Ảnh hiếm về quá trình xây dựng tuyến đường sắt huyền thoại Phan Rang – Đà Lạt 100 năm trước
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:10, 04/05/2022
Tuyến đường sắt vượt non ngàn nối Phan Rang - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt leo núi hiếm hoi trên thế giới chạy bằng bánh răng cưa. Công trình ghi dấu ấn ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của ngành công nghiệp đường sắt thế giới và Đông Dương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX này đã trở thành phế tích từ gần nửa thế kỷ nay.
Với mong muốn khôi phục tuyến đường sắt vốn đã đi vào dĩ vãng, cuối tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Du lịch Crystal Bay cùng các đối tác hàng đầu trong nước và quốc tế trong lĩnh vực đường sắt đã ký hợp đồng tư vấn dự án khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt.
Theo hợp đồng được ký, tháng 10/2022 hồ sơ khôi phục tuyến đường sắt Phan Rang - Đà Lạt sẽ được các tư vấn hoàn thành để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt, theo dự định sẽ được trùng tu, sửa chữa, nhằm cung cấp các dịch vụ di chuyển bằng tàu cho du khách tham quan, trải nghiệm văn hóa – lịch sử. Chuyến tàu đặc biệt này được kỳ vọng sẽ như một “sân khấu sống”, “bảo tàng sống”, đưa du khách ngược dòng thời gian, tương tác và sống lại thời kỳ văn hóa của hơn một thế kỷ trước.
Ngược dòng thời gian 100 năm về trước, qua các hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I – Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, chúng tôi thấy có hàng trăm tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu phản ánh quá trình xây dựng tuyến đường sắt huyền thoại này.
Cuối thế kỉ XIX, sau khi áp đặt chính sách cai trị thực dân, chính quyền Pháp đã cho xây dựng trên cao nguyên Langbian thành phố du lịch Đà Lạt. Tuy nhiên, do địa hình núi và bình nguyên trên núi, nên giao thông gặp nhiều khó khăn. Phương tiện đi lại của hành khách lên thành phố này chủ yếu bằng ô tô. Điều này hạn chế lớn đến số lượng du khách đến nơi đây.
Ý thức được điều này, nên ngay từ năm 1898, chính quyền Pháp đã đưa việc xây dựng đường sắt lên cao nguyên Langbian để có điều kiện khai thác hiệu quả một vùng rộng lớn. Trong kế hoạch, đoạn đường sắt răng cưa Langbian thuộc tuyến Sài Gòn - Nha Trang - Langbian.
Ngày 26/2/1921, Toàn quyền Đông Dương ký hợp đồng với Công ty thầu khoán châu Á để nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Sông Pha - Đà Lạt dài gần 40 km (thuộc tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt dài 84 km), trong đó có 2 đoạn đường sắt răng cưa. Theo Hợp đồng, công ty này chịu trách nhiệm nghiên cứu để xác định sơ đồ tuyến đường sắt Langbian, lập kế hoạch thi công và dự toán công trình và xin nhượng đất để xây dựng và khai thác tuyến đường này.
Tuyến đường này chủ yếu chạy qua những khu vực có độ cao 1500m so với mực nước biển và có nhiều đoạn đèo, dốc nên phương án xây dựng tuyến đường này là dùng các đoạn đường răng cưa cho đường đèo dốc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, cả tuyến cần xây dựng 2 đoạn đường răng cưa dài gần 14km: hơn 8km trong đoạn Krongpha - Bellevue (Sông Pha - Đèo Ngoạn Mục) và 5km trong đoạn Da Nhim - Bosquet ( Dran - Trạm Bò).
Sau khi có kết quả nghiên cứu, khảo sát, ngày 13/1/1923, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thông qua việc xây dựng đường sắt Langbian (Sông Pha - Đà Lạt).
Tuyến Langbian dài 38.7km từ ga Sông Pha (km số 0) đến ga Đà Lạt (km số 38 +700) có 7 ga: Sông Pha, Kabeu, Ngoạn Mục, le Pah, Da Nhim (Dran), Bosquet (Trạm Bò), Đà Lạt.
Đoạn đường sắt Sông Pha đến Bellevue (đèo Ngoạn Mục) dài 10,8 km trong đó có 8,2km răng cưa hoàn thành tháng 1 năm 1927. Tiếp đó, trong 4 năm các đoạn thuộc tuyến Langbian được đưa vào thi công. Năm 1931, công trình đường sắt Langbian đã thông tuyến đến ga cuối cùng, ga Đà Lạt.