Thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng lương thực

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:14, 27/04/2022

Tạp chí Compact của Đức mới đây viết rằng do các lệnh trừng phạt chống Nga, tình trạng thiếu phân bón có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng vào năm 2023.

Theo đó, sự chú ý của các chính trị gia Đức đang tập trung vào nguồn năng lượng từ Nga. Điều này hoàn toàn bỏ qua vấn đề cung cấp phân bón, có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với người nông dân.

Các chuyên gia rằng, điều này có thể dẫn đến “cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất trong lịch sử vào năm 2023”. Do các lệnh trừng phạt chống Nga, phân bón đã trở nên không thể mua được đối với nhiều nước nghèo.

Thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng lương thực
Thế giới đang bên bờ vực khủng hoảng lương thực. (Ảnh: iStock)

Theo nhà kinh tế học người Đức Matin Kaim, nạn đói toàn cầu có thể ảnh hưởng đến 100 triệu người.

Trước đó, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) David Beasley cảnh báo xung đột tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả mà WFP đã nỗ lực suốt nhiều năm qua để đảm bảo lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ vì Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới.

Ông Beasley nhấn mạnh trước khi xảy ra xung đột, 50% lượng ngũ cốc mà WFP hỗ trợ các nước là mua của Ukraine.

Bên cạnh đó, xung đột khiến WFP cũng không nhập được các sản phẩm phân bón từ Nga và Belarus. Do vậy, mùa màng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng thu hoạch được dự báo sẽ giảm ít nhất 50%.

Được biết, Nga và Ukraine hiện là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương.

Trong tháng 2 vừa qua, giá lương thực thế giới đã lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực.

Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO đã đạt mức 140,7 điểm - cao hơn 3,9% so với tháng trước đó và cao hơn 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực tăng cao đã gây ra các vấn đề đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung cấp ngũ cốc từ Nga và Ukraine, song các quốc gia phương Tây cũng gặp khó khăn.

Trước đây, Ukraine đã xuất khẩu 5 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Hiện nay, do khó khăn về hậu cần trên biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan, Ukraine chỉ có thể xuất sang châu Âu 600.000 tấn ngũ cốc/tháng.

Thanh Bình (lược dịch)