10 năm đổi vận, chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến hợp sức chơi trận lớn
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 10:01, 06/05/2022
CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) của bà Đặng Thị Hoàng Yến vừa công bố thông tin cho biết, Hội đồng quản trị doanh nghiệp bổ nhiệm ông Đặng Quang Hạnh (1961) giữ chức Tổng Giám đốc của công ty kể từ ngày 4/5/2022.
Ông Hạnh thay thế cho người tiền nhiệm trước đó là bà Đặng Thị Hoàng Yến (Maya Dangelas) - chị gái của mình. Bà Hoàng Yến hiện vẫn là chủ tịch Itaco (ITA), còn ông Hạnh cũng là Ủy viên HĐQT ITA và là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo.
Như vậy, cả ba chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến, ông Đặng Thành Tâm và ông Đặng Quang Hạnh đều đã trở lại với hoạt động kinh doanh bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.
Ông Đặng Thành Tâm vẫn là Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và đang dồn sức cho lĩnh vực cốt lõi bất động sản công nghiệp, mở rộng mảng hoạt động này trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung mạnh ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng.
Ông Tâm trước đó từng là Đại biểu Quốc hội và đầu tư ra nhiều ngành, trong đó có mảng ngân hàng hàng (WesternBank và Navibank). Sau đó, đại gia này đã rút khỏi phần lớn các lĩnh vực và có một thời gian kín tiếng kéo dài.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng vắng mặt trong 8 kỳ đại hội gần đây của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo. Trong cuộc họp gần đây, bà Yến tham gia thông qua họp trực tuyến.
Ông Đặng Quang Hạnh từng làm Tổng Giám đốc của Tân Tạo năm 2017, nhưng chỉ khoảng một tháng đã xin từ nhiệm. Bà Yến kiêm nhiệm vị trí này từ thời điểm đó. Ông Hạnh trở lại, tham gia HĐQT ITA tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 vừa diễn ra.
Hơn năm qua, nhóm cổ phiếu bất động sản công nghiệp tăng mạnh mẽ. Dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam sau căng thẳng Mỹ-Trung (từ 2018) cũng như sau đại dịch Covid-19 khiến triển vọng của lĩnh vực này tươi sáng. Làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh lên và khu vực bất động sản công nghiệp sôi động chưa từng có.
Gần đây, KBC của ông Đặng Thành Tâm liên tục huy động để hoàn thiện hàng loạt dự án bất động sản dở dang, trong đó phần lớn là các khu công nghiệp (KCN) như Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung và hai khu đô thị lớn là Phúc Ninh (Bắc Ninh) và Tràng Duệ (Hải Phòng)…
Sau gần một thập kỷ ẩn mình, gần đây các doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm và bà Đặng Thị Hoàng Yến hồi phục khá ấn tượng và chuẩn bị đón một kỷ nguyên mới, nhiều khả năng sẽ tươi sáng không kém so với trước đây.
Ông Đặng Thành Tâm từng là người giàu nhất trên TTCK Việt Nam, trong khi đó bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng là nữ doanh nhân nổi bật với đế chế Itaco (ITA) và những dự án có quy mô lên tới tỷ USD.
Theo CBRE, hiện Việt Nam có 325 khu công nghiệp với tổng diện tích 95.000 ha. Diện tích đất này được lấp đầy nhờ hàng loạt DN Nhật, Hàn, Đài Loan, Trung Quốc... với những gương mặt điển hình như Samsung, LG…
Nhu cầu về diện tích công nghiệp được dự báo sẽ còn tăng cao. Theo Savills, xu hướng bất động sản công nghiệp sẽ bùng nổ ở những vùng đất mới. Trong quý I/2022, giới đầu tư chứng kiến nhiều thương vụ FDI thành công tại khu vực kinh tế trọng điểm miền Nam. Trên cả nước, số vốn FDI đăng ký đạt hơn 9 tỷ USD. Singapore và Đài Loan tiếp tục là hai quốc gia/vùng lãnh thổ có tổng mức đầu tư đứng đầu thị trường.
Rủi ro biến động mạnh
Theo BSC, đồ thị VN-Index đã xuất hiện nến "Hanging man" tại vùng kháng cự cũ 1.360. Đây là thời điểm nên cẩn trọng trong những phiên giao dịch tới.
VDSC cho rằng, VN-Index vẫn có khả năng tiếp tục hành trình hồi phục về ngưỡng cản 1.368 điểm và xa hơn là vùng mục tiêu 1.390 +/- 10 điểm trong thời gian tới. Tuy nhiên, dấu hiệu kéo trụ cuối phiên 5/5 và chưa có sự lan tỏa dòng tiền ra các nhóm ngành, đồng thời trạng thái thận trọng ở cả 2 chiều mua và bán dễ khiến thị trường có biến động lớn. Điều này có thể gây rủi ro khi chọn nhầm thời điểm giao dịch.
YSVN cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và VN-Index có thể sẽ thử thách ngưỡng kháng cự 1.370 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho thấy rủi ro ngắn hạn đã có chiều hướng giảm dần và dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy nhà đầu tư đã bớt bi quan hơn và áp lực bán đã giảm dần.
Chốt phiên 5/5, chỉ số VN-Index tăng 12,00 điểm lên 1.360,68 điểm. HNX-Index giảm 2,22 điểm xuống 358,75 điểm. Upcom-Index giảm 0,2 điểm xuống 103,82 điểm. Thanh khoản đạt 17,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 15,4 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
V. Hà