Liều nhảy vào bắt đáy, VN-Index bốc đầu mạnh sau cú sụt 50 điểm
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 16:04, 26/04/2022
Từ giảm 50 điểm buổi sáng, VN-Index quay đầu tăng 30 điểm, thanh khoản vẫn khá thấp Vài nghìn tỷ được tung vào thị trường trong những phút cuối trước khi bước vào phiên khớp lệnh ATC đã giúp đa số các cổ phiếu tăng trở lại.
VN-Index từ chỗ trồi sụt quanh ngưỡng tham chiếu, quay đầu tăng gần 24 điểm lúc 2h30 phút. Dòng tiền đổ vào cuối phiên chiều đã giúp thị trường đảo chiều hoàn toàn so với phiên sáng, từ mức giảm 50 điểm chuyển sang tăng mạnh, từ chỗ hàng trăm mã giảm (trong đó có vài chục mã giảm sàn), sang khoảng 340 mã tăng giá, trong đó có 53 mã tăng trần.
Chốt phiên ATC, VN-Index tăng 30,42 điểm lên 1.341,34 điểm. HNX-Index tăng 7,66 điểm lên 345,17 điểm. Upcom-Index tăng 1,4 điểm lên gần 101 điểm. Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 23 nghìn tỷ đồng, trong đó trên là HOSE là 20,8 nghìn tỷ đồng. Rất nhiều mã cổ phiếu chủ chốt hút dòng tiền và tăng mạnh. Vincom Retail (VRE) thậm chí tăng trần.
Một số mã khác tăng mạnh như Sabeco (SAB), Bảo Việt (BVH), Thế Giới Di Động (MWG), Vinamilk (VNM), Vinhomes (VHM)... Nhiều cổ phiếu nóng tăng mạnh trở lại. Nhóm cổ phiếu “họ FLC” đồng loạt tăng trần như FLC, HAI, ROS, AMD...
VN-Index cân bằng trở lại sau khi giảm 50 điểm.
Lực cầu bắt đáy tăng tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính, thép và bán lẻ, qua đó giúp chỉ số VN-Index hồi phục nhẹ sau khi giảm 50 điểm trong buổi sáng. Mặc dù vậy, thanh khoản chỉ ở mức trung bình. Sự thận trọng vẫn chế ngự trên thị trường. Tính đến 11h, chỉ số VN-Index tăng 4 điểm lên 1.314 điểm.
Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, áp lực bán lại khiến chỉ số này giảm hơn 5 điểm về khoảng 1305 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng.
Trong nhóm VN-30, vào đầu phiên chỉ có 4 mã ngân hàng hồi phục nhẹ, còn lại đều giảm điểm. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) giảm 5.000 đồng xuống 102.000 đồng/cp; Sabeco (SAB) giảm 5.400 đồng xuống 153.000 đồng/cp; Vinhomes (VHM) giảm 2.800 đồng xuống 60.200 đồng/cp; VietJet (VJC) giảm 2.500 đồng xuống 128.500 đồng/cp…
Thị trường sau đó chứng kiến toàn bộ 30 mã trụ cột giảm giá. Gần như toàn bộ các mã giảm giá, trong đó có vài chục mã giảm sàn. Chỉ số VN-Index có lúc giảm gần 50 điểm sau khi đã giảm hơn 68 điểm trong phiên liền trước.
Dẫn đầu đà giảm là nhiều mã lớn như FPT, VHM, PNJ, BVH, SSI, GVR, GAS, POW với mức giảm vượt trên 4%. Chứng khoán SSI có lúc giảm sàn.
Nhóm dầu khí, thép, phân bón, than, thủy sản… đều giảm, trong đó nhiều mã giảm sàn.
Tới gần 10h, mức giảm điểm thu hẹp lại. VN-Index còn giảm hơn 20 điểm và ở quanh ngưỡng 1.290 điểm.
Hoạt động bán ra tiếp tục lên cao được cho một phần là do áp lực call margin và giải chấp sau khi thị trường giảm sâu 15% trong 3 tuần trước đó.
Nhóm cổ phiếu nóng “họ FLC” ngược dòng thị trường tăng nhẹ sau khi đã giảm 50-80% trước đó.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm sâu cho dù triển vọng kinh tế vẫn khá tươi sáng. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6% năm 2022 và 7,2% năm 2023. Tỷ lệ lạm phát năm 2022 của Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức 3,9%, rất gần với mục tiêu kiểm soát được đặt ra trước đó là 4%.
Theo IMF, Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại với độ phủ vaccine rất cao và các chính sách phục hồi kinh tế rất kịp thời. Tổ chức này cũng cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã có những thành công trong việc ổn định tài khóa, kinh tế đối ngoại và thị trường tài chính.
IMF cũng đánh giá, cuộc chiến Nga - Ukraine có thể tác động xấu tới nền kinh tế Việt Nam, ở những mặt như giá cả hàng hóa tăng, lạm phát tăng; hoạt động kết nối thương mại tài chính, giảm nhu cầu từ khu vực đối ngoại và sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
VinaCapital cho rằng, việc thị trường giảm sâu nên nhìn nhận như một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn. Việc thị trường giảm điểm mạnh chủ yếu là do tâm lý nhà đầu tư không mấy lạc quan từ một số sự kiện và thông tin không tích cực như vụ tháo túng cổ phiếu liên quan tới cựu lãnh đạo FLC hay vụ chủ tịch Tân Hoàng Minh bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nhà đầu tư lo lắng việc điều tra sẽ được mở rộng sang các công ty khác, nhất là đối với các công ty bị nghi ngờ về thao túng giá cổ phiếu và các công ty có tình hình tài chính không tốt, không minh bạch trong việc phát hành trái phiếu. Hàng loạt các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, đã tăng nóng từ giữa năm 2021 trong khi kết quả kinh doanh không có chuyển biến tích cực, đồng loạt bị bán tháo và giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường ở vào giai đoạn không có nhiều thông tin vĩ mô tích cực. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina làm gián đoạn nguồn cung về một số loại hàng hóa cơ bản, đẩy nguy cơ lạm phát lên cao.
Lạm phát tại Mỹ lên mức cao kỷ lục 40 năm, ở mức 8,5% và do vậy, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại một số nơi ở Trung Quốc, lệnh phong tỏa ở Thượng Hải cũng ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới.
Việc các thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Mỹ giảm mạnh trong phiên cuối tuần và đầu tuần cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, rạng sáng 26/4 (giờ Việt Nam) chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trở lại.
M. Hà