Thực khách tố nhà hàng “chặt chém”: Thế nào là khiếu nại đúng pháp luật?
Pháp luật - Ngày đăng : 12:59, 01/05/2022
Ngày 29.4, trên mạng xã hội Facebook, một tài khoản đăng tải thông tin tố quán hải sản C.S (TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) “chặt chém” với hóa đơn thanh toán hơn 42 triệu đồng.
Vào cuộc xác minh, ngày 30.4, cơ quan chức năng cho rằng, số lượng thực phẩm đã chế biến tương đối phù hợp với số tiền thanh toán và chưa có cơ sở xác định cơ sở tăng giá bất hợp lý.
Theo dõi vụ việc, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, mối quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong kinh doanh, thương mại là quan hệ bình đẳng giữa bên bán, bên cung cấp dịch vụ với khách hàng.
Chất lượng dịch vụ, giá cả hàng hóa do các bên thỏa thuận. Mối quan hệ này được điều chỉnh bởi các quy định của bộ luật dân sự, luật thương mại và các văn bản pháp luật có liên quan trên cơ sở bình đẳng thỏa thuận, tự nguyện thực hiện.
Tuy nhiên, không ít những trường hợp chất lượng sản phẩm hàng hóa dịch vụ không đạt yêu cầu, thậm chí có gian dối trong việc kinh doanh khiến người tiêu dùng bị thiệt hại, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm, ăn uống...
Trường hợp đó, khách hàng có những phản ứng khác nhau như: thông báo cho cơ quan quản lý thị trường, chính quyền địa phương; phản ánh với báo chí dư luận; ghi hình, chụp ảnh rồi đăng lên mạng xã hội; làm ầm ĩ lên dẫn đến hai bên cãi cọ, thậm chí xung đột...
Đối với dịch vụ ăn uống, tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch thì vào mỗi kỳ nghỉ lễ lại phát sinh những hiện tượng chặt chém, những cơ sở cung cấp dịch vụ không đạt chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo luật sư Đặng Văn Cường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội; Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật...
Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp...;
Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết;
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Bởi vậy, khi sử dụng các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, giải trí mà người tiêu dùng thấy dịch vụ không đạt yêu cầu, hàng hóa kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giá cả chặt chém thì lên thu thập lại những thông tin về sự việc, đồng thời báo với đơn vị quản lý để được giải thích và giải quyết.
Trong trường hợp hai bên không thống nhất được với nhau về cách giải quyết thì sẽ báo với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan y tế hoặc các cơ quan chuyên môn để vào cuộc xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm hại thì cũng có thể báo đến hiệp hội bảo vệ quyền lợi người lợi người tiêu dùng, phản ánh sự việc với các cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật.
Trường hợp quyền lợi bị xâm hại nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản thì ngoài việc cơ quan chức năng vào cuộc xem xét xử lý, người tiêu dùng cũng có quyền khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự về phần bồi thường thiệt hại dân sự
Bên cạnh đó, theo luật sư Cường, cũng có trường hợp phản ánh sự việc không đúng, có tính chất bôi nhọ uy tín của đơn vị kinh doanh, lợi dụng những sai sót trong kinh doanh để cưỡng đoạt tài sản, không ít người đã bị xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có chế tài hình sự.
Trường hợp này, đơn vị kinh doanh cũng có quyền khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Trường hợp người tiêu dùng lợi dụng những thông tin, sự việc sai sót của bên cung cấp hàng hoá để đưa ra những thông tin có tính chất đe dọa, uy hiếp, buộc họ phải "bỏ tiền ra để mua sự im lặng" thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự.
Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng sơ hở, sai sót của người khác để chiếm đoạt tài sản. Nghiêm cấm hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự uy tín của tổ chức, cá nhân.
"Bởi vậy người tiêu dùng thông minh cần phải có những hiểu biết nhất định về pháp luật, có kỹ năng, ứng xử phù hợp khi gặp phải các tình huống có vấn đề trong đời sống xã hội", luật sư khuyến cáo.