Tiền ảo và tiền mã hóa là gì mà khiến nhiều người nhầm lẫn
Kinh doanh - Ngày đăng : 11:46, 28/04/2022
Tiền mã hóa hay tiền ảo đều được xây dựng trên một hệ thống máy tính hoặc mạng lưới của một tổ chức hoặc cá nhân. Tất cả thuật ngữ liên quan đến tiền mã hóa hay tiền ảo đều nằm trong một khái niệm chung là Digital Currency - Tiền điện tử/Tiền số.
Khái niệm tiền điện tử chia ra thành các loại khác nhau và mỗi loại có một thuộc tính riêng biệt tạo nên giá trị của đồng tiền:
Theo Investopedia, tiền mã hóa (Crypto Currency) là từ ghép của mã hoá/mật mã (cryptography) với tiền tệ (currency). Đây là tiền điện tử được bảo mật bằng kỹ thuật mã hóa dựa trên cơ sở khai thác sức mạnh của máy tính kết hợp Internet. Công nghệ này gọi chung là blockchain - nền tảng của tiền mã hoá.
Tiền mã hóa được hoạt động trong một hệ sinh thái mở và có thể được chuyển đổi sang các dạng tiền tệ khác. Tiền mã hóa được phát hành bởi tổ chức hoặc cá nhân nhưng họ không có quyền kiểm soát toàn bộ lượng tiền này mà do chính cộng đồng quản lý thông qua cơ chế mã hóa, phân quyền trong hệ thống. Các loại tiền mã hóa phổ biến được nhiều người biết đến như là Bitcoin, Ethereum,…
Tiền điện tử pháp định là loại tiền điện tử được sử dụng phổ biến nhất nhưng nhiều người nhầm lẫn định nghĩa của loại tiền này với tiền ảo và tiền mã hoá. Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), loại tiền này tương đương với tiền tệ quốc gia, được phát hành bởi các tổ chức phát hành tiền tệ nhưng ở hình thức điện tử, kỹ thuật số.
Đại diện có tiền điện tử pháp định điển hình như tiền trong tài khoản ngân hàng được công nhận ở Việt Nam, hay tiền trong ví điện tử được công nhận như Momo, Viettel Pay,...
Theo Investopedia, tiền ảo (Virtual Currency) được nhiều người biết đến từ các trò chơi và xuất hiện trước thuật ngữ tiền mã hóa. Tiền ảo được phát hành nội bộ bởi các tổ chức, công ty và họ có toàn quyền kiểm soát số tiền này. Tiền ảo không được hoặc rất hạn chế đổi ra các loại tiền pháp định và chỉ quy đổi ở trong một cộng đồng nhỏ.
Đại diện cho tiền ảo điển hình như tiền sử dụng trong game để mua bán vật phẩm, tiền khuyến mãi ở các nền tảng mua sắm,…
(Theo Nhịp sống kinh tế)