Đại dự án cao tốc Bắc - Nam: Triển khai ra sao, vướng mắc thế nào?

Xã hội - Ngày đăng : 08:58, 06/05/2022

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, các hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư đang được triển khai "thần tốc" theo yêu cầu tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện tổng thể đại dự án.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành, gồm các đoạn tuyến: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Dự án được chia thành 12 dự án thành phần, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng gần 147.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công.

Liên quan đến tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện tại dự án cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Một trong những đột phá lớn nhất của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chính là thời gian thực hiện các thủ tục phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Đại dự án cao tốc Bắc - Nam: Triển khai ra sao, vướng mắc thế nào? - 1

Dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai khẩn trương (Ảnh: Đỗ Quân).

Về thỏa thuận hướng tuyến, hiện 12/12 tỉnh đã có văn bản thỏa thuận hướng tuyến và công trình; 9/10 dự án đã có ý kiến Bộ Quốc phòng.

Đối với công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, toàn bộ 12 dự án thành phần đã hoàn thành công tác khảo sát hiện trường địa hình, địa chất, thủy văn.

Tính đến nay, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT (QLXD&CLCTGT) đã hoàn thành thẩm định, trình Bộ GTVT chấp thuận hơn 619 km/729 km (đạt 85%); khoảng hơn 109 km sẽ được trình Bộ GTVT chấp thuận trước ngày 30/6/2022.

Trước đó, Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư ngày 22/11/2017 với 11 dự án thành phần, tổng chiều dài 654 km đi qua địa phận 13 tỉnh.

Theo Bộ GTVT, xác định mặt bằng là nút thắt của dự án và cần đi trước một bước, ngay sau khi dự án được phê duyệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA, tư vấn thiết kế lập hồ sơ cắm cọc GPMB và bàn giao cho các địa phương để kịp thời triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, do giai đoạn 1 được triển khai thực hiện theo thủ tục, trình tự pháp luật thông thường nên thời gian từ lúc chuẩn bị đầu tư, GPMB đến khởi công dự án kéo dài, thường mất từ 2-3 năm.

Cho đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 vẫn còn khoảng 0,1% chiều dài tuyến còn vướng mặt bằng và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, hoặc một số hạng mục công trình đã được bồi thường nhưng chưa được di dời.

Rút kinh nghiệm giai đoạn 1, để đảm bảo quỹ thời gian gấp rút thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đáp ứng khởi công năm 2022 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025, Chính phủ đã ban hành cơ chế theo thẩm quyền cho phép triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay từ trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Bộ GTVT đã rà soát, tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB cho các địa phương theo từng giai đoạn tùy theo mức độ phức tạp về kỹ thuật của từng đoạn tuyến, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6/2022.

Các địa phương khẩn trương thực hiện các công tác liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công cuối năm 2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Đến nay, các Ban QLDA đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, bàn giao cho địa phương 424,8 km/729 km. Tính từ thời điểm Quốc hội có chủ trương đầu tư, thời gian để Bộ GTVT hoàn thành bàn giao hồ sơ, cắm cọc GPMB cho địa phương chỉ khoảng 5 tháng; thời gian chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án chỉ khoảng 10 tháng, công tác GPMB sẽ được hoàn tất trong thời gian khoảng 1,5 năm.

Châu Như Quỳnh