Vì sao tỉ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam có xu hướng tăng?

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 18:10, 26/04/2022

Những báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em béo phì, thừa cân tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Theo các bác sĩ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh ở trẻ.
thua-can-beo-phi-o-tre-em.jpeg
Trẻ thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng - Ảnh: Internet

Số liệu từ Hội dinh dưỡng Việt Nam cho biết trẻ em thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang tăng lên gấp 10 lần từ năm 1976 đến nay, trong khi 23% trẻ em tại Việt Nam bị thấp còi, 12% bị nhẹ cân.

Theo một nghiên cứu duy nhất của Hội dinh dưỡng Việt Nam, TP.HCM có 41,4% học sinh bị thừa cân và béo phì. Trẻ em tại thành thị mắc bệnh béo phì nhiều hơn so với nông thôn.

Thức ăn nhanh là thủ phạm chính

Mới đây, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019".

Tại hội thảo, TS Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - cho biết cuộc khảo sát triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia, cung cấp số liệu về yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm cũng như các bệnh khác. Số học sinh tham gia khảo sát đều từ lớp 8-12 (tương ứng trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường.

Khảo sát này cho thấy tỉ lệ học sinh hoạt động thể chất đã tăng hơn. Trong đó, tỉ lệ vận động 60 phút/ngày, 5 ngày trong tuần đã tăng từ 20,5% lên 21,7%.

Tuy nhiên học sinh bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng lên, tỉ lệ thừa cân tăng gấp đôi. Một số hành vi nguy cơ như uống nước ngọt có ga, ăn thức ăn nhanh đều tăng lên. Trong đó, tỉ lệ ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%.

Theo Bộ Y tế, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh.

Trong đợt dịch thứ 4, hàng nghìn trẻ em ở Việt Nam đã mắc COVID-19 với biến thể Delta đã khiến nhiều trẻ em có bệnh nền và béo phì phải nhập viện, bệnh diễn biến nặng, nguy kịch.

Cụ thể như Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bệnh nhi 14 tuổi, cân nặng 100kg vào nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái. Bệnh nhi bị sốt cao liên tục, suy hô hấp nặng và thở nhanh, phổi tổn thương cả 2 bên, 2 lần xét nghiệm âm tính, được các bác sĩ nhanh chóng cho thở oxy. Tuy nhiên, cháu bé không đáp ứng với thở oxy, tổn thương phổi diễn tiến nhanh, tổn thương gan, tổn thương các cơ quan do phản ứng viêm rất mạnh.

BSCK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp - phó chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho rằng ở các đô thị nhiều trẻ đã bỏ qua bữa sáng với những lý do như bị tắc đường, ba mẹ phải đi làm sớm... Trẻ không ăn sáng sẽ thấy đói bụng, khi được cha mẹ cho tiền trẻ đã chọn mua những loại thức ăn nhanh, tiện lợi để kịp ăn trong những giờ ra chơi.

Những loại thức ăn này thường có nhiều dầu mỡ, chiên xào, có nhiều chất béo, nhiều muối, đường như hamburger, mì gói, xúc xích, xiên que... nên ăn vào sẽ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Trẻ bỏ bữa sáng hoặc ăn qua loa vào bữa sáng sẽ ăn nhiều vào buổi trưa, buổi chiều cũng làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

thuc-an-nhanh-la-gi-tac-hai-cua-thuc-an-nhanh-va-cac-loai-tot-cho-suc-khoe-2-800x533.jpeg
Thức ăn nhanh là thủ phạm chính gây béo phì ở trẻ em - Ảnh: Internet

Hệ lụy từ thừa cân béo phì

Theo bác sĩ Ngọc Diệp, trẻ thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến những nguy cơ bị cao huyết áp, đái tháo đường và một số bệnh ung thư. Tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa. Trước đây tăng huyết áp chỉ thường gặp ở người trên 60 tuổi, sau này gặp ở cả những người 40 tuổi và những năm gần đây còn gặp nhiều ở thanh niên, trẻ vị thành niên, nên đã xuất hiện nhiều trẻ bị đột quỵ.

Có khoảng 60% những người bị tăng huyết áp nhưng lại không biết mình bị như vậy. Nhiều người nghĩ tăng huyết áp thường gặp ở những người lớn tuổi và người trẻ tuổi không bị. Trong số 15,4% trẻ bị tăng huyết áp này các bác sĩ ghi nhận trẻ đều bị béo phì, béo bụng, dinh dưỡng không hợp lý, ít luyện tập.

Còn những trẻ bị đái tháo đường type 2 đều bị béo phì nặng, gia đình có người bị đái tháo đường. Bác sĩ Ngọc Diệp cho rằng nếu những trẻ sinh ra trong những gia đình này được chăm sóc dinh dưỡng, vận động tốt sẽ ngừa được nguy cơ đái tháo đường nhiều.

Bác sĩ Ngọc Diệp khuyên cần cho trẻ chế độ ăn uống cân đối các nhóm thực phẩm và phải ăn đạt được 3 phần rau, 2 phần trái cây mỗi ngày (phần sẽ tương đương với tuổi), nên cho trẻ uống sữa không đường, cần tăng cường vận động thể lực ít nhất 120 phút/ngày, nên tham gia một môn thể thao, năng động tham gia các hoạt động thể lực, làm việc nhà để phòng ngừa thừa cân, béo phì.

Khi thấy trẻ tăng cân nhanh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn phòng thừa cân, béo phì.

ANH ĐÀO