Hai kịch bản COVID-19: Chưa thể công bố hết dịch cũng cần cách tiếp cận mới
Tin Y tế - Ngày đăng : 08:30, 05/05/2022
Dự phòng cá nhân vẫn quan trọng
Bộ Y tế vừa có văn bản xin ý kiến góp ý dự thảo phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022-2023. Trong đó, bộ xây dựng 2 tình huống dịch COVID-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Thứ nhất: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần dẫn đến các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước.
Thứ hai: Xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên.
Ở thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn quốc, tuy nhiên các chuyên gia y tế cho rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp để công bố hết dịch. Do vậy, kịch bản thứ nhất được các chuyên gia đánh giá là nhiều khả năng xảy ra hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, nhìn nhận hiện biến chủng Omicron chiếm ưu thế. Phần lớn người dân nhiễm không triệu chứng, có thể tự cách ly, điều trị tại nhà. Cuộc sống đang và sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường khi chính quyền mở toàn bộ dịch vụ của đời sống.
Ông Hùng cho biết, COVID-19 có thể xuất hiện biến chủng mới, các biện pháp chống dịch cần được điều chỉnh phù hợp. Cần theo tiêu chí đảm bảo phòng chống dịch khi cần thiết và không gây ảnh hưởng tới kinh tế, xã hội, người dân.
Dù vậy, ngoài việc thay đổi các biện pháp chống dịch, ngành y tế cần sớm khắc phục các thiếu sót về cơ sở vật chất và cả chuyên môn, con người, nhất là từ tuyến y tế cơ sở. Thiếu sót này đã bộc lộ rất rõ từ trong đại dịch.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, đã đến lúc cần có cách tiếp cận mới với COVID-19. Do vậy, việc đưa 2 kịch bản ứng phó dịch COVID-19 nêu trên là phù hợp với bối cảnh dịch hiện nay.
Tuy nhiên, ông Phu nêu rõ với bất cứ kịch bản dự phòng chống dịch nào thì cả hệ thống cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện ứng phó về y tế, nhân lực khi dịch có những thay đổi bất ngờ. Đồng thời, tiếp tục chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch hiệu quả.
Theo ông Phu, Việt Nam cần theo dõi diễn biến dịch trên thế giới, theo sát khuyến cáo của WHO để có đánh giá chính xác và phản ứng kịp thời. Virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19 khác với nhiều virus gây dịch bệnh khác. Đặc biệt, miễn dịch ở người đã mắc COVID-19 sẽ giảm sau vài tháng, đồng thời vẫn có nguy cơ tái nhiễm.
"Số nhiễm giảm nhưng chưa đáp ứng điều kiện để công bố hết dịch" - ông Phu nói và cho biết trong dự phòng cá nhân, việc thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế tiếp xúc với người nhiễm vẫn là việc quan trọng để phòng bệnh và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm không chỉ COVID-19 mà còn các bệnh truyền nhiễm khác.
Ngoài ra, khi dịch COVID-19 được chuyển sang loại bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn cần chú ý tới các nhóm yếu thế. Tức là phải bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương khi họ mắc COVID-19.
Chưa thể công bố hết COVID-19, miễn dịch sẽ giảm theo thời gian
PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, trường Đại học Y dược TPHCM - cho biết miễn dịch từ vaccine và mắc COVID-19 không bền vững, sẽ giảm dần theo thời gian. Cộng đồng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm do dịch bệnh sẽ không biến mất. Số mắc có thể tăng cao hơn trong thời gian tới, vì vậy chưa thể công bố đã hết dịch.
Theo ông Dũng, cần xem xét những ích lợi nào sẽ đạt được khi tuyên bố hết dịch. Tuy nhiên trước mắt, công bố hết dịch COVID-19 hiện nay không mang lại lợi ích.
Ở góc độ chủ quan, tuyên bố chấm dứt đại dịch có thể khiến người dân lơ là phòng ngừa bệnh. Tỷ lệ lây nhiễm cao và tử vong thấp cũng gây tổn thất về kinh tế, tăng chi phí do COVID-19 kéo dài.
Điều này cản trở sự phục hồi hoàn toàn các hoạt động xã hội, chất lượng sống và sức khỏe toàn diện của toàn thể người dân. Do vậy, cần đợi đến khi Việt Nam hoàn thành tiêm chủng trẻ em để quyết định bước đi tiếp theo.