Cận cảnh tàu ngầm Nga lần đầu tiên phóng tên lửa Kalibr tấn công Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 09:43, 30/04/2022
Nga đã sử dụng một tàu ngầm diesel hoạt động trên Biển Đen để phóng các tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào những mục tiêu quân sự của Ukraine. Đây là lần đầu tiên quân đội Nga sử dụng hạm đội tàu ngầm để phóng tên lửa Kalibr tấn công Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga đã cho công bố đoạn video ghi lại cảnh hàng loạt tên lửa Kalibr được phóng từ trên biển và hướng về phía chân trời, nơi mà Moscow tuyên bố là các mục tiêu của quân đội Ukraine.
Hãng tin Interfax hôm 29/4 cho biết đây là lần đầu tiên quân đội Nga được thông báo sử dụng tàu ngầm để tấn công Ukraine.
Các tên lửa Kalibr từng được Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Syria 13 lần. Theo Bộ Quốc phòng Nga, ít nhất 99 tên lửa Kalibr đã được bắn vào các mục tiêu khủng bố. Hiện gần như toàn bộ tàu chiến và tàu ngầm thế hệ mới của Nga đều được thiết kế để mang theo tên lửa Kalibr.
Cũng trong ngày 29/4, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận định Washington không tin Nga sẽ sử dụng các loại vũ khí hạt nhân để tấn công Ukraine, dù căng thẳng vẫn đang gia tăng.
“Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực hết sức giám sát năng lực hạt nhân của Nga mỗi ngày, và chúng tôi nhận định không có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và không có mối đe dọa đối với lãnh thổ của NATO”, Reuters dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Trong khi đó, hôm 25/4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố phương Tây không nên đánh giá thấp nguy cơ gia tăng bùng nổ một cuộc chiến hạt nhân ở Ukraine.
Hồi đầu tháng này, Nga thông báo có kế hoạch triển khai các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới thử nghiệm Sarmat vào mùa thu năm nay. ICBM Sarmat có khả năng triển khai tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ.
Phương Tây lo ngại nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine kể từ ngày 24/2. Đáng nói, ông Putin còn có những tuyên bố liên quan tới việc yêu cầu lực lượng hạt nhân luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đồng thời cảnh báo những ai cố tình ngáng đường Nga “sẽ nhận phải hậu quả chưa từng có trong lịch sử”.
Trong tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay ông hy vọng không có thêm những thất bại của quân đội Nga ở Ukraine khiến Tổng thống Putin đưa ra quyết định sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Còn hồi đầu tháng Tư, Giám đốc CIA William Burns cho hay mối đe dọa tiềm tàng sử dụng các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp không nên bị xem nhẹ. Song CIA chưa phát hiện được nhiều bằng chứng thực tế rằng Moscow sẽ sử dụng những vũ khí này.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến hàng nghìn người chết và bị thương, phá hủy nhiều thành phố và thị trấn, cũng như buộc 5 triệu người phải bỏ chạy ra nước ngoài.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 29/4 thừa nhận nguy cơ cao các cuộc đối thoại hòa bình với Nga sẽ chấm dứt, giữa lúc giới nghị sĩ Mỹ cam kết đẩy nhanh quá trình thông qua kế hoạch chuyển thêm khoản viện trợ trị giá 33 tỉ USD cho Ukraine để chiến đấu với Nga.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ là bà Nancy Pelosi nói rằng, các nghị sĩ hy vọng gói hỗ trợ 33 tỉ USD sẽ được thông qua “sớm nhất có thể”.
Bằng việc hỗ trợ hàng chục tỉ USD, chính quyền của Tổng thống Joe Biden được cho đang lấn sâu hơn vào cuộc chiến ở Ukraine.
Mỹ và các nước đồng minh đã chuyển giao nhiều loại vũ khí hạng nặng bao gồm cả pháo binh như Washington tuyên bố không chỉ nhằm đập tan đòn tấn công của Nga ở Ukraine, mà còn làm giảm sức chiến đấu của quân đội Nga để không thể đe dọa các nước láng giềng khác một lần nữa.
Khoản viện trợ 33 tỉ USD mà Mỹ đang chuẩn bị thông qua tương đương hơn 20% GDP năm 2020 của Ukraine. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chiến tranh đã khiến GDP năm nay của Ukraine sụt giảm hơn 45%, và ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn thế giới.
Minh Thu (lược dịch)