Tầm nhìn EU của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Đối ngoại - Ngày đăng : 10:00, 04/05/2022

Sau gần 5 năm, có thể thấy các định hướng lớn mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kiên định theo đuổi đã dần được cụ thể hóa thành những chuyển biến lớn trong Liên minh châu Âu (EU).
Tầm nhìn EU của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: EPA)
Tầm nhìn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về EU chủ yếu xoay quanh ý niệm về “châu Âu chủ quyền”, nhằm khẳng định sức mạnh chính trị, kinh tế cả ở bên trong lẫn trên trường quốc tế. (Nguồn: EPA)

Năm 2017, sau khi thắng cử trở thành Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Đệ ngũ cộng hòa Pháp, ông Emmanuel Macron đã đề xuất tầm nhìn EU qua ba bài diễn văn tại Athena (7/9/2017), Sorbonne (26/9/2017) và Strasbourg (17/4/2018).

Ba trục ưu tiên

Tầm nhìn EU của Tổng thống Macron xoay quanh ba trục chính.

Thứ nhất, tầm nhìn này được xây dựng xung quanh ý niệm về một “châu Âu chủ quyền”. Ông Macron cho rằng, châu Âu (EU) “quá yếu, quá chậm, quá thiếu hiệu quả”.

Nhưng chỉ EU mới mang lại cho nước Pháp năng lực hành động trên thế giới và đối mặt với các thách thức to lớn của thời đại. Chỉ châu Âu mới có thể đảm bảo chủ quyền thực sự của Pháp tồn tại trong thế giới ngày nay để bảo vệ các giá trị và lợi ích của nước này.

Thứ hai, Paris ưu tiên đẩy mạnh nhất thể hóa kinh tế EU. Để đảm bảo một “châu Âu chủ quyền”, theo ông Macron, EU cần mạnh về kinh tế và trước tiên là một đồng Euro mạnh. Vì vậy, ông đề xuất xây dựng một ngân sách và một nghị viện khu vực đồng Euro.

Thứ ba, khi ông Macron lên nắm quyền ở nhiệm kỳ đầu tiên, EU đang đứng trước những thách thức địa chính trị lớn, tác động đến sự đoàn kết cũng như niềm tin vào năng lực của liên minh như khủng hoảng người nhập cư, Brexit, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga... Tổng thống Macron đã đề xuất cần phải tái thiết châu Âu và xây dựng khả năng tự bảo vệ mình.

Tầm nhìn của Tổng thống Pháp về EU chủ yếu xoay quanh ý niệm về “châu Âu chủ quyền”, nhằm khẳng định sức mạnh chính trị, kinh tế cả ở bên trong lẫn trên trường quốc tế.

Theo ông Macron, nhà nước chỉ có hiệu quả hơn nếu biết kết hợp song hành giữa chủ quyền quốc gia với chủ quyền của EU.

"Chủ quyền thực sự của Pháp ở đâu? Đôi khi nó ở trong nước Pháp nhưng nó cũng nằm chính trong EU”, Tổng thống Macron từng nhấn mạnh.

Sau 5 năm, tầm nhìn này của Tổng thống Macron cũng được cụ thể hóa thành ba trục ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu của Pháp (1-6/2022) với khẩu hiệu “phục hồi, sức mạnh và quy thuộc” và cũng là nền tảng của chương trình tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2.

Sự tiếp nối mang tính truyền thống

Nhìn lại gần 5 năm nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron, có thể nhận thấy, trong chính sách đối ngoại nói chung, chính sách đối với châu Âu nói riêng, có sự tiếp nối mang tính truyền thống. Truyền thống này thể hiện rõ trong việc duy trì mối quan hệ đặc biệt xuyên Đại Tây Dương.

Giành chiến thắng phần lớn nhờ vào các lá phiếu chống lại chủ nghĩa dân tuý, cực hữu nhưng ông Macron đã trải thảm đỏ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump, khách mời đặc biệt trong lễ diễu binh đầu tiên trong tư cách Tổng thống Pháp vào ngày 14/7/2017.

Ở hướng Đông, Tổng thống Macron cũng trải thảm đỏ đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Cung điện Versailles (năm 2017) và tại chính pháo đài nghỉ Hè của các tổng thống Pháp tại Brégançon (2019).

Tuy vậy, các nỗ lực mang tính truyền thống này của ông Macron không mang lại hiệu quả. Bằng chứng là, Mỹ dưới thời Tổng thống Trump vẫn quyết định rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân với Iran; liên minh an ninh 3 bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) được thành lập giữa “các nền dân chủ hàng hải” mà không có Pháp (thậm chí còn làm cho Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này bị “khập khiễng” khi mất đi trụ cột chính là đối tác với Australia); ngoại giao “thân thiện” với Moscow trong suốt hơn 4 năm đầu không mang lại kết quả cụ thể, cố gắng trung gian trong xung đột Ukraine dường như là một thất bại.

Cụ thể hóa thành những chuyển biến lớn trong EU

Tuy vậy, ở bình diện châu Âu, với tầm nhìn nhiều tham vọng, Tổng thống Macron đạt được nhiều thành quả quan trọng. Sau gần 5 năm, có thể thấy các định hướng lớn mà ông kiên định theo đuổi đã dần được cụ thể hoá thành những chuyển biến lớn trong EU.

Thứ nhất, về “tham vọng châu Âu chủ quyền”, trụ cột chính trong tầm nhìn Macron, thành công lớn nhất, rõ ràng nhất là việc hình thành “Sáng kiến can thiệp châu Âu” (EI2) và “Định hướng chiến lược” được thông qua trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU của Pháp.

Pháp cũng là nước EU đầu tiên đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2019 và thúc đẩy EU lần đầu tiên đưa ra Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 9/2021.

Thứ hai, về cải cách khu vực đồng Euro, ngay từ đầu, các đề xuất của Pháp về ngân sách chung không nhận được sự ủng hộ của một số thành viên. Tuy vậy, Paris đã thúc đẩy việc thông qua “Công cụ ngân sách hội tụ và cạnh tranh” để ngỏ cho các nước không phải thành viên khu vực đồng Euro tham gia.

Đại dịch Covid-19, cũng mang lại một thành công khác trong chính sách của Paris về tài chính. Với sự ủng hộ của Đức, Pháp đã thúc đẩy Ủy ban EU thông qua một quỹ tái thiết châu Âu lên đến 750 tỷ Euro dựa trên nguyên tắc chia sẻ nợ.

Thứ ba, về “châu Âu bảo vệ”, Pháp đã thành công trong việc thành lập Cơ quan giám sát biên giới và bờ biển châu Âu và thúc đẩy Ủy ban EU công bố dự thảo Hiến chương nhập cư và tị nạn mới (9/2020) với tham vọng có thể thông qua văn bản này trong nhiệm kỳ chủ tịch 2022.

Paris cũng vận động tích cực các đối tác khác trong EU thúc đẩy việc ban hành quy định về việc xây dựng “cơ chế lọc” đối với đầu tư nước ngoài nhằm bảo vệ các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ tiên tiến.

Pháp là quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy một thỏa thuận chung EU nhằm đánh thuế nhóm các doanh nghiệp số (GAFA), đóng vai trò chủ chốt trong thỏa thuận về “Lao động biệt phái” và dự thảo “Đánh thuế carbon tại biên giới” của EU.

Vũ Đoàn Kết