Sân bay Thành Sơn 47 năm trước: Anh chỉ huy đánh chiếm sân bay - em xuất kích ném bom!
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 10:22, 27/04/2022
Là một trong những chiến sỹ của D 631 Anh hùng trực tiếp tham gia trận đánh vô cùng ác liệt, tác giả bài viết này xin kể lại một chút thời khắc 47 năm trước, như một nén tâm nhanh dâng lên hương hồn các đồng đội đã hy sinh anh dũng trong trận đánh khốc liệt này, đồng thời, cũng thêm một lần cúi đầu tưởng nhớ 3 trong 4 vị thủ trưởng chỉ huy trận đánh giờ đã về cõi vĩnh hằng, chỉ còn duy nhất đại tá Hoàng Uy (xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An), nguyên trung úy D phó D 631 (D1-E25-B3 nay là D 4 -E142 -F315 - Quân khu 5)
Xin được phác họa đôi nét về lịch sử và truyền thống đánh trận của D 631 trực thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3).
Ra đời năm 1967, sau khi Trung đoàn 320 đánh trận Ia Đrăng (Tây Nguyên), năm 1965 được lệnh để D 6 ở lại Tây Nguyên, còn lại 2 D, các đơn vị trực thuộc và trung đoàn bộ hành quân vào chiến trường B2 (Nam Bộ).
Sau đó, Bộ Tư lệnh B3 nhập D6 với D31 pháo binh thành D 631, đứng chân ở Khu 4 Gia Lai và liên tục tác chiến trên vùng đất này với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, trở thành D "đánh đâu thắng đó" rất nổi tiếng trên chiến trường Tây Nguyên. Năm 1972, D 631 được tuyên dương "Đơn vị Anh hùng"
Bộ đội tấn công thị xã Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) 16.4.1975 |
Tháng 10.1974, dưới sự chỉ huy của đại úy Trần Tất Thanh - D trưởng - D 631 đã tiến đánh cứ điểm 664 trên đường 5 (từ Playku đi Chư Nghé, tỉnh Gia Lai). Sau này, D trưởng 631 Trần Tất Thanh là thiếu tướng Tư lệnh quân đoàn 3 Binh đoàn Tây Nguyên, rồi trung tướng Tư lệnh Quân khu 2 và đã hy sinh trên đường công tác tại nước bạn Lào năm 1998.
Khoảng đầu tháng 11.1974, D trưởng Trần Tất Thanh được trên điều về Bộ Tư lệnh B3, còn D 631 nhận nhiệm vụ hành quân sang Đăk Lăk, đứng trong đội hình Trung đoàn 25-B3 với phiên hiệu D 1.
Chân "ướt chân ráo" về với E25, D 631 nhận nhiệm vụ đánh trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên (hướng Đăk Lăk) đêm ngày 4 rạng ngày 5.3.1975. Hơn tiếng đồng hồ với lối đánh sở trường là tiêu diệt địch trong công sự vững chắc, D 631 đã tiêu diệt gọn đại đội địch đóng tại cứ điểm A2 trên QL 21 ( nay là QL 26) gần điểm cao 519. Sau đó đánh tiêu diệt đoàn xe hơn 100 chiếc rồi tiến đánh giải phóng quận lỵ Khánh Dương (nay là huyện M'Drăk, tỉnh Đăk Lăk) và cùng với các đơn vị của F10 Quân đoàn 3 tấn công Lữ dù 3 ngụy trên đèo Phượng Hoàng.
Trên đường tiến về đồng bằng duyên hải, D 631 hành quân đến rừng dừa gần cầu Mỹ Thanh (giáp ranh 2 tỉnh Khánh Hòa- Ninh Thuận) thì được lệnh dừng lại nghỉ ngơi đôi ngày.
Tấm bia ghi tên liệt sĩ được dựng tại địa điểm D 631 đánh trận mở màn rạng sáng ngày 5.3.1975 |
Tối ngày 11.4.1975, đơn vị được lệnh hành quân ngược rừng lên Bác Ái (Ninh Thuận) quê hương Anh hùng Pi Năng Tắc, triển khai đội hình đánh sân bay Thành Sơn. Lúc này các đại đội (C) của D 631 gồm: C11 mang phiên hiệu C1; C58 (Anh hùng) là C2; C9 là C3; C12 là C4. Riêng C10, quân số bổ sung cho các C nên không còn phiên hiệu, cùng các trung đội trực thuộc: thông tin, trinh sát, vận tải, đội phẫu...
Ban Chỉ huy D 631 gồm thượng úy Triệu Quang Hưng (Thái Nguyên) D trưởng; thượng úy Nguyễn Tịch (Nam Định) - Chính trị viên D; trung úy Hoàng Uy (Nghệ An) D phó; trung Úy Lê Văn Uyến (NInh Bình) - Chính trị viên phó D.
Sân bay Thành Sơn bị D 631 đánh chiếm ngày 16.4.1975 |
Tối ngày 13.4.1975, D631 được lệnh hành quân "luồn sâu, lót sẵn" bên ngoài hàng rào sân bay Thành Sơn chờ lệnh nổ súng. 4 C của D 631 triển khai 2 mũi, mũi 1 gồm C1, C2 do D phó Hoàng Uy chỉ huy, C3, C4 do chính trị viên phó Lê Văn Uyến chỉ huy, D trưởng Triệu Quang Hưng và Chính trị viên D Nguyễn Tịch tại chỉ huy sở của D nằm cách đội hình các C không xa.
8h rồi 9h sáng ngày 14.4.1975 vẫn chưa có lệnh nổ súng, toàn đơn vị được lệnh nằm yên. Quá trưa, một đại đội bảo an địch đi tuần đúng vào hướng dàn quân do D phó Hoàng Uy chỉ huy. D phó Hoàng Uy điện về chỉ huy sở xin ý kiến rồi ra lệnh cho các C chưa được nổ súng.
Tới khi địch tiến đến rất gần không còn cách nào khác, D phó Hoàng Uy lệnh cho bộ đội nổ súng. Bị bất ngờ bọn địch bỏ chạy, ít phút sau, pháo của địch từ ngoài biển, trên đất liền bắn cấp tập vào trận địa. Trên trời máy bay trực thăng quần đảo bắn phá vào đội hình D 631, bộ đội căng mình ra chịu bom đạn.
Khoảng 3h chiều, pháo, máy bay địch dừng bắn phá, nhưng xuất hiện tình huống khác. 5 chiếc xe bọc thép vừa chạy vừa bắn như mưa vào đội hình dàn quân của ta. D phó Hoàng Uy lệnh cho DKZ, B40, B41 khai hỏa. Chiếc xe bọc thép đi đầu khựng lại rồi bốc khói, 2 chiếc tiếp theo bị bắn cháy, còn 2 chiếc quay đầu bỏ chạy. Lúc sau, pháo, máy bay địch lại trút đạn, bom như mưa vào đội hình đến tận khuya ngày 14.4 mới dừng.
Sau một ngày phơi lưng trên "sa mạc" Thành Sơn chịu bom đạn, 30 chiến sỹ của D 631 đã bị thương vong, nên cấp trên lệnh cho đơn vị lui về chân núi Bác Ái củng cố đội hình.
Đêm 15.4.1975, toàn D lại được lệnh hành quân ra bên ngoài hàng rào sân bay Thành Sơn nằm chờ lệnh.
Đúng 8h sáng ngày 16.4.1975, đơn vị được lệnh nổ súng. Hơn 10 quả bộc phá ống thổi bay 11 hàng rào kẽm gai mở ra một lối nhỏ tạo điều kiện cho toàn D cơ động vào bên trong sân bay, tỏa ra đánh chiếm các mục tiêu.
Trận đánh chiếm sân bay Thành Sơn diễn ra vô cùng ác liệt. Đến 11h30 cùng ngày D 631 Anh hùng làm chủ hoàn toàn sân bay và gặp xe tăng cùng bộ đội các đơn vị bạn ngay cổng chính (hướng ra Tháp Chàm) sân bay Thành Sơn. Và, cũng ngày hôm đó (16.4.1975) tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn được giải phóng.
Trước giờ xuất kích, Tư lệnh Quân chủng PK -KQ Lê Văn Tri (bên trái) vẫn ung dung đánh cờ với phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục (bên phải) chiều ngày 28.4.1975 tại sân bay Thành Sơn |
Đánh chiếm xong sân bay Thành Sơn, D631 được lệnh ở lại bảo vệ, dọn dẹp sân bay, đón Phi đội Quyết Thắng tập kết để chiều ngày 28.4.1975 xuất kích ném bom sân bay Tân Sơn Nhất.
Phi đội Quyết Thắng ném bom sân bay Tân Sơn nhất trở về sân bay Thành Sơn. Người ngoài cùng bên phải là phi công Hoàng Mai Vượng, hy sinh năm 1976 |
Có điều rất đặc biệt trong trận đánh chiếm sân bay Thành Sơn đối với D phó Hoàng Uy là, phi công Hoàng Mai Vượng trong đội hình Phi đội Quyết Thắng chính là em họ của D phó Hoàng Uy, xuất kích từ sân bay do anh mình cùng đơn vị vừa đánh chiếm, đi ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, góp phần vào sự nghiệp thống nhất đất nước. Năm 1976 trong khi làm nhiệm vụ, phi công Hoàng Mai Vượng đã anh dũng hy sinh!
46 năm sau, lần đầu tiên Phi đội trưởng phi đội Quyết Thắng Nguyễn Văn Lục (áo trắng) mới gặp được đại diện D631 Anh hùng - đơn vị đánh chiếm sân bay Thành Sơn ngày 16.4.1975 |
47 năm đã qua, 4 vị chỉ huy D 631 Anh hùng đánh chiếm sân bay Thành Sơn ngày ấy, sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã về với đời thường. Lần lượt D trưởng Triệu Quang Hưng, Chính trị viên Nguyễn Tịch, Chính trị viên phó Lê Văn Uyến đã rời cõi tạm về với tổ tiên.
Vợ chồng đại tá Hoàng Uy |
Riêng D phó Hoàng Uy giữ chức D trưởng D 631, rồi E phó E142-F315 đi chiến đấu ở Campuchia. Cuối năm 1989 E phó Hoàng Uy được điều động về Đặc khu Quảng Ninh làm công tác tham mưu, rồi đi học. Năm 1984, là E phó rồi E trưởng E 43 - F 323 Đặc khu Quảng Ninh. Năm 1988, ông về Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, sau đó giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An với quân hàm đại tá, nghỉ hưu năm 2000 cho đến nay. Triền miên đánh giặc, về với đời thường, người chỉ huy năm xưa vẫn "quân lệnh như sơn" trong rèn luyện thân thể và giữ được phong độ ở tuổi 75
Hôm nay 27.4.2022, sau 47 năm đánh chiếm sân bay Thành Sơn, đơn vị ở lại bảo vệ và chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để Không quân Nhân dân Việt Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28.4.1975, góp phần thống nhất đất nước, chợt bồi hồi nhớ lại...