Ngoại giao kinh tế: IMF nhìn về một tương lai 'bấp bênh'
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:42, 04/05/2022
Khu vui chơi đối diện một tòa nhà bị trúng bom tại thị trấn Borodianka, Ukraine. (Nguồn: Getty Images) |
Trong bối cảnh diễn ra cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng Tư vừa qua, ông trùm kinh tế Mỹ Robert Zoellick, cánh tay đắc lực một thời của Đảng Cộng hòa cho biết, Mỹ vẫn sẽ phải đối phó với sự thay đổi cân bằng quyền lực kinh tế thế giới, bất chấp lãnh đạo thành công chiến dịch trừng phạt Nga.
Ông Zoellick viết trên tạp chí Foreign Affairs: “Tuy Mỹ dẫn đầu việc thành lập các tổ chức quốc tế lớn, song nước này hiếm khi dành nỗ lực đổi mới các tổ chức trên, bất chấp tầm quan trọng của chúng trong việc thúc đẩy sự hưng thịnh của đất nước hàng thập kỷ qua”.
Trước sự do dự lập trường của Trung Quốc trong xung đột Nga-Ukraine, ông lập luận: “Mỹ vẫn chưa tìm ra được đường lối ngoại giao nhằm giúp nước này và Trung Quốc hợp tác trong hòa bình. Do vậy, sự trỗi dậy quyền lực của Trung Quốc hiện trở thành nỗi lo bên ngoài lớn nhất của Mỹ”.
Những gì Zoellick viết trên Foreign Affairs cũng phần nào giải mã cảnh báo của IMF trong Báo cáo Triển vọng knh tế thế giới (WEO) hàng năm, về sự đe dọa của căng thẳng địa chính trị tới khuôn khổ luật lệ từng điều chỉnh các quan hệ kinh tế quốc tế kể từ Thế chiến II.
Khủng hoảng tiền tệ “rình rập”
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden bày tỏ lập trường kiên quyết trước ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt có thể làm suy yếu hệ thống tài chính toàn cầu của Mỹ, dấy lên khả năng tổn hại lâu dài đến quyền lực của nước này.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE), Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho biết, các động thái đối phó với cuộc chiến Nga-Ukraine của Mỹ chủ yếu hướng đến các tác động đa phương, thay vì chỉ tập trung nâng cao vị thế nền kinh tế Mỹ.
Ông cũng bác bỏ ý kiến cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khuyến khích các đối thủ của Mỹ xây dựng một hệ thống tài chính riêng biệt, khẳng định tầm quan trọng của đồng USD ngay cả với các nước đang cố gắng “tẩy chay” loại tiền tệ này.
Trái lại, chuyên gia kinh tế người Mỹ Barry Eichengreen và nhiều nhà kinh tế học khác cho rằng, việc giá trị đồng tiền Mỹ suy giảm là không thể tránh khỏi. Khi ấy, những lựa chọn thay thế tiềm năng sẽ là đồng tiền “thân thiện” như AUD, hay “đối thủ cạnh tranh” của USD như Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Theo chiến lược gia Zoltan Pozsar của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse, trong bối cảnh các nước đang cố gắng thoát khỏi ràng buộc tài chính với Mỹ, hàng hóa có thể phần nào thay thế cho các loại tiền tệ thuộc hệ thống toàn cầu Bretton Woods 3.
Trước đó, các nước từ Ấn Độ đến Indonesia đã khuyến khích mua dầu từ Nga mà không sử dụng tiền tệ Mỹ, nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt Ukraine của nước này.
Giá xăng "nhảy múa" tại các trạm xăng dầu. (Nguồn: IMF) |
Báo cáo WEO của IMF cho thấy, sự phân tán các khối sản xuất có thể làm phát sinh các hệ thống thanh toán quốc tế và sự phân khúc đồng tiền dự trữ toàn cầu. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng mức lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát và phần lớn các nước đang phát triển vẫn phải vật lộn với các khoản nợ từ đại dịch.
Có thể nói, chiến sự ở Ukraine đã làm gia tăng căng thẳng nghiêm trọng trong nền kinh tế thế giới và dấy lên nguy cơ khủng hoảng tiền tệ. Tuy nhiên, theo IMF, bất chấp những rủi ro trên, việc duy trì các thể chế toàn cầu hóa cũ là cần thiết để giúp các nước nghèo bằng các biện pháp như viện trợ lương thực và chấp nhận kiểm soát vốn.
Căng thẳng tiền tệ dường như diễn biến phức tạp hơn tại các nước ủng hộ trừng phạt Ukraine, điển hình là Nhật Bản. Tỷ giá Yen giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, do giá năng lượng cao từ chiến tranh và lãi suất tăng tại Mỹ, đồng minh thân cận của nước này.
Vì vậy, trong khi Mỹ và một số nước khác tập trung phản đối Nga tham gia cuộc họp bộ trưởng tài chính nhóm G20 ngày 20/4, các quan chức Nhật Bản lại chú trọng quan tâm đến tiến trình cuộc họp, với mong muốn đưa các vấn đề về mất cân bằng và can thiệp tiền tệ lên bàn thảo luận.
Thiệt hại tăng trưởng kinh tế
Theo các dự báo tăng trưởng của IMF, các thị trường mới nổi và các nước có thu nhập trung bình đã bị sụt giảm 1,3 điểm phần trăm tích lũy so với mức dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế 2 năm tới từ tháng Giêng của IMF. Các thành viên G20 là Ấn Độ và Mexico đều mất một điểm phần trăm.
Mặt khác, Mỹ chỉ mất 0,6 điểm phần trăm tăng trưởng dự kiến kể từ lần cập nhật tháng 1 của IMF. Trái lại, các thị trường mới nổi, đồng thời là các thành viên G20 Brazil và Nam Phi lại không ghi nhận mức tụt hạng tăng trưởng đáng kể nào.
Với viễn cảnh tồi tệ nhất của IMF là các biện pháp trừng phạt và chiến tranh leo thang, Liên minh châu Âu (EU) sẽ là khu vực hứng chịu nhiều thiệt hại kinh tế nhất, với mức giảm 3 điểm phần trăm tăng trưởng dự kiến vào năm 2023.
G20 nhưng không còn “20”?
Đánh giá trên quy mô rộng về nền kinh tế toàn cầu kể từ khi Nga gây hấn với Ukraine, nhiều khả năng IMF sẽ phải “dọn dẹp” vô số thiệt hại kinh tế nếu các nước tiếp tục xuất hiện rạn nứt quan hệ.
Theo đó, báo cáo WEO của IMF đã tiết lộ các mức giảm đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và tăng trưởng yếu trong đầu tư năng lượng tái tạo, nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Như vậy, cần nỗ lực hợp tác giữa các nước sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, kết hợp tăng cường nguồn vốn năng lượng tái tạo, nhằm giảm thiểu rủi ro gia tăng và biến động giá năng lượng.
IMF đã nỗ lực đẩy mạnh giá trị chuỗi cung ứng toàn cầu trong thương mại, bất chấp việc Mỹ tiếp tục tách rời công nghệ khỏi Trung Quốc và lời hứa hẹn của nước này về việc sẽ từng bước loại bỏ cỗ máy chiến tranh của Nga bằng cách phá vỡ tổ hợp công nghiệp quân sự và chuỗi cung ứng.
Ngược lại, các nhà kinh tế IMF lập luận: “Điều quan trọng trước mắt là phải tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, nhằm đối phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe như đại dịch và các xung đột khác như cuộc chiến ở Ukraine”.
Bên cạnh đó, các nền kinh tế cũng có thể sẽ phải hứng chịu sự gián đoạn nguồn cung do các chính sách lưu chuyển sản xuất về nước nhà.
Lãnh đạo các nước G20 tại Fontana di Trevi, Italy tháng 10/2021. (Nguồn: IMF) |
Các thành viên IMF đã nhất trí trước cuộc họp rằng, hợp tác và đối thoại đa phương vẫn là yếu tố cần thiết nhằm xoa dịu căng thẳng địa chính trị và tránh rạn nứt giữa các nước, cũng như để chấm dứt đại dịch và ứng phó với vô số thách thức khác như biến đổi khí hậu.
Ngày 20/4, một nửa số quốc gia thuộc nhóm G20 (không tính Nga và EU) đã bỏ phiếu không đồng tình trước động thái gây hấn của Nga đối với Ukraine. Trong đó, các bộ trưởng Mỹ, Canada, Anh và Australia đã từ chối nghe Nga phát biểu tại cuộc họp.
Theo bà Sri Mulyani Indrawati, Bộ trưởng Tài chính Indonesia, nước chủ tịch G20 năm nay, “các nước cần tập trung hợp tác và mạnh mẽ hơn để cùng nhau phục hồi. Trong đó, G20 vẫn là diễn đàn hàng đầu để tất cả chúng ta có thể thảo luận và trao đổi về mọi vấn đề”.