhiệt và tìm nước uống. Ngoài ra, cần giữ bình tĩnh, tránh hoảng hốt và ở gần những tuyến đường phổ biến. Bởi khi hoảng hốt, bạn sẽ đi mất phương hướng, bản thân đi lạc hơn lúc đầu khiến những người cứu hộ khó tìm bạn hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Người đàn ông Australia ăn kiến để cầm cự chờ người đến cứu

Tháng 12/2020, ông Blampied sống ở Australia rời nhà để tới một địa điểm cách đó hơn 1500km. Tuy nhiên, trên đường đi, người đàn ông này gặp trục trặc. Chiếc xe bị mắc kẹt trong cồn cát, ông cố gắng lắm mới thoát ra khỏi vị trí đó. Tưởng mọi khó khăn chỉ có vậy, Blampied tiếp tục hành trình đến thị trấn Wiluna.

Tuy nhiên, sau đó không may xe hết xăng, ông mắc kẹt giữa nơi hẻo lánh. Ông đeo trên mình những lon nước và túi màu vàng có thể phản chiếu giúp ai đó có thể nhìn thấy từ trên cao hoặc từ xa.

Ngoài ra, Blampied cũng viết thông tin vào các tờ giấy với hy vọng ai đi qua đường có thể đọc được. Trong những ngày đó, không có thực phẩm như ở nhà, người đàn ông này phải ăn kiến nâu và một số lá cây. Mặc dù, trước đó, Blampied chưa bao giờ ăn chúng nhưng trong tình huống đó ông buộc phải thử vì quá mệt và đói.

Đầu tiên người đàn ông này ăn mỗi thứ một ít để xem dạ dày tiêu hóa ra sao rồi mới ăn tiếp. Khi ở nơi xa xôi đó, Blampied nghĩ về kế hoạch cho tương lai. Cho dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng Blampied không cho phép mình bỏ cuộc. May mắn Blampied đã được một chiếc trực thăng giải cứu và trở về nhà an toàn sau 3 tuần sống bằng tất cả khả năng sinh tồn của bản thân.

Theo abc.net.au


Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/chuyen-gia-quoc-te-noi-gi-ve-cu-nga-tu-do-cao-30m-cua-nguoi-mac-ket-7-ngay-20220505125102380.html

Theo Dân Trí