Những người phụ nữ dễ mắc ung thư nội mạc tử cung

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 14:37, 26/04/2022

Theo các bác sĩ, phụ nữ mãn kinh (75%) dễ mắc ung thư nội mạc tử cung, thường gặp ở độ tuổi 55 tuổi trở lên. Chỉ có 5% trường hợp mắc dưới 40 tuổi.

Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư phụ khoa thường gặp nhất. Tại Việt Nam, theo GLOBOCAN 2018, mỗi năm có 4.150 ca mới mắc và 1.156 ca tử vong, đứng hàng thứ 11 về tỷ lệ mắc. Bệnh gặp chủ yếu ở người đã mãn kinh (75%), thường gặp ở độ tuổi 55 tuổi trở lên. Chỉ có 5% trường hợp mắc dưới 40 tuổi.

Phát hiện bệnh sớm nhưng ngại điều trị

Mới đây, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã điều trị căn bệnh này cho bà Đ.T.N.T (SN1934, ở Cầu Giấy, Hà Nội).

Bà T có tiền sử bị cao huyết áp, đái tháo đường và bị đau bụng âm ỉ suốt 2 năm liền. Khi đi khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bà được chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 1.

noi-mac-tu-cung1.jpg
Hình ảnh khối u trên phim chụp của bà T. Ảnh: BSCC.

Lúc đó, các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị cho bà là phẫu thuật. Tuy nhiên, bà từ chối làm theo chỉ định vì tâm lý tuổi đã cao, động dao kéo sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tính mạng.

Bà chấp nhận “sống chung” với bệnh bằng thuốc giảm đau cùng tình trạng thường xuyên ra dịch âm đạo và máu. Cùng với đó, bà luôn phải chịu những cơn quặn thắt bụng xuất hiện ngày càng dồn dập, dữ dội. Khi không chịu nổi đau đớn, bà mới quay lại bệnh viện để điều trị.

Tại bệnh viện, bà phải đánh giá lại toàn bộ tình trạng bệnh. Theo kết quả chụp cộng hưởng từ, khối u ung thư có kích thước 11 cm. Các bác sĩ nhận định, nếu không được phẫu thuật sớm, bệnh nhân có nguy cơ băng huyết, tử cung bị u xâm lấn gây thủng, chảy máu ổ bụng dẫn đến tử vong.

ThS.BS Đặng Bá Hiệp – Phó trưởng Khoa Ngoại Vú – Phụ khoa cho biết, bệnh nhân bỏ lỡ điều trị ở giai đoạn sớm, khiến bệnh diễn tiến xấu, u ngày càng phát triển làm cho thể trạng sức khỏe yếu dần, nguy cơ biến chứng cao. Tuy nhiên, do u chưa xâm lấn bên ngoài nên còn khả năng phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, sức khỏe cụ bà hồi phục nhanh, hết đau bụng, không còn ra dịch, có thể vận động và đi lại được.

noi-mac-tu-cung.jpg
Bà T cho biết rất hối hận khi không điều trị bệnh ung thư sớm. Ảnh: BSCC.

Theo ThS.BS Lê Võ Minh Hương – Phòng Công tác xã hội – Bệnh viện Từ Dũ, ung thư nội mạc tử cung xảy ra là do sự tăng sinh quá mức của các tế bào nội mạc tử cung. Lớp nội mạc tử cung trở nên dày lên, lan tỏa hoặc khu trú tạo thành những khối u bên trong lòng tử cung.

Hầu hết phụ nữ ung thư nội mạc tử cung có triệu chứng từ rất sớm. Thường gặp nhất là xuất huyết tử cung bất thường, biểu hiện bởi ra huyết âm đạo kéo dài, ra huyết giữa chu kỳ kinh, hành kinh không đều hoặc ra huyết âm đạo sau mãn kinh. Một số triệu chứng muộn hơn bao gồm đau vùng chậu, chướng bụng, đầy bụng, thay đổi thói quen đi tiêu tiểu, sụt cân nhanh.

Bác sĩ Hương cho rằng, những người phụ nữ sau sẽ có nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung:

Phụ nữ mãn kinh

Theo bác sĩ Hương, hầu hết các trường hợp ung thư nội mạc tử cung được chẩn đoán ở phụ nữ đã mãn kinh. Tuy nhiên, ung thư có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào trẻ hơn, đặc biệt nếu người phụ nữ có thêm các yếu tố nguy cơ khác dưới đây.

Nồng độ hormone estrogen trong máu cao

Với những người phụ nữ có nồng độ estrogen cao sẽ có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cao hơn bình thường. Hội chứng buồng trứng đa nang hoặc rối loạn phóng noãn tiền mãn kinh khiến cho cơ thể không có đủ lượng hormone progesteron so với estrogen, dẫn đến nguy cơ tăng sinh quá mức nội mạc tử cung.

Phụ nữ béo phì

Béo phì khiến lượng estrogen tăng cao hơn do được chuyển hóa từ mỡ, do đó họ có nguy cơ cao ung thư nội mạc tử cung.

Do gen

Hội chứng lynch là một tình trạng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng, ung thư vú và một số ung thư khác trong đó có ung thư nội mạc tử cung. Chúng gây ra do đôt biến gen và có tính di truyền trong gia đình.

Do thuốc

Theo bác sĩ Hương, thuốc tamoxifen để điều trị hoặc dự phòng ung thư vú làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp nội tiết thay thế chỉ chứa estrogen đơn thuần để điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung.

Ngoài ra, chế độ ăn nhiều mỡ động vật và thịt đỏ cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Cuối cùng là là những bé gái có kinh sớm trước 12 tuổi, mãn kinh trễ, vô sinh hoặc không sinh con cũng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

tai-xuong.png
Theo bác sĩ Hương, ung thư nội mạc tử cung không thể ngăn ngừa được, nhưng có thể giảm bớt nguy cơ bằng cách thay đổi thói quen ăn uống lành mạnh, duy trì mức cân nặng chuẩn. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Hương, ung thư nội mạc tử cung không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bạn có thể giảm bớt nguy cơ mắc ung thư này bằng cách thay đổi các thói quen, ăn uống lành mạnh, tập luyện và duy trì mức cân nặng chuẩn. Ngoài ra, những phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai hằng ngày sẽ giảm một nửa nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.

Khi ung thư nội mạc tử cung không được điều trị sớm, các tế bào ác tính sẽ có xu hướng xâm lấn các cơ quan khác xung quanh hoặc di căn theo đường máu và bạch huyết, được gọi là ung thư xâm lấn hoặc ung thư di căn (giai đoạn muộn).

Các bác sĩ khuyến cáo, chị em phụ nữ nếu phát hiện triệu chứng bất thường như ra máu âm đạo sau mãn kinh nên nhanh chóng đi khám chuyên khoa, đặc biệt là tầm soát ung thư nội mạc tử cung.

Đối với phụ nữ cao tuổi khi phát hiện bệnh càng phải điều trị sớm khi nền tảng sức khỏe còn tốt, tránh để lâu, ung thư diễn biến phức tạp kèm theo nhiều bệnh lão khoa, phẫu thuật gây mê hồi sức khó khăn, nguy cơ tai biến nhiều hơn.

Ngọc Hân