Năm triệu lượt khách đổ đi ăn chơi: Thanh Hóa bất ngờ chiếm ngôi số 1
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:32, 05/05/2022
Thanh Hóa là “quán quân” về lượng khách
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4-3/5), ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa, trong đó có khoảng 2 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 22 nghìn tỷ đồng.
Những con số nay chứng tỏ du lịch nội địa đang hồi phục mạnh mẽ, bất chấp một số hạn chế. Điển hình như ngay trong dịp nghỉ lễ thời tiết xấu, mưa dông trên diện rộng, biển động đã hạn chế các hoạt động vui chơi của du khách. Đặc biệt, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng giảm hẳn khi công suất phòng chỉ đạt gần 50% (so với dự kiến trước lễ là 90%).
Hơn nữa, nhân lực du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng, khiến chất dịch vụ bị ảnh hưởng.
Tình trạng ùn, tắc cục bộ trên các tuyến đường tới khu, điểm du lịch vẫn chưa được cải thiện, nhất là khi xu hướng đi tự túc bằng xe cá nhân, đi gần của khách tăng cao nên số lượng xe lưu thông tăng đột biến. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ đồng hồ gây khó khăn cho việc đi lại của du khách.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, với sự nỗ lực của các địa phương trong việc thu hút khách, như đồng loạt tổ chức các lễ hội, sự kiện nghệ thuật, một số tỉnh thành đã đạt và vượt chỉ tiêu phục vụ khách du lịch so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, đáng ghi nhận là Thanh Hoá. Địa phương này giữ vị trí quán quân cả nước với gần 900.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 577.400 lượt, tăng 85,6%. Tổng thu du lịch khoảng 1.960 tỷ đồng, tăng 123% so với năm 2021.
Tiếp đến là TP.HCM với 620.000 lượt khách. Công suất phòng đạt 65-70%, tổng thu từ khách đạt 1.610 tỷ đồng.
Thứ ba là Hà Nội với hơn 550.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước trên 1.500 tỷ đồng. Riêng “Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội” đã thu hút trên 65.000 lượt khách, hay tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” đón trung bình mỗi tối trên 150 khách/tour. Công suất sử dụng phòng bình quân đạt hơn 42,2%. Đặc biệt, lượng khách du lịch đến các khu, điểm tham quan du lịch trong 4 ngày lễ tăng trưởng mạnh, ước đạt 250% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, các địa phương khác cũng thu hút được đông đảo khách nội địa đến tham quan, vui chơi. Quảng Ninh phục vụ 340.000 lượt khách. Kiên Giang đón gần 296.800 lượt khách, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2021; tổng thu từ du lịch đạt trên 248 tỷ đồng, tăng 31,4% so với cùng kỳ.
Hay Khánh Hoà cũng đón 275.500 lượt khách, tăng 219%; tổng thu từ khách du lịch đạt 529 tỷ đồng, tăng 217% so với cùng kỳ 2021. Khách tập trung ở các resort ở khu vực Bãi Dài và khép kín tại các đảo, với công suất phòng trên 80%.
Với khách quốc tế, Tổng cục Du lịch cho hay, lượng khách cũng tăng mạnh, nhất là sau khi Việt Nam nới lỏng các điều kiện về thị thực và y tế. Dịp này, Đà Nẵng đón 18 chuyến bay quốc tế từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, phục vụ 7.400 lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hải Phòng đón 4.500 lượt khách quốc tế, du khách tập trung tại hai khu du lịch Đồ Sơn và Cát Bà. Đây là tín hiệu tốt cho mùa du lịch inbound của Việt Nam năm nay (từ tháng 9 trở đi).
Đối với tour đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) cũng bắt đầu sôi động. Thị trường được khách lựa chọn nhiều là Dubai, UAE (tháng 3-4 là khoảng 5.000 khách). Các thị trường khác bắt đầu mở lại từ giữa và cuối tháng 4/2022 nên chưa nhiều khách, như Thái Lan, Singapore, EU... chủ yếu vẫn là khách đi công tác kết hợp du lịch.
Vượt qua e dè, lo ngại
Qua kết quả trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, điều đó chứng tỏ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và nhu cầu đi du lịch rất cao của người dân sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, khẳng định khách du lịch bước đầu đã vượt qua sự e dè, lo ngại về dịch bệnh để tham gia các hoạt động du lịch trong nước.
Đó là bởi các cơ sở lưu trú và các khu, điểm du lịch trên địa bàn cả nước đã thực hiện tốt yêu cầu về phòng chống dịch và về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực phục vụ du khách. Việc công khai niêm yết giá bán, bán đúng giá được triển khai khá tốt.
Nhờ đó, một số khu, điểm du lịch thu hút lượng lớn du khách tham quan như: Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) đón 40.000-50.000 lượt khách; biển Sầm Sơn (Thanh Hoá) đón hơn 700.000 lượt; Khu du lịch Sunworld - Bà Nà Hill (Đà Nẵng) đón hơn 30.000 lượt người,…
Ngoaài ra, các công ty lữ hành lớn cũng phục vụ đông đảo khách đi du lịch dịp lễ này, như Saigontourist với 30.000-50.000 lượt khách; Vietravel, Vietnam Travelmart phục vụ gần 50 đoàn khách nội địa, tương đương 4.000 lượt; Fiditour-Vietluxtour có lượng khách đặt và sử dụng tour tăng 30-40% so cùng kỳ năm ngoái.
Tại một số DN kinh doanh dịch vụ lưu trú, công suất đặt phòng luôn ở mức cao, từ 80-90% đối với phân khúc cao cấp (4-5 sao) và 75-78% đối với phân khúc thấp hơn (3 sao). Đặc biệt, các khách sạn cao cấp thuộc chuỗi FLC tại Hạ Long, Hải Phòng, Thanh Hoá,… đều có công suất trên 90%; Legacy MGalery Hotel Yên Tử (Quảng Ninh) phục vụ 5.000-6.000 lượt khách, công suất sử dụng đạt 100%.
Tuy ghi nhận số lượng nhỏ khách huỷ phòng do thời tiết xấu tại Phú Quốc, Quảng Bình, Nha Trang, Đà Nẵng nhưng không đáng kể, chỉ chiếm từ 1,5-3%.
Đối với các hãng hàng không, tất cả đều đồng loạt tăng chuyến, tăng iờ bay trên tất cả các chặng. Các hãng khai thác gần 1.000 chuyến bay/ngày, tương đương cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 30% so với ngày thường.
Trong đó, Vietjet Air chiếm gần 39% số chuyến, Vietnam Airlines chiếm hơn 37%, Bamboo Airways chiếm gần 14%, phần còn lại là của Pacific Airlines, VASCO và Vietravel Airlines. Tỷ lệ đặt chỗ bình quân các chuyến bay nội địa đã đạt trên 70%, các chuyến bay kết nối Hà Nội và TP.HCM đi các điểm du lịch lấp đầy trên 80%.
Đường sắt cũng chạy tăng cường thêm 25 đoàn tàu, tập trung các chặng từ Hà Nội và TP.HCM đi các tỉnh như Hải Phòng, Bình Định, Thừa Thiên - Huế. Mô hình tàu thuê nguyên chuyến (tàu charter) đã phát huy hiệu quả, bước đầu thu hút khách tại miền Trung.
Ngọc Hà