Bảo tàng Dân tộc học cho thuê nhà, đất không đúng quy định
Xã hội - Ngày đăng : 07:27, 04/05/2022
Kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của giai đoạn 2015-2019 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, Bảo tàng Dân tộc học nộp không đầy đủ các loại thuế theo quy định trên 1,11 tỷ đồng; chưa xử lý dứt điểm số tiền 5.371 USD của Đề tài "Tác động của tivi đối với sự thay đổi gia đình người Thái ở Việt Nam".
Bảo tàng Dân tộc học cùng với Văn phòng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội cho các tổ chức, cá nhân thuê cơ sở, nhà, đất và liên doanh, liên kết trong thời gian dài nhưng không lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê; không thực hiện đấu giá, không thực hiện trích khấu hao tài sản; không thông báo công khai giá cho thuê, vi phạm quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Thanh tra Chính phủ phát hiện, Bảo tàng Dân tộc học thành lập Ban quản lý các dự án không đủ năng lực quản trị dự án; không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; hồ sơ mời thầu yêu cầu rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật của thiết bị được mời thầu, nêu rõ hàng hóa phải có giấy phép của hãng sản xuất không đúng quy định của Luật Đấu thầu và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đấu thầu.
Bên cạnh đó, việc quản lý dự án còn nhiều yếu kém, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải thay đổi model, xuất xứ so với hợp đồng; thành lập tổ giám sát dự án đầu tư không đúng quy định của Luật Đấu thầu.
"Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học với trách nhiệm trong việc quản lý, cho thuê nhà đất không đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Quản lý, thực hiện các dự án tăng cường năng lực còn yếu kém. Kê khai, nộp không đầy đủ các loại thuế theo quy định trên 1,11 tỷ đồng"- Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trực thuộc xây dựng ngay Quy chế quản lý tài sản công và thực hiện công tác quản lý tài sản công theo đúng quy định. Chấm dứt việc cho thuê tài sản công không đúng quy định. Giải quyết dứt điểm các cơ sở nhà đất có tranh chấp; xây dựng ngay phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất theo Nghị định 167/2017 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2021) để báo cáo Bộ Tài chính.
Đồng thời phải chấn chỉnh toàn diện việc quản lý nhà, đất tại các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đối với Bảo tàng Dân tộc học, trên cơ sở số thu, số chi đúng quy định từ các khoản cho thuê, liên kết trụ sở làm việc (6,63 tỷ đồng), đề nghị thu hồi số dư nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
"Bảo tàng Dân tộc học thực hiện nghiêm việc đấu giá, thông báo công khai giá cho thuê các cơ sở nhà, đất được cho thuê theo đúng quy định của pháp luật và đề án đã được duyệt"- Thanh tra Chính phủ yêu cầu.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là tổ chức sự nghiệp trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng.
Bảo tàng tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của những người yêu thích và muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc. Bảo tàng hiện đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hóa của cả 54 dân tộc Việt Nam.