Dạy con theo phương pháp Montessori có lợi thế gì và những nguyên tắc cần tuân thủ khi áp dụng
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:21, 28/04/2022
Lý do là qua thực tiễn học tập, người ta thấy rằng phương pháp này có thể giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ, lấy trẻ làm trọng tâm và còn khai thác được tiềm năng cá nhân của mỗi trẻ… phù hợp với xu hướng xã hội hiện đại.
# Phương pháp Montessori là gì?
Được sáng lập bởi Tiến sĩ người Ý Maria Montessori (1870 – 1952), Montessori là một phương pháp giáo giáo dục dựa trên cơ sở khoa học nhấn mạnh tính độc lập, tự do trong giới hạn và tôn trọng sự phát triển tự nhiên về tâm lý, thể chất và xã hội của trẻ.
Dạy con theo phương pháp Montessori là cách giáo dục thông qua các giáo cụ trực quan, lấy trẻ là trung tâm theo nguyên tắc tôn trọng trẻ, nhấn mạnh tính độc lập, tự do và đề cao sự phát triển tự nhiên của trẻ. Phương pháp này được sáng lập bởi nhà giáo, bác sĩ người Ý Maria Montessori và hiện đang được áp dụng rộng rãi trong chương trình giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới. Phương pháp giáo dục Montessori áp dụng cho trẻ ở giai đoạn từ 0 - 6 tuổi (giai đoạn trẻ có khả năng tiếp thu và học hỏi mạnh mẽ nhất)
# Ưu điểm của phương pháp dạy con Montessori
Không phải tự dưng mà một phương pháp giáo dục mới lại nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của đông đảo phụ huynh và lý do là người ta đã nhìn thấy những lợi thế quan trọng từ Montessori – điều mà bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn con em mình có được. Trong đó, những ưu điểm nổi bật nhất của phương pháp dạy con Montessori có thể kể đến là:
1. Sớm phát hiện tài năng ở trẻ
Lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp giáo dục Montessori nhấn mạnh và khơi gợi tiềm năng học tập, tính chủ động, sáng tạo và tìm tòi của các con. Vì thế, trẻ em được tự do tìm hiểu cũng như khám phá thế giới xung quanh theo mong muốn và sở thích cá nhân.
Điều này vừa giúp trẻ bộc lộ khả năng của mình rõ rệt, vừa giúp phụ huynh phát hiện ra tài năng của trẻ sớm hơn. Đồng thời, bố mẹ cũng có thể định hình phương thức giáo dục theo cách trẻ muốn.
2. Giúp trẻ tự lập hơn
Thực hành cuộc sống là một trong những lĩnh vực giảng dạy của phương pháp Montessori. Trong môn học này, trẻ được học các bài liên quan đến cách tự phục vụ bản thân như việc tự mặc và cởi áo khoác, chuẩn bị đồ ăn, buộc dây giày hay tự rửa tay, vệ sinh cá nhân...
Qua những bài học này, dần hình thành cho trẻ thói quen và tính tự lập, để các bé không ỷ lại hay phải trông cậy vào sự trợ giúp của người lớn vì chính mình cũng có thể làm được.
3. Phát triển trí thông minh
Phương pháp giáo dục Montessori đề cao sự phát triển tự nhiên cũng như thúc đẩy tiềm năng học tập có sẵn ở trẻ. Điều này đã tác động rất lớn đến trí thông minh cũng như khả năng tư duy của các con.
Thông qua việc tự học sẽ giúp các em hình thành được cách suy nghĩ độc lập. Bộ não của trẻ cũng sẽ phát triển hơn so với việc học tập thụ động, chỉ làm theo hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, Montessori tập trung giảng dạy ở 5 lĩnh vực: Thực hành cuộc sống, Ngôn ngữ, Giác quan, Toán học và Văn hóa là cơ hội để trẻ sớm tiếp thu khối lượng kiến thức phong phú ngay từ nhỏ.
4. Giúp con cải thiện trí nhớ
Không chỉ giúp trẻ tăng cường khả năng tư duy, việc tự học còn nâng cao trí nhớ. Trẻ sẽ ghi nhớ những kiến thức, bài học này lâu và sâu sắc hơn thông qua quá trình tự tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh.
5. Giúp trẻ phát triển nhân cách
Ngoài việc tự cham sóc chính mình, trong lĩnh vực Thực hành cuộc sống, ntrẻ còn học được cách chăm sóc mọi người và môi trường xung quanh. Dạy trẻ theo phương pháp Montessori giúp con phát triển về nhân cách, hình thành tính cách hiền hòa, nhân ái và tự chủ.
# Nguyên tắc khi dạy con theo phương pháp Montessori
Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori lấy trẻ làm trọng tâm và chú trọng khai thác các tiềm năng sẵn có. Ngoài ra, phương pháp Montessori còn có các nguyên tắc giáo dục độc đáo riêng mà nếu lựa chọn cho con em mình thì phụ huynh và giáo viên đều phải đảm bảo tuân thủ nhằm đạt được hiệu quả cao nhất khi dạy trẻ. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản như vậy:
1. Tôn trọng, không áp đặt trẻ
Ở các lớp học Montessori, trẻ được tự do lựa chọn hoạt động yêu thích theo nhịp độ phát triển của từng trẻ, ưu tiên sự phát triển tính tập trung và cá nhân.
Việc thầy cô và ba mẹ áp đặt suy nghĩ của mình lên trẻ, bắt trẻ phải theo ý mình hoàn toàn đi ngược với nguyên tắc Montessori sẽ khiến cho trẻ mất đi khả năng tư duy vốn có. Vì vậy, hãy để trẻ tự do khám phá trong nhà và ngoài trời theo cách của riêng mình, miễn sao trẻ được bảo đảm an toàn. Hãy để các con tiếp thu những cái mới một cách tự nhiên theo hướng trẻ muốn. Từ đó, trẻ sẽ học được cách tự lập và kích thích trí tuệ của trẻ phát triển.
2. Học tập luôn đi kèm với thực hành
Cách tốt nhất giúp trẻ vận dụng tốt được những điều học được là để trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn. Trẻ có xu hướng bắt chước những hoạt động mà bản thân quan sát được. Do đó, mục đích của giáo dục Montessori là chỉ ra cách thực hiện các nhiệm vụ, để trẻ phát triển theo cách tự thực hiện chúng.
Trong các hoạt động thực hành cuộc sống, trẻ sẽ được trải nghiệm những kỹ năng thực tế như rót nước, tự mặc và cởi quần áo, để giày đúng nơi quy định, ăn uống lành mạnh hay chăm sóc môi trường bằng cách giữ lớp học sạch đẹp, tưới cây, quét bụi,… Ngoài ra, trẻ cũng được hướng dẫn một số thói quen tốt trong cuộc sống như chờ đợi đến lượt mình, chờ hoạt động mình muốn làm hay đưa ra những lời nhận xét có tính chất xây dựng tích cực và biết lắng nghe người khác. Những kỹ năng này sẽ giúp các con trở nên tự tin, chủ động và sẵn sàng cho cuộc sống tương lai.
3. Môi trường thân thiện, không tồn tại phần thưởng hay trừng phạt
Với quan niệm giáo dục truyền thống, trao thưởng để khuyến khích con đạt tới thành tích nào đó và trừng phạt khi con phạm lỗi bằng việc đánh đòn, la mắng, so sánh với các bạn khác là hai hình thức được áp dụng rất nhiều.
Tuy nhiên, giáo dục trẻ theo phương pháp Montessori không tồn tại và không được phép tồn tại trao thưởng và trừng phạt. Nếu trẻ làm sai một việc nào đó, hãy minh họa cách làm đúng cho trẻ. Hãy khích lệ, động viên và ghi nhận sự cố gắng của trẻ thay vì trao thưởng, khen ngợi. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề mà hãy tập trung giúp trẻ nhận thức được những việc trẻ làm chưa đúng.
4. Không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của trẻ
Khi thấy trẻ đang say mê chơi một món đồ chơi nào đó, bố mẹ không nên xen vào ngoại trừ có một lý do đặc biệt. Trẻ cần sự tập trung để tìm ra nhiều cách chơi của riêng mình, cũng như giải quyết vấn đề gặp phải trong lúc chơi.
5. Thiên nhiên truyền cảm hứng cho trẻ
Theo tiến sĩ Maria Montessori, thiên nhiên giúp trẻ nhận thức được thực tế. Có rất nhiều hoạt động học tập và các cuộc phiêu lưu kỳ thú dành cho trẻ diễn ra ngoài trời với không khí trong lành thay vì ở tại lớp học hoặc trong nhà.
6. Giáo viên, ba mẹ chỉ là người hỗ trợ, đồng hành cùng trẻ
Với Montessori, trẻ sẽ là trung tâm của các hoạt động học tập. Nhà trường và gia đình phải chú trọng khai thác những tiềm năng có sẵn ở trẻ. Thầy cô giáo hay ba mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, khuyến khích trẻ chủ động với môi trường xung quanh và tự học theo năng lực và sở thích của riêng mình.
Thay vì áp đặt con theo cách của mình, ba mẹ và thầy cô nên làm bạn, đồng hành cùng các con, làm bạn với con. Trước khi phán xét việc trẻ làm đúng hay sai, chúng ta nên dạy con bằng cách làm mẫu trước để trẻ có thể nhìn nhận những điều đúng đắn. Người lớn cần phải cân bằng nguyên tắc không can thiệp trực tiếp vào việc học của trẻ, nhưng lại không được bỏ rơi trẻ. Hãy quan sát đưa ra những gợi ý và hỗ trợ tối đa khả năng tự phát triển của mỗi trẻ trong từng giờ học.
Theo V.K (tổng hợp) - Vietnamnet