Triathlon – bỏ tiền túi săn ‘vàng’ SEA Games 31
Các môn thể thao khác - Ngày đăng : 12:09, 04/05/2022
Triathlon gồm 3 nội dung: bơi, đạp xe, chạy. là môn thi đấu rất hấp dẫn, nhưng cũng không kém phần khốc liệt. Ở Việt Nam, dù du nhập chưa lâu nhưng phong trào triathlon phát triển rất mạnh nhiều năm qua và có nhiều giải đấu phong trào uy tín, kéo theo lượng người tập luyện cũng tăng cao.
Theo chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy, triathlon vô cùng khốc liệt, đòi hỏi cao về vận động: “Ba môn phối hợp là nội dung thi đấu khắc nghiệt vì vận động viên phải thực hiện tốt nhất kết quả trong đạp xe, chạy bộ và bơi. Chính vì khối lượng vận động là khác nhau nên vận động viên phải có sự điều chỉnh hợp lý nhất khi thi đấu mới hoàn thành được bài thi”.
Dù là môn nằm trong hệ thống thi đấu của Olympic và ASIAD nhưng tại SEA Games 30 ở Philippines, triathlon lần đầu tiên được đưa vào thi đấu chính thức. Việt Nam cũng tham gia và bất ngờ giành được chiếc HCĐ của Nguyễn Thị Phương Trinh.
Vì vẫn mang tính phong trào và chưa có giải đấu quy mô lẫn đào tạo bài bản, đa phần các VĐV triathlon chưa được hỗ trợ, phải tự bỏ tiền ra để tham dự. Tại SEA Games 31, triathlon tiếp tục được đưa vào thi đấu và Việt Nam đang kỳ vọng sẽ giành được thành tích tốt hơn chiếc HCĐ 3 năm trước.
Vì chủ yếu là các VĐV ở các môn thể thao khác chuyển sang: điền kinh, bơi lội, xe đạp v.v. Đơn cử như Phạm Tiến Sản sở trường là chạy dài và 3.000m chướng ngại vật thậm chí tuyển thủ người Bắc Giang này từng ba lần liên tiếp giành HCB 3.000m chướng ngại vật SEA Games năm 2013, 2015, 2017.
Hay tuyển thủ Lâm Quang Nhật từng là kiện tướng bơi của đội tuyển quốc gia và đã giành Huy chương Vàng SEA Games năm 2013, 2015 và Huy chương Bạc SEA Games năm 2017. Trong khi đó, Hà Văn Nhật là cựu vận động viên nội dung marathon của điền kinh Thanh Hóa nhưng bây giờ quyết theo đuổi ba môn phối hợp.
Tại SEA Games 31, ba môn phối hợp sẽ thi đấu 4 nội dung tại khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh) trong hai ngày 14 và 15/5. Đội tuyển Việt Nam tranh tài với 22 thành viên, trong đó có 11 tuyển thủ gồm: Lê Quang Nhật, Trịnh Vũ Anh Huy, Quách Hoàng Việt, Nguyễn Anh Trí, Phạm Tiến Sản, Hà Văn Nhật, Nguyễn Thị Trà My, Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thị Phương Trinh, Trần Thị Ngọc Trang.
Trong số này, ngoài Phương Trinh được kỳ vọng sẽ “nâng cấp” chiếc HCĐ ở kỳ SEA Games trước, niềm hy vọng được đặt vào Lâm Quang Nhật (cựu tuyển thủ bơi từng giành 2 HCV, 1 HCB SEA Games nội dung bơi 1.500m), Phạm Tiến Sản, Hà Minh Nhật… Đặc biệt, Quang Nhật được kỳ vọng sẽ giành HCV đầu tiên cho Việt Nam ở môn này, vì ngoài khả năng bơi, anh cũng rất mạnh ở môn xe đạp.
Đáng chú ý, đội triathlon Việt Nam vẫn có sự đồng hành của hai HLV đã từng tham gia tại SEA Games 30 là Phạm Thúy Vi và Cao Ngọc Hà. Cả hai đều là HLV có nhiều kinh nghiệm và từng là VĐV bơi và huấn luyện tại tại Singapore. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ của chuyên gia Loo Chuan Rong người Singapore.
Ngày 20/4 vừa qua, đội tuyển triathlon Việt Nam đã di chuyển ra Tuần Châu để làm quen với điều kiện thi đấu. Thêm vào đó, trong 2 năm vừa qua do dịch bệnh nên các tuyển thủ triathlon gặp nhiều khó khăn trong việc tập luyện và thi đấu, thậm chí phải đến sau tết Nguyên Đán 2022, đội tuyển mới được tập trung dưới sự hướng dẫn online của chuyên gia người Loo Chuan Rong.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi phải dự giải bằng kinh phí “xã hội hóa” nhưng triathlon Việt Nam kỳ vọng sẽ “đổi màu” huy chương tại SEA Games 31. Theo HLV Thúy Vi, ở Đông Nam Á, Philippines có trình độ vượt trội, trong lúc các nước Thái Lan, Indonesia và cả Việt Nam khá tương đồng và có thể cạnh tranh thành tích sòng phẳng cùng nhau. Đặc biệt, thành phần đội tuyển triathlon Việt Nam tham dự đại hội năm nay đều là những VĐV trẻ với thành tích chuyên môn rất ổn, nên hoàn toàn có thể hoàn thành chỉ tiêu.