Hơn 30 năm bám trụ với nghề xé quần jean độc, lạ giữa Sài Gòn

Tổ ấm - Ngày đăng : 17:29, 05/05/2022

Suốt 30 năm qua, vẫn với một con dao rọc giấy quen thuộc và một bàn tay khéo léo, ông Dương Tấn Viễn (57 tuổi, ngụ Tân Bình) đã tạo ra vô số chiếc quần jean tạo kiểu bằng tay. Xé quần jean, một nghề độc đáo, hiếm gặp.
20210226_155931(1).jpg
Ông Dương Tấn Viễn (57 tuổi, ngụ Tân Bình) sáng tạo ra những chiếc quần jean độc lạ nhờ cào bằng tay - Ảnh: ANH ĐÀO

Đối với mọi người đó không phải là nghề, nhưng đối với tôi đó không chỉ là nghề mà còn là nghệ thuật”, một câu nói quen thuộc của ông Dương Tấn Viễn (57 tuổi, ngụ Tân Bình) khi nói về nghề xé quần jean thủ công của mình".

Chỉ với một con dao rọc giấy, một cục phấn, một đôi tay khéo léo vậy mà hơn 30 năm qua chính tay ông đã tạo nên hàng trăm chiếc quần jean xé bằng tay, độc, lạ được nhiều tầng lớp người Sài Gòn yêu thích.

Kiên định theo đuổi đam mê

Chúng tôi gặp ông Viễn vào cuối buổi chiều trên đường Hồ Xuân Hương (quận 3), đã hơn 30 năm qua ông vẫn ngồi một vị trí để khách quen mang quần đến sửa. Ông biết đến từng thay đổi của những căn nhà, cây cối của Sài Gòn ra sao suốt 30 năm qua.

Nghe thì có vẻ thật lạ, công việc duy nhất của ông Viễn là xé và sửa lỗi những chiếc quần jean, cào chúng theo phong cách mới lạ chạy theo xu hướng thời đại. Ông còn tận dụng những chiếc quần jean cũ biến chúng thành chiếc túi đeo thời trang, mà bạn trẻ nào cũng dễ yêu thích chúng.

Từ nhỏ, ông đã có đam mê với thời trang, thích những kiểu quần độc, lạ và tự xé những chiếc quần jean của mình mặc, phá cách theo những gì mình thích.

“Ở thời đó thời trang quần jean xé được coi là cái gì đó khác biệt, lạ lẫm chưa được xã hội công nhận nhiều, ít ai dám mặc ra đường lắm. Nhưng đã là đam mê và sở thích nên tôi cứ sống theo phong cách của riêng mình”, ông Viễn cười nói.

Năm 1989, ông Viễn theo nghề thiết kế quần cho giới nghệ sĩ. Đầu những năm 2000, cùng với sự phát triển của các máy móc, những chiếc quần jean xé bằng máy thịnh hành, nhiều người lại không chuộng xé thủ công vì cho rằng nhàm chán.

Vẫn cứ theo đuổi đam mê, ông Viễn biến sở thích thành một cái nghề “Đối với mọi người đó không phải là nghề, nhưng đối với tôi đó không chỉ là nghề mà còn là nghệ thuật. Khi đã lấy tiền người khác thì đó là một nghề rồi, ít ai lựa chọn nghề này lắm”, ông Viễn cười nói.

Có những tháng trời mưa, khách lác đác chỉ vài người hay thậm chí không có khách, ông vẫn giữ lửa với nghề. Hơn 30 năm qua ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ công việc, bởi đó là sở thích, niềm đam mê thì khó thay đổi.

Khách hàng của ông thuộc nhiều tầng lớp khác nhau từ người già đến người trẻ, tầng lớp thượng lưu đến trung lưu. Ông còn ưu ái đặc biệt cho những người lao động nghèo, muốn tạo kiểu nào cũng được, thậm chí không lấy phí.

Anh Hồ Huy Vũ (36 tuổi, quận 3) cho biết “Tôi đã mặc đồ ở đây hơn 10 năm qua, những chiếc quần của chú Viễn sáng tạo nhìn mãi không chán, so với những chiếc quần được xé bằng máy móc tôi lại thích xé thủ công hơn. Bất kì kiểu gì, tạo gì chi phí xé rất rẻ, thậm chí chú không lấy tiền”.

20210226_154340.jpg
Đôi bàn tay thoăn thoắt, với dao rọc giấy ông Viễn có thể hoàn thành 1 sản phẩm từ 30 phút đền vài tiếng - Ảnh: ANH ĐÀO

“Giữ được nét đẹp của thủ công là đáng quý”

Gắn bó hơn 30 năm với quần jean, ông Viễn cho biết, quần jean hiện nay được chia làm 3 xu hướng. Ở độ tuổi thiếu niên người ta chuộng kiểu quần độc lạ, cào xé theo phong cách riêng. Độ tuổi trung niên thì ưa chuộng những lọai quần jean theo màu sắc, có phong cách cổ điển. Xu hướng thứ 3 là mặc theo thương hiệu, nâng cấp độ lên.

“Sự du nhập của những chiếc quần jean được cào, xé do máy móc sẽ có nhiều kiểu dáng hơn. Nhưng những gì làm bằng thủ công sẽ có nét đẹp riêng, mỗi cách sẽ có kiểu riêng nên không thể so sánh được. Giữ được nét đẹp của thủ công là đáng quý”, ông Viễn vừa cào, vừa nói.

Giữ chiếc quần jean trên tay, với đôi tay thoăn thoắt nhưng không kém phần nhẹ nhàng, cứ thể chiếc dao rọc giấy uyển chuyển đi nhẹ nhàng theo từng đường chỉ, từng sớ vải. Để làm được kĩ thuật này thật không dễ dàng gì, ông Viễn gọi đó là nghệ thuật.

“Ban đầu làm cũng gặp không ít khó khăn, việc rạch phải tay là thường tình, nhưng làm riết cũng quen, không dễ dàng gì để cào được một chiếc quần jean đó là cả một nghệ thuật. Chỉ cần lệch một, hai đường chỉ chiếc quần sẽ mất đi vẻ thẩm mĩ ngay”, ông Viễn nói.

Việc cào hoặc xé những chiếc quần jean này do ông tự thiết kế, với kinh nghiệm nhiều năm ông thường biết bạn trẻ yêu thích thể loại cào, sửa ra sao phù hợp với từng độ tuổi.

Có lần có khách mang đến chiếc quần jean trị giá đền gần 10 triệu đồng và đề nghị cào, ông Viễn thắc mắc tại sao không sử dụng những chiếc quần jean đã được thiết kế sẵn cào theo máy móc. Họ cho biết việc sử dụng máy móc sẽ không được như ý muốn, việc cào bằng tay thể hiện sự tinh tế hơn nhiều. Thế mới hiểu giá trị của thủ công.

Không chỉ riêng việc cào những chiếc quần jean bằng thủ công, ông Viễn cũng tranh thủ đến nhiều cửa hàng, thu mua lại những chiếc quần, áo thậm chí là mũ jean đã cũ. Ông tỉ mỉ thiết kế chúng thành những chiếc túi đeo trẻ trung, xinh xắn, bắt mắt rồi bán lại với giá hữu nghị cho nhiều bạn trẻ.

Vào thời gian rảnh rỗi, ông Viễn còn tranh thủ phụ các đoàn từ thiện“Không có tiền nhiều để đóng góp, nên tôi thường góp công sức được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, ông Viễn cười nói

Nói về nghề mình ông cho biết nếu bạn trẻ nào đam mê, ông sẵn sàng dạy nghề lại, nhưng có lẽ rất ít người thích nghề này. “Riêng tôi, vẫn yêu thích công việc này và sẽ gắn bó suốt với nó đến cuối đời. Quan trọng là vẫn giữ được sở thích và đam mê của mình như vậy cuộc sống sẽ vui vẻ và dễ thành công hơn”, ông Viễn vừa cười nói.

ANH ĐÀO