'Thấm' tổn hại từ việc rời khỏi UNESCO, Mỹ gióng chuông trở lại, đồng minh Israel tỏ thái độ gì?
Đối ngoại - Ngày đăng : 14:02, 28/04/2022
Trụ sở UNESCO ở Paris, Pháp. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 1/1/2019, Mỹ và Israel chính thức rút khỏi UNESCO, lấy lý do là phản đối cơ quan này có những chính sách bất công, chống lại Israel như lên án việc chiếm đóng Đông Jerusalem của Israel, công nhận các địa danh cổ thuộc Palestine mà quốc gia Do Thái cho rằng đáng lẽ là của họ.
Ngày 27/4, phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Blinken cho biết, Israel không phản đối Washington quay trở lại UNESCO.
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, việc Tổng thống Joe Biden có được thẩm quyền miễn trừ đó sẽ là quan trọng và cần thiết, đồng thời, ông tin rằng "Israel sẽ cùng chúng ta tái gia nhập UNESCO”.
Cũng theo nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ, sự vắng mặt của nước này tại UNESCO trong thời gian vừa qua đã làm làm tổn hại đến Washington, bởi vai trò quan trọng của tổ chức quốc tế này trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ trí tuệ nhân tạo mới nổi.
Bên cạnh đó, ông Blinken dự đoán, khi Mỹ không tham gia để định hình các quy tắc và tiêu chuẩn ở UNESCO, sẽ có người khác làm điều đó, "và đó có thể là Trung Quốc".
Mỹ đã đóng góp 22% trong tổng ngân sách hoạt động của UNESCO, tương ứng 80 triệu USD cho đến hết năm 2011, tuy nhiên Washington sau đó đã ngừng đóng góp để phản đối việc Palestine được cấp tư cách thành viên đầy đủ của tổ chức này.
Mỹ từng rút khỏi UNESCO dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Reagan năm 1984 với cáo buộc tổ chức này được quản lý kém, tham nhũng và ủng hộ các lợi ích của Liên bang Xô Viết. Năm 2003 Mỹ đã gia nhập lại UNESCO.