7 kỹ năng giúp trẻ tăng "sức đề kháng" tinh thần, năng lực xã hội...

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 07:48, 27/04/2022

Sau những nghiên cứu về các đặc điểm có liên quan đến việc tối ưu hóa khả năng phát triển của trẻ, nhà tâm lý học đã đúc rút 7 kỹ năng trẻ cần có để tăng "sức đề kháng" tinh thần, năng lực xã hội...

Nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba cho rằng trẻ em cần có tuổi thơ an toàn, được yêu thương và có kỷ luật, nhưng cũng cần quyền tự chủ, năng lực và quyền tự quyết để phát triển.

Sau đây là 7 kỹ năng giúp trẻ trở thành người thành công.

1. Sự tự tin

Các bậc cha mẹ thường đánh đồng lòng tự trọng với sự tự tin. Họ nói rằng "con thật đặc biệt"; hoặc "con có thể làm bất cứ điều gì con muốn".

Tuy nhiên, thực tế có rất ít bằng chứng cho thấy việc nâng cao lòng tự trọng sẽ làm tăng khả năng thành công trong công việc và học tập, thậm chí là hạnh phúc đích thực.

7 kỹ năng giúp trẻ tăng sức đề kháng tinh thần, năng lực xã hội... - 1
Những đứa trẻ tự tin luôn biết cách tìm ra hướng giải quyết vấn đề (Ảnh: Shutterstock).

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ coi điểm số của mình là do nỗ lực và điểm mạnh của bản thân sẽ thành công hơn trẻ tin rằng chúng không thể kiểm soát được kết quả học tập.

Sự tự tin thực sự là kết quả của việc con làm tốt, đối mặt với những trở ngại, tạo ra giải pháp và tự mình khắc phục. Những đứa trẻ có lòng tự tin biết rằng chúng có thể thất bại nhưng cũng có thể đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề.

2. Đồng cảm

Có 3 loại đồng cảm cần lưu ý. Sự đồng cảm về tình cảm là khi con chia sẻ cùng người khác và thấu hiểu cho cảm xúc của họ. Sự đồng cảm trong hành vi là khi sự thấu cảm thúc đẩy con hành động với lòng trắc ẩn. Sự đồng cảm về mặt nhận thức là khi trẻ hiểu được suy nghĩ và biết đặt mình vào vị trí của người khác.

7 kỹ năng giúp trẻ tăng sức đề kháng tinh thần, năng lực xã hội... - 2
Cha mẹ chính là người rèn cho con sự đồng cảm (Ảnh: Shutterstock).

Để giúp con phát triển sự đồng cảm, phụ huynh có thể dạy con bằng cách:

- "Gắn nhãn" cảm xúc: Chủ ý gọi tên cảm xúc theo từng ngữ cảnh nhất định để giúp con có vốn từ vựng về cảm xúc, chẳng hạn: "Con đang hạnh phúc", "Con cảm thấy buồn"...

- Đặt câu hỏi: Một số câu hỏi như "Con cảm thấy thế nào?", "Con sợ hãi điều gì ư?"... giúp con nhận ra rằng, mọi cảm giác hiện hữu đều là điều rất bình thường. Cách mà con chọn để thể hiện chúng có thể khiến con gặp rắc rối.

- Chia sẻ cảm xúc: Trẻ em cần có cơ hội để bày tỏ cảm xúc của mình một cách thoải mái. Hãy tạo ra không gian đó bằng cách chia sẻ cảm xúc của chính bạn, ví dụ: "Bố/mẹ không ngủ đủ giấc nên đôi khi hay cáu gắt", "Bố/mẹ thất vọng với cuốn sách này"...

- Để ý đến người khác: Cha mẹ có thể chỉ ra cảm xúc khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể của người xung quanh: "Con nghĩ ông ấy cảm thấy thế nào?", "Con đã bao giờ cảm thấy như thế này chưa?"...

3. Tự chủ

Khả năng kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, hành động và mong muốn của trẻ là một trong những điểm mạnh có tương quan cao nhất đối với sự thành công và là bí mật đáng ngạc nhiên chưa được khai thác để giúp trẻ phát triển.

Một cách để dạy con tính tự chủ là đưa ra các tín hiệu. Một số trẻ gặp khó khăn trong việc thay đổi trọng tâm giữa các hoạt động. Đó là lý do tại sao giáo viên sử dụng "tín hiệu chú ý", như rung chuông hoặc tín hiệu lời nói "Hãy nhìn lên trên".

7 kỹ năng giúp trẻ tăng sức đề kháng tinh thần, năng lực xã hội... - 3

Một cách để dạy con tính tự chủ là đưa ra các tín hiệu (Ảnh: Shutterstock).

Phát ra một tín hiệu, cùng nhau thực hiện và đợi kết quả, chẳng hạn: "Bố/mẹ cần con chú ý trong một phút này", "Con đã sẵn sàng để nghe chưa".

Các bậc phụ huynh cũng có thể nhắc nhở con dừng lại một chút để suy nghĩ trước khi hành động: "Nếu con đang tức giận, hãy đếm đến 10 trước khi con trả lời" hay "Đừng nói bất cứ điều gì khi con không muốn người khác biết".

4. Chính trực

Sự chính trực là tập hợp các niềm tin, năng lực, thái độ và kỹ năng đã học được nhằm giúp trẻ biết điều gì là đúng và sai. Một điều quan trọng không kém là hãy để cho con không gian để phát triển bản sắc đạo đức của riêng chúng. Ngoài ra, cha mẹ đừng quên thừa nhận, khen ngợi khi con có hành vi đúng đắn, để chúng nhận ra rằng bạn coi trọng điều đó.

Dạy con về lòng chính trực, sau đó mô tả hành động để trẻ biết mình đã làm gì để được công nhận. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên sử dụng từ "bởi vì" giúp lời khen ngợi trở nên cụ thể hơn. Chẳng hạn, "Điều đó cho thấy con là người chính trực vì đã không hùa theo câu chuyện phiếm"; "Con đã thể hiện sự chính trực khi biết giữ lời hứa đi với bạn mặc dù con phải từ bỏ bữa tiệc".

5. Tính tò mò

Sự tò mò giúp con trẻ theo đuổi và mong muốn khám phá những sự kiện mới lạ và đầy thử thách, cam go. Để kích thích sự tò mò của trẻ, Michele Borba thường sử dụng đồ chơi, tiện ích hay trò chơi có kết thúc mở; chẳng hạn như sơn, các loại sợi và que kem để tạo ra các công trình, hoặc đưa ra những chiếc kẹp giấy, dụng cụ làm sạch đường ống và thử thách con xem chúng có thể sử dụng món đồ đó bằng bao nhiêu cách khác thường.

7 kỹ năng giúp trẻ tăng sức đề kháng tinh thần, năng lực xã hội... - 4
Con trẻ luôn có cách nhìn nhận mọi thứ thú vị hơn (Ảnh: Shutterstock).

Thay vì nói "Con làm thế sẽ không hiệu quả", hãy thử nói với con trẻ: "Hãy xem điều gì sẽ xảy ra!". Thay vì đưa ra câu trả lời, cha mẹ hãy hỏi: "Con đang nghĩ gì?", "Làm sao con biết?", "Làm thế nào mà con có thể tìm ra chúng?".

Khi con đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hoặc chỉ đi ngang qua ai đó, hãy sử dụng những câu hỏi "Bố/mẹ tự hỏi": "Bố/mẹ tự hỏi cô ấy đang đi đâu", "Bố/mẹ tự hỏi tại sao họ lại làm như vậy?", "Bố/mẹ tự hỏi điều gì xảy ra tiếp theo?".

6. Sự kiên trì

Sự kiên trì giúp trẻ có thể tiếp tục tiến lên khi mọi thứ xung quanh có thể khiến con nản chí. Sai lầm có thể khiến con đi chệch hướng và không đến được mục tiêu. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp con khắc phục và xác định những vấp ngã của con.

Một số trẻ bỏ cuộc vì cảm thấy quá tải khi gặp phải nhiều vấn đề hoặc một chồng bài tập. Việc chia nhỏ các nhiệm vụ thành các phần nhỏ hơn sẽ giúp ích cho những đứa trẻ gặp khó khăn trong việc tập trung.

Ví dụ, cha mẹ có thể dạy con gái mình "chia nhỏ" bằng cách che tất cả các bài toán của con bằng một tờ giấy, ngoại trừ hàng trên cùng. Hạ tờ giấy xuống hàng tiếp theo khi mỗi hàng toán được hoàn thành.

Những đứa trẻ lớn hơn có thể viết mỗi bài tập vào một tờ giấy dính, theo thứ tự độ khó và làm một việc tại một thời điểm. Phụ huynh khuyến khích trẻ làm điều khó nhất trước để con không quá căng thẳng và phải nghĩ về nó cả đêm. Sự tự tin và tính kiên trì được xây dựng khi trẻ hoàn thành các công việc lớn hơn một mình.

7. Lạc quan

Những đứa trẻ lạc quan coi những thách thức và trở ngại là tạm thời có thể vượt qua được, vì vậy chúng có nhiều khả năng thành công hơn. Còn những đứa trẻ bi quan coi những thử thách là vĩnh viễn, giống như những khối xi măng không thể di chuyển, nên sẽ có nhiều khả năng bỏ cuộc.

7 kỹ năng giúp trẻ tăng sức đề kháng tinh thần, năng lực xã hội... - 5
Hãy để con khám phá thế giới xung quanh theo cách mà con muốn (Ảnh: Shutterstock).

Dạy trẻ tinh thần lạc quan bắt đầu từ chính các bậc cha mẹ. Hãy điều chỉnh những thông điệp hằng ngày và tự đánh giá xem liệu phụ huynh có nhìn nhận mọi chuyện theo hướng bi quan hay lạc quan hơn không. Theo đó, bạn thường mô tả mọi thứ là tích cực hay tiêu cực, toàn diện hay chủ quan, qua lăng kính màu hồng lạc quan hay màu xám buồn tẻ… Bạn bè và gia đình có nói như vậy về bạn không?