Nhà thuốc câu kết "cò mồi" lập ma trận: Không để "con mồi" nào thoát

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:18, 05/05/2022

Không chỉ hoạt động đón - trả khách thông thường, nhiều "xe ôm" hoạt động xung quanh Bệnh viện Bạch Mai còn thường xuyên chèo kéo, dẫn khách ra các nhà thuốc tư nhân bên ngoài, với chiêu bài lừa lọc, để hưởng chiết khấu "hoa hồng" từ 10-20% tuỳ loại thuốc. Đối với những người bệnh, mỗi một viên thuốc là một niềm hi vọng để chữa trị và cải thiện tình trạng bệnh. Nhưng họ đang bị "móc túi" không thương tiếc, phải chịu cảnh "tiền mất tật mang".
Nhà thuốc câu kết
“Cò mồi” câu kết nhà thuốc lập “ma trận” giăng bẫy người bệnh ở BV Bạch Mai.

"Cò" thuốc lộng hành

Cầm trên tay đơn thuốc chữa bệnh tiền đình, với các loại thuốc như Flunarizin, Betahistidin, Gingkgo Biloba Leaf Extract…, trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, tôi liền được bốn người đàn ông hành nghề "xe ôm" chạy đến tiếp cận. 

Một người trong số đó, thấy đơn thuốc của tôi, liền phán rằng: "Những thuốc này trong Bệnh viện Bạch Mai không có, phải ra ngoài mua; ở địa chỉ số 193 đường Giải Phóng, có một kho thuốc của Bệnh viện Bạch Mai to lắm, thuốc nào cũng có".

Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, người đàn ông này phân trần, Nhà thuốc số 09 Bạch Mai là hệ thống bán lẻ thuốc của bệnh viện. Trước dịch COVID-19, hiệu thuốc này nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, nhưng giờ chuyển thành nơi xét nghiệm COVID-19, nhà thuốc buộc phải chuyển ra ngoài.

"Đây là hệ thống bán lẻ thuốc của bệnh viện, nên nếu ra đúng kho thuốc thì tính theo giá bán buôn. Không những rẻ mà thuốc còn đảm bảo chất lượng, không lo thuốc giả" - "cò" thuốc nhấn mạnh.

 
"Cò" thuốc tiếp cận người bệnh trong khuôn viên bệnh viện Bạch Mai.

Thấy vẻ lưỡng lự của tôi, "cò" thuốc này lập tức ngỏ ý giảm giá "cuốc xe", chạy từ cổng Bệnh viện Bạch Mai sang Nhà thuốc số 09 Bạch Mai chỉ với giá 10.000 đồng cho 2 lượt "khứ hồi". 

Sau khi đồng ý, tôi được "cò" thuốc này đưa tới đúng nhà thuốc đã được "cò" quảng cáo trước đó. Cùng với tôi, còn có những khách hàng khác cũng được "cò mồi" chở tới mua thuốc. Tôi gặng hỏi nhân viên bán thuốc rằng - đây có phải nhà thuốc của bệnh viện không, nữ nhân viên chỉ gật đầu, không nói gì.

Mua thuốc xong, tôi trở lại Bệnh viện Bạch Mai và hỏi một nữ y sĩ của bệnh viện về tình trạng xe ôm kiêm hành nghề "cò thuốc". Nữ y sĩ tên T không ngại ngần tiết lộ rằng "ở đây rất nhiều "cò thuốc". Cổng Bệnh viện Bạch Mai trên đường Phương Mai thì ít hơn, còn cổng Giải Phóng rất nhiều. Mọi người đến khám, mua thuốc phải cẩn thận, đừng tin lời họ chèo kéo, muốn mua thuốc cứ vào thẳng nhà thuốc trong bệnh viện mà mua".

 
 Các xe ôm kiêm "cò" thuốc xuất hiện ở khu vực đường Giải Phóng - Phương Mai.

Đúng như lời cảnh báo của nữ y sĩ, chỉ ngồi một lúc quan sát trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, phóng viên Báo Lao Động quan sát thấy hàng chục "cò thuốc" đưa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra mua thuốc tại Nhà thuốc số 09 Bạch Mai.

Vẫn là kiểu "mồi chài" đó; và dường như đánh trúng tâm lý "lạ nước, lạ cái" của các bệnh nhân ngoại tỉnh, "cò thuốc" nhanh chóng "câu kéo" được nhiều "khách hàng" mà không có bất cứ nghi ngờ gì.

Bất ngờ khoản "hoa hồng" chi cho cò thuốc

Để tiếp cận cơ sở này, phóng viên đã liên hệ với bà Đặng Thị Thơ - chủ hiệu thuốc số 09 Bạch Mai - được ghi danh trên biển hiệu là dược sĩ. Người này, ngay lập tức, đã công khai mức giá, hoa hồng và khẳng định, hơn 30 năm hoạt động, không để các "cò mồi" nào chịu thiệt.

"Em dẫn khách ra nhà thuốc 09 Bạch Mai của chị số 193 đường Giải Phóng. Nhân viên của chị chưa biết mặt em thì em phải đọc pass (mật khẩu-PV) cho nhân viên biết, mới làm lần đầu nên nhân viên không biết đâu, làm 2-3 lần là nhân viên sẽ nhớ mặt", bà Đặng Thị Thơ nói.

 
 Bà Đặng Thị Thơ - chủ nhà thuốc số 9 Bạch Mai (số 193 đường Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội).

Theo bà Thơ, "pass" là "cò" thuốc phải nháy mắt để cho nhân viên biết. "Em có bệnh nhân luôn bây giờ không, phóng xe ra hiệu thuốc của chị, xong giới thiệu với nhân viên là "xe ôm", có bệnh nhân thì sẽ đưa khách sang đây, để cho nhân viên nhớ mặt em, lần sau cứ đưa ra thôi", bà Thơ nói.

Khi được hỏi "hoa hồng" chia như thế nào, chủ hiệu thuốc này khẳng định: "Nhà chị 30 năm đứng bán hàng, ai cũng như thế. Thuốc tiêm, thuốc truyền, bệnh mãn tính sẽ được 10%, còn thuốc mới là 20%. Tất cả "xe ôm" của 4 cổng Bệnh viện Bạch Mai đều đưa "khách" ra nhà chị, làm việc phải nghiêm túc, không để ai phải thiệt đâu mà phải hỏi".

Nhiều ngày trong vai là "cò" thuốc, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng, trước mức chiết khấu "hoa hồng" hào phóng, mà hiệu thuốc số 9 Bạch Mai trả cho đối tượng môi giới.

 
Nhà thuốc số 9 Bạch Mai trả mức hoa hồng dao động từ 10% đến hơn 20% cho các "cò mồi".

Sau vài lần chở khách (là phóng viên nhập vai) tới mua thuốc tại hiệu thuốc số 9 - 193 Giải Phóng, "hoa hồng" mà nhóm phóng viên nhận được lên tới 400.000 đồng. 

Cụ thể, đơn thuốc 2 triệu đồng, "cò mồi" nhận về 200.000 đồng; đơn thuốc 900.000 đồng, nhận về 100.000 đồng; đơn 400.000 đồng, nhận ngay 50.000 đồng; cá biệt, có những loại thuốc, "cò mồi" nhận về hơn 20% giá trị thanh toán như một đơn thuốc chữa bệnh dị ứng.

Với mức ăn chia lợi nhuận hấp dẫn, hàng ngày, hàng giờ, các "cò mồi" vẫn đang bủa vây ở khuôn viên nhiều bệnh viện ở khu vực Giải Phóng - Phương Mai, để câu kéo, mồi chài người bệnh. Cách thức kiếm tiền bát nháo này là vấn đề nan giải và cần được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý.

Đối với những người bệnh, mỗi một viên thuốc là một niềm hi vọng để chữa trị và cải thiện tình trạng bệnh. Chính vì vậy, việc phải mua thuốc với giá cao "ngất ngưởng" đã khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Nhóm phóng viên