Facebook bị so sánh giống 'Yahoo 3.0’: Đế chế mắc kẹt trong vết xe đổ, có mộng lớn nhưng như ‘trò chơi phù phiếm’, chỉ còn Instagram để vớt vát
Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:20, 25/04/2022
Theo Business Insider, Facebook đang trong giai đoạn nhạy cảm nhất từ trước tới nay khi CEO Mark Zuckerberg đánh cược cả đế chế vào sự thành công bất định của vũ trụ ảo metaverse. Điều này khiến nhiều người nhớ đến Yahoo - kẻ từng được mệnh danh là công ty Internet lớn nhất thế giới.
"Có lẽ là đúng khi so sánh Facebook với Yahoo", một người kỳ cựu trong ngành công nghệ cho biết, đồng thời khẳng định Facebook khó có thể giữ vững ngôi vương thống trị như nhiều năm trước.
Yahoo là công cụ tìm kiếm nổi lên vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000. Tuy nhiên, phản ứng chậm chạp trước sự thay đổi của quảng cáo kỹ thuật số và sự xuất hiện của Web 2.0 khiến Yahoo nhanh chóng bị “xóa sổ’’. Người dùng giờ đây cũng chẳng ai nhắc đến nó nữa. Thay vào đó, Facebook trở thành tâm điểm. Tâm điểm vì là mạng xã hội lớn nhất thế giới, vì là đế chế nhiều tai tiếng nhất nhì Thung lũng Silicon.
Những thách thức mới từ đối thủ, các công ty khởi nghiệp và công nghệ Web 3.0 khiến Mark Zuckerberg vội hướng Facebook sang metaverse - một thế giới ảo với đầy đủ các trải nghiệm như đời thực, nơi người dùng có thể mua bất kỳ hàng hóa kỹ thuật số nào mà họ muốn.
Meta
Dù tiềm năng, song đối với đa số nội bộ Meta, họ đều lo màn đặt cược này sẽ chẳng đi đến đâu cả, và rằng Zuckerberg vẫn sẽ mãi luẩn quẩn trong vòng xoáy tai tiếng. Cuộc phỏng vấn với 10 nhân viên Meta cho thấy ai nấy đều cảm thấy bối rối khi Facebook đổi tên thành Meta hồi tháng 10, dù sau đó phía tập đoàn này đã tạo ra một nhóm nội bộ cấp cao riêng để “truyền bá” tư tưởng metaverse.
Theo giới chuyên gia, một loạt thay đổi trên cho thấy Meta đang rất hào hứng bước sang một trang mới nơi hình ảnh ít bị "hoen ố" hơn sau khi hướng trọng tâm vào đội ngũ nhân viên và người dùng. Bản thân Mark Zuckerberg cũng đang tỏ ra háo hức khi tạm gác lại những rắc rối hiện tại và bổ nhiệm Nick Clegg, cựu chủ tịch các vấn đề toàn cầu và truyền thông của Meta, trở thành chủ tịch chuyên trách mảng vấn đề toàn cầu. Tiếc rằng, những thay đổi được cho là “tích cực” này làm không làm thỏa mãn nội bộ nhân viên Meta.
Nội bộ lục đục
Sự “xoay trục” của Zuckerberg được kỳ vọng có thể khiến Meta trở thành nhà cung cấp phần cứng và hệ điều hành chính thức cho metaverse, song cho đến hiện tại, đây vẫn chỉ là viễn cảnh xa vời không tầm với. Công ty đã mất 10 tỷ USD khi đầu tư vào metaverse hồi năm 2021 và đây là số tiền quá lớn, ngay cả với gã khổng lồ Meta.
Bà Frances Haugen, một cựu nhân viên Facebook đã đâm đơn kiện
Hiện tại, metaverse về cơ bản vẫn đang “trống rỗng’’ và chưa có gì chắc chắn. Mark Zuckerberg lúc này “bao biện” rằng metaverse là một chiến lược dài hạn và sẽ không thể phát triển đầy đủ chỉ trong một thập kỷ.
"Facebook có lòng dũng cảm, vốn liếng và khả năng để trở thành một người chơi lớn trong cuộc đua công nghệ. Công ty này không được phép sai sót", một chuyên gia cùng ngành cho biết.
Dẫu vậy, những người trong cuộc và giới đầu tư vẫn lo lắng về thách thức hiện tại của Meta, nhất là sự cạnh tranh từ TikTok. Ngoài ra, những thay đổi về quyền riêng tư trên Internet cũng đòi hỏi Meta phải xây dựng lại toàn bộ cơ sở hạ tầng quảng cáo.
"Chúng tôi đang trải qua một giai đoạn khó khăn và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức", đại diện Meta nói. "Nhiều người cảm thấy thích thú, nhưng cũng nhiều người đặt ra câu hỏi hoài nghi’’.
Bằng chứng là trong một cuộc khảo sát mới đây với đội ngũ nhân viên Meta, rất ít người vui vẻ khi trả lời những câu hỏi về lãnh đạo, ý định ở lại công ty hay niềm tự hào khi được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp. Đa số đều có những bất bình riêng.
Hồi đầu tháng này, ít nhất 4 thành viên nổi bật trong bộ phận Meta A.I đã làm đơn xin nghỉ việc, trong đó có cả những chuyên gia từng giúp Facebook và Instagram làm nên nhiều đột phá.
“Văn phòng của Meta tại London đã ‘sập’ khi phần lớn những nhà nghiên cứu hàng đầu của họ rời đi trong 6 tuần vừa qua”, Karl Hermann, doanh nhân trong lĩnh vực A.I cho biết.
Không có gì chắc chắn rằng Meta sẽ thành công ở lĩnh vực metaverse
“Không có gì chắc chắn rằng Meta sẽ thành công ở lĩnh vực metaverse’’, Ygal Arounian, Giám đốc điều hành tại Wedbush Securities cho biết. "Trước đây Meta từng thống trị thị trường song điều đó khó có thể tồn tại mãi’’.
Theo Business Insider, hầu hết hơn 70.000 nhân viên của Meta đều quen làm việc trên các nền tảng như mạng xã hội Facebook, Instagram và WhatsApp. Metaverse theo đó là một thứ gì đó khá xa vời.
"Mọi người không biết họ thực sự phải làm gì vì công ty vẫn chưa có chiến lược chặt chẽ", một nhân viên nói. "Về cơ bản, điều này sẽ tạo ra sự vô tổ chức và lo lắng trong nội bộ".
Facebook - một "Yahoo thứ hai"?
Sự lo lắng dành cho Facebook lên tới đỉnh điểm vào tháng 2, khi mạng xã hội lớn nhất hành tinh lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm về số lượng người dùng. Nhiều người hoài nghi rằng đây chính là khởi đầu đen tối khiến Facebook từng bước quay về thời kỳ “đồ đá’’ và lâm vào chung cảnh ngộ với Yahoo.
"Tất cả những điều này khiến Meta có vẻ giống như Yahoo, sau khi TikTok vượt mặt mạng xã hội Facebook. Đây chính là điều đọng lại trong nhà đầu tư. Vấn đề này khá lớn đấy", Keith Hwang, Giám đốc đầu tư của Selcouth Capital Management nói.
"Nói một cách đơn giản, thị trường đang đặt câu hỏi liệu Meta có phải một Yahoo! 3.0 hay không", Mark Mahaney, chuyên gia phân tích Internet hàng đầu tại Evercore cho biết.
Facebook liệu có phải một Yahoo! thứ hai?
Khả năng Facebook đi theo vết xe đổ của Yahoo theo đó trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi. Họ nói Facebook giống Yahoo ở chỗ sẵn sàng rời bỏ nhân tài cấp cao và thiếu khả năng duy trì mối quan hệ với các đối tác, chẳng hạn như Apple và Google. Được biết, Apple từ lâu đã “thâm thù’’ Facebook, thậm chí còn cấm mạng xã hội này cập nhật ứng dụng 2 tuần 1 lần trên IOS.
"Chúng tôi cập nhật iOS mỗi năm một lần. Tại sao Facebook cần cập nhật ứng dụng của mình nhiều như vậy?", đại diện Apple cho biết.
Ngoài ra, theo một cựu nhân viên Meta, cách công ty chiêu mộ nhân tài cho các dự án Web 3.0 như tiền số và NFT trông chẳng khác gì một "trò chơi phù phiếm". Điều này khiến nội bộ cảm giác công ty đã không còn ở thời kỳ đỉnh cao.
"Giá trị thực duy nhất giờ chỉ nằm ở Instagram. Họ đang đi theo con đường mà Yahoo đã đi", nhân viên này nói.
"Bình mới rượu cũ"
Mark Zuckerberg đang đổ rất nhiều tiền vào metaverse, song thực tế, “trái ngọt vẫn chưa ra quả’’. Tình cảnh này của Facebook không phải là mới. Amazon, Disney, IBM và Microsoft đều đạt được nhiều thành tựu sau nhiều năm, nhưng cũng ít ai có thể làm nên những bước ngoặt ngoạn mục.
Đấy là nhìn theo hướng tích cực, còn xét trên phương diện tiêu cực, Meta cuối cùng vẫn chỉ là “chiếc bình mới” đựng “lượng rượu cũ”.
Theo CNN, bất chấp mọi nỗ lực của Zuckerberg khi thay "áo mới" cho Meta, hãng công nghệ khổng lồ này vẫn phải vật lộn với hàng loạt các vấn đề cũ trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa.
Mark Zuckerberg nỗ lực "thay áo" cho Meta
Cụ thể, mảng kinh doanh quảng cốt lõi của Meta đang đối mặt với mối đe dọa ngày càng lớn sau khi Google công bố đề xuất hạn chế theo dõi người dùng thông qua các ứng dụng trên thiết bị Android. Google cho biết điều này sẽ giúp "hạn chế rủi ro chia sẻ dữ liệu người dùng với bên thứ ba và hoạt động mà không có số nhận dạng ứng dụng chéo, bao gồm cả ID quảng cáo".
Ngoài ra, Facebook còn đang gặp rắc rối với một số đơn kiện của các cựu nhân viên, trong đó có bà Frances Haugen, liên quan đến cách thức xử lý thông tin sai lệch.
"Sau cùng, Mark Zuckerberg có thể chạy, nhưng không thể thoát khỏi áp lực pháp lý", Katie Harbath, một cựu nhân viên Facebook, nói về việc Mark Zuckerberg bổ nhiệm Clegg.
"Phố Wall và cộng đồng đầu tư đã theo kịp một thực tế rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của Facebook không còn tăng trưởng nữa, thậm chí có thể suy giảm vào một thời điểm nào đó", Gil Luria, chiến lược gia công nghệ tại công ty đầu tư D.A. Davidson cho biết.
Và nếu đúng là như vậy, cái kết buồn cho một đế chế tỷ đô có thể sẽ trở thành hiện thực, trong sự tiếc nuối của những người từng dành cả “thanh xuân” đọc tin tức và kết nối bạn bè trên trang mạng lớn nhất hành tinh.
(Theo Nhịp sống Kinh tế)