Vì sao suốt nhiều ngày không nghe được tiếng kêu cứu dưới vực sâu Yên Tử?

Xã hội - Ngày đăng : 17:09, 05/05/2022

Mặc dù người phụ nữ ngay khi bị rơi xuống vực sâu Yên Tử đã liên tục kêu cứu nhưng đến ngày thứ 7 lực lượng chức năng mới phát hiện. Bà Liên không phải người đầu tiên may mắn sống sót dưới vực Yên Tử.
Vì sao suốt nhiều ngày không nghe được tiếng kêu cứu dưới vực sâu Yên Tử? - 1

Dưới vực sâu, bà Liên liên tục kêu cứu nhưng do thời tiết xấu, tiếng kêu cứu chìm vào trong mưa gió (Ảnh: Ban quản lý Yên Tử cung cấp).

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, ở Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), nạn nhân bị rơi và kẹt dưới vực sâu Yên Tử 7 ngày, ngay từ khi gặp tai nạn bà đã tìm mọi cách kêu cứu. Thậm chí có thời điểm bà nghe có loáng thoáng tiếng người từ phía trên nên gắng kêu cứu thật lớn nhưng tiếng kêu của bà chìm vào trong tiếng mưa gió và đáp lại vẫn là sự im lặng.

Lý giải về việc này, một cán bộ Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh) cho biết, thời tiết tại khu vực chùa Đồng đặc biệt và rất khắc nghiệt. Trong một ngày nơi đây có thể thể hiện cả 4 mùa, thậm chí thường có gió lớn và có mây mù bao phủ. Còn thời tiết trong khoảng thời gian bà Liên rơi xuống và kẹt lại dưới vực sâu rất xấu.

Cụ thể, vào những ngày từ 27/4 đến 30/4, sương mù dầy đặc, có mưa, tầm nhìn hạn chế khoảng 5-7 m. Từ ngày mùng 1 đến mùng 2, tuy trời quang hơn nhưng gió to, phần lớn không có mây và rét. Do đó mặc dù lực lượng của Ban quản lý chia ca thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại khu vực hàng ngày cũng không thể nghe thấy tiếng bà Liên kêu cứu.

Cũng theo vị cán bộ này, chỉ đến ngày 3/5, thời tiết tốt hơn, trời quang, mây tạnh, gió nhỏ, lực lượng tuần tra kiểm soát mới nghe thấy tiếng kêu cứu của bà Liên và ròng dây đưa người xuống ứng cứu, tổ chức đưa nạn nhân lên trên.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm, việc bà Liên sống sót thần kỳ qua 7 ngày một phần là do may mắn nhưng chủ yếu là do bà có kỹ năng sinh tồn rất tốt, biết bảo vệ bản thân, chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Những người từng may mắn thoát chết dưới vực sâu Yên Tử

Vì sao suốt nhiều ngày không nghe được tiếng kêu cứu dưới vực sâu Yên Tử? - 2

Nạn nhân Quyền được lực lượng chức năng đưa lên khỏi vực sâu vào năm 2011 trong tình trạng thương tích nặng (Ảnh: Ban quản lý Yên Tử cung cấp).

Theo Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, trước vụ tai nạn của bà Liên, trong khoảng 10 năm trở lại đây đã xảy ra 4 vụ người dân bị rơi xuống vực sâu thuộc khu vực Yên Tử và đều may mắn thoát chết. Tuy nhiên những người này đều bị thương tích khá nặng và thời gian từ lúc gặp tai nạn đến khi được cứu sống rất ngắn.

Cụ thể, vào trung tuần tháng 12/2011, lực lượng chức năng đã giải cứu một nam thanh niên tên Nguyễn Tài Q. (SN 1984, ở Hà Nội) dưới vực đá sâu khoảng 70m, vách dốc dựng đứng cũng ở khu vực phía Nam chùa đồng. Nạn nhân còn sống sót nhưng bị nhiều chấn thương.

Cũng theo Ban quản lý, nạn nhân Q. sau khi được cứu sống cho biết, sáng ngày 13/12/2011, nạn nhân mang theo máy ảnh, một mình lên chùa Đồng. Khi lên đến nơi, do thấy phong cảnh đẹp nên đã tự ý trèo qua lan can an toàn ra phía ngoài để chụp ảnh; không may dây máy ảnh mắc vào chân dẫn đến trượt chân rơi xuống vực.

Sau 24 giờ dưới vực sâu trong thời tiết giá lạnh với nhiều vết thương nặng, anh Q. may mắn được lực lượng chức năng tìm thấy và cứu sống.

Trước đó, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên tử có tiếp nhận thông tin về việc anh Q. mang theo máy ảnh đi khỏi nhà trọ nhưng không thấy trở về. Nghi ngờ người này bị lạc trong rừng và gặp nguy hiểm, Ban quản lý đã huy động tới 40 người, chia làm nhiều nhóm tìm kiếm khắp khu vực.

Vì sao suốt nhiều ngày không nghe được tiếng kêu cứu dưới vực sâu Yên Tử? - 3

Nạn nhân Đ. may mắn sống sót khi mắc vào một cành cây lớn (Ảnh: Ban quản lý Yên Tử cung cấp).

Tương tự, vào đầu tháng 9/2016, các nhân viên thuộc Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cũng phát hiện tiếng kêu cứu khá yếu ớt từ dưới vực sâu cùng khu vực phía Nam chùa Đồng. Tổ chức tìm kiếm, sau hơn 1 giờ, lực lượng chức năng phát hiện một nam thanh niên đang nằm vắt ngang một chạc cây cổ thụ dưới vực sâu trong tình trạng bị thương.

Nạn nhân sau đó nhanh chóng được đưa lên phía trên và được xác định là Trần Quang Đ. (ở Bắc Ninh).

Nạn nhân kể lại, sáng ngày 3/9, anh đón xe khách đến Yên Tử để lễ chùa. Sau khi đi cáp treo lên núi, anh tiếp tục lên chùa Đồng. Khoảng 18h cùng ngày anh di chuyển xuống phía dưới, được khoảng 50m thì thấy buồn ngủ nên nằm ngay trên vách đá bên đường ngủ thiếp đi.

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ, nạn nhân tỉnh dậy và tự ý trèo qua lan can dù đã có biển cảnh báo dẫn tới trượt chân ngã xuống vách núi có độ sâu tới 200m. Tuy nhiên, nạn nhân may mắn bị mắc vào một cành cây ở độ sâu 30m rồi ngất đi. Sau đó một lúc nạn nhân tỉnh dậy kêu cứu và được lực lượng cứu hộ nghe thấy.

Cắm biển cảnh báo, dựng lan can sắt tại các khu vực nguy hiểm

Vì sao suốt nhiều ngày không nghe được tiếng kêu cứu dưới vực sâu Yên Tử? - 4

Khu vực nguy hiểm đều có biển cảnh báo và lan can sắt (Ảnh: An Nhiên).

Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, để đảm bảo an toàn cho du khách khi về tham quan, lễ Phật tại Khu di tích Yên Tử, Ban quản lý Yên Tử đã xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị gồm: Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh (nhà chùa), Công ty CPPT Tùng Lâm, UBND Phương Đông, xã Thượng Yên Công trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn...

Theo ghi nhận, dọc tuyến đường lên chùa Đồng đều có lắp đặt lan can bằng sắt, tại các khu vực sát với vực sâu đều có biển cảnh báo nguy hiểm để giúp du khách biết và phòng tránh.

Theo một số người kinh doanh tại khu vực trên, nếu du khách tuân thủ quy định, không tự ý leo trèo ra khu vực ngoài lan can thì khó xảy ra tai nạn.

An Nhiên