Phòng tránh viêm gan nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em - Giống như phòng COVID-19

Tin Y tế - Ngày đăng : 22:00, 28/04/2022

Hiện có gần 200 trẻ em ở nhiều nước trên thế giới, phần lớn tại châu Âu, bị viêm gan nặng không rõ nguyên nhân, khiến ít nhất 17 bệnh nhi phải ghép gan, 1 trẻ tử vong. Mỹ đưa ra khuyến cáo biện pháp phòng tránh tương tự với COVID-19, như rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay vào mặt, giữ khoảng cách, ở nhà, không đến trường khi có triệu chứng (vàng da, vàng mắt...).

Anh là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 114 ca bệnh được ghi nhận tính đến ngày 27/4. Các trường hợp viêm gan nặng không rõ nguyên nhân cũng đã được xác nhận ở Mỹ, Canada, Israel và Nhật Bản.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đợt dịch bệnh bùng phát hiện nay đã dẫn đến ít nhất 17 ca ghép gan ở bệnh nhân dưới 16 tuổi và một ca tử vong.

viem-gan-bi-an-1.jpg

Các nước đã ghi nhận ca bệnh viêm gan nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Đồ họa: New York Post.

Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), bác sĩ Andrea Ammon, hôm 26/4 phát biểu tại họp báo ở Stockholm, Thụy Điển: “Các cuộc điều tra đang được tiến hành ở tất cả các quốc gia báo cáo các trường hợp nhưng hiện tại vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của bệnh viêm gan này”.

Bà Ammon nói thêm rằng, hiện tại không có mối liên hệ nào giữa các trường hợp mắc bệnh, cũng như không có mối liên hệ nào với việc đi du lịch. Bình thường, trẻ em hiếm khi bị viêm gan.

ECDC từ chối xác nhận với Euronews bệnh nhi viêm gan không rõ nguyên nhân đã tử vong là công dân nước nào với lý do đó là thông tin bí mật. Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cho biết, Anh chưa ghi nhận trường hợp tử vong ở trẻ em do viêm gan.

viem-gan-bi-an-1a.jpg

Các chuyên gia y tế toàn cầu đang bối rối trước sự bùng phát bí ẩn của bệnh viêm gan ở trẻ em. Ảnh minh họa tiêm chủng cho trẻ em: Getty Images.

Thủ phạm là Adenovirus?

Theo WHO, tính đến ngày 21/4, gần 200 trường hợp viêm gan nặng không rõ nguyên nhân đã được ghi nhận, chủ yếu ở Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Ý, Israel… Bệnh nhân hầu hết là trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi; ít nhất 17 bệnh nhi đã phải ghép gan.

Trong khi nguyên nhân cụ thể gây viêm gan nặng ở trẻ em chưa được xác định, bà Ammon cho rằng, Adenovirus - một loại virus phổ biến thường gây ra các triệu chứng giống cúm hoặc đường tiêu hóa - có thể là thủ phạm. Bà nói: “Các cuộc điều tra đang hướng tới mối liên hệ với việc nhiễm virus Adenovirus”.

Viêm gan siêu vi thường là kết quả của một đợt nhiễm trùng khác do virus viêm gan A, B, C, D hoặc E, nhưng các dấu hiệu của những virus này vẫn chưa xuất hiện trong bất cứ trường hợp viêm gan nặng ở trẻ em trên thế giới.

Khi được hỏi liệu sự gia tăng các ca viêm gan ở trẻ em có phải chỉ đơn giản là kết quả của việc tăng cường giám sát hay không, bà Ammon nói rằng không có khả năng những ca nhiễm trùng như vậy đã không được chú ý trong quá khứ.

Bà nói với các phóng viên: “Rất khó để xác định số lượng ban đầu [các trường hợp] vì virus Adenovirus không được giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, vì tính chất nghiêm trọng và bất thường, tôi cho rằng, nó đã được chú ý từ trước”.

Bà Ammon từ chối kết luận rằng sự suy giảm khả năng miễn dịch do hai năm giãn cách xã hội để chống COVID-19 có thể là một yếu tố dẫn đến đợt bùng phát viêm gan trẻ em. “Đó có thể là một yếu tố, nhưng tôi không thể xác nhận cũng không thể phủ nhận điều vì vẫn đang trong quá trình điều tra”, bà nói.

viem-gan-bi-an-2.jpg

Đã có vắc xin phòng viêm gan A và viêm gan B. Ảnh: SOPA Images.

Trẻ mắc bệnh nên ở nhà, tạm dừng đến trường

Bà Ammon nói với các phóng viên rằng các trường hợp viêm gan nặng không rõ nguyên nhân hiện này có các triệu chứng tương tự viêm gan thông thường. “Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là vàng da - vàng ở da và mắt - sau đó là nôn mửa hoặc các triệu chứng tiêu hóa”, bà cho biết.

Lời khuyên của bà Ammon tương tự khuyến nghị của bác sĩ Meera Chand, phụ trách lĩnh vực các bệnh nhiễm trùng mới nổi và lâm sàng tại UKHSA. Bà Chand nói rằng, cha mẹ và người giám hộ nên cảnh giác với các triệu chứng của bệnh viêm gan, bao gồm vàng da.

“Trẻ em có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa bao gồm nôn mửa và tiêu chảy nên ở nhà và không trở lại trường học hoặc nhà trẻ cho đến 48 giờ sau khi các triệu chứng chấm dứt”, bà Chand khuyên.

Ở Anh, hầu hết trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân là trẻ em dưới 5 tuổi, UKHSA cho biết. Hầu hết bệnh nhân ban đầu bị buồn nôn và tiêu chảy, sau đó bị vàng da.

Để giảm thiểu rủi ro, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ khuyến khích nhiều phương pháp phòng ngừa tương tự như với COVID-19, bao gồm rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào mặt và miệng và giữ khoảng cách khi có thể.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ nói rằng, các bác sĩ và gia đình nên theo dõi các triệu chứng và báo cáo bất kỳ trường hợp nghi ngờ nào cho Sở Y tế của bang và chính quyền địa phương.