Phương Tây cung cấp vũ khí gì cho Ukraine

Đối ngoại - Ngày đăng : 20:35, 24/04/2022

Thời gian qua, các nước phương Tây liên tục tung ra các gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm các loại vũ khí tấn công tối tân, giúp Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ.
Các quân nhân Ukraine nghiên cứu cách sử dụng súng chống tăng Carl-Gustaf M4 do Thụy Điển sản xuất. (Nguồn: AP)
Các quân nhân Ukraine nghiên cứu cách sử dụng súng chống tăng Carl-Gustaf M4 do Thụy Điển sản xuất. (Nguồn: AP)

Xuyên suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine, các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi sự giúp đỡ từ các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và các nước thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Có những lời kêu gọi thất bại, nhưng cũng có những lời kêu gọi đã được đáp ứng. Một trong số đó là kêu gọi hỗ trợ vũ khí.

Yêu cầu của Ukraine rất rõ ràng, họ cần vũ khí “to hơn, mạnh hơn”, vận chuyển liên tục với số lượng càng nhiều càng tốt. Tại phiên họp với ngoại trưởng các nước NATO, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói: “Chương trình nghị sự của tôi đơn giản chỉ gồm ba mục: vũ khí, vũ khí và vũ khí. Tôi kêu gọi các nước đồng minh gạt do dự sang một bên và cung cấp cho Ukraine những thứ chúng tôi cần”.

Từ vũ khí hạng nhẹ...

Thời gian đầu, phương Tây khá dè dặt khi chỉ hỗ trợ cho Ukraine đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm và áo khoác chống đạn. Các nước NATO lo ngại vũ khí hạng nặng họ chuyển cho Ukraine có thể thành mục tiêu của quân đội Nga, lực lượng Ukraine không có thời gian tập luyện để sử dụng hiệu quả, hoặc việc giao vũ khí hiện đại làm căng thẳng giữa NATO và Nga trở thành một cuộc đối đầu.

Những tuần đầu của cuộc xung đột, họ chủ yếu tập trung cung cấp vũ khí mà các lực lượng Ukraine đã biết cách sử dụng hoặc có thể được triển khai với sự huấn luyện tối thiểu. Đó là những loại vũ khí cơ bản, thường được cấp cho các binh sĩ trên chiến trường như súng ngắn, súng trường và súng máy. Phần lớn các loại súng trường mà lực lượng bộ binh Ukraine sử dụng là AK-47 hoặc các phiên bản cải tiến của hãng súng Kalashnikov.

Có thông tin cho rằng Bồ Đào Nha chuyển giao một lượng lớn súng trường G3 - loại súng trường chiến đấu sử dụng đạn 7.62×51mm NATO, do nhà sản xuất vũ khí Heckler & Koch của Đức chế tạo vào những năm 1950. Tuy vậy, khẩu súng này không tương thích với loại đạn 7,62 x 39 và 5,45mm dùng cho AK, vì thể việc sử dụng nó tại Ukraine vẫn là một câu hỏi lớn.

Những khẩu súng chống tăng hạng nhẹ như M72 LAW, NLAW hay hiện đại hơn nữa là tên lửa chống tăng tầm trung Javelin cũng có thể được các lực lượng trên bộ của Ukraine học sử dụng dễ dàng bằng cách xem qua một video hướng dẫn ngắn.

Tên lửa Javelin có tuổi đời 30 năm, được Mỹ chế tạo để đối phó với các loại thiết giáp của Liên Xô, và bây giờ là Nga. Javelin có tầm bắn hiệu quả từ 75 đến 2.500m, tầm bắn tối đa đạt 4.750m. Đầu đạn của Javelin, dù không phải là đầu đạn tên lửa chống tăng mạnh nhất hiện có, nhưng đủ để tiêu diệt xe tăng ở chế độ tấn công hàng đầu. Nó có thể xuyên thủng lớp giáp xe tăng dày 800mm.

... tới vũ khí hiện đại hơn

Giờ đây, khi tình hình thay đổi và chiến sự nhiều khả năng sẽ kéo dài, NATO đã bắt đầu công bố việc chuyển cho Ukraine các vũ khí có tính sát thương, độ chính xác, tầm tấn công xa hơn. Một trong những lý do là, khi tình hình chiến sự kéo dài, các lực lượng Ukraine sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu những loại vũ khí mới để có thể sử dụng trong thực chiến.

Các gói hỗ trợ mới của phương Tây đã bao gồm cả máy bay không người lái có thể tiêu diệt xe tăng và pháo của Nga cách xa 80 km, vũ khí chống tăng, đến cả máy bay trực thăng và xe tăng. Tổng giá trị những gói hỗ trợ này lên tới hàng tỷ USD.

Đơn cử, trong chuyến đi bất ngờ đến Kiev ngày 9/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky và tuyên bố sẽ cung cấp 120 phương tiện bọc thép dùng để chở quân Mastiffs, cùng với các tên lửa chống hạm hỗ trợ Ukraine ở Biển Đen.

Tuần qua, Mỹ cũng công bố viện trợ Ukraine các lô vũ khí, đạn dược, và các hỗ trợ an ninh khác với tổng trị giá 800 triệu USD để giúp Kiev gia tăng khả năng tự vệ. Lô vũ khí lần này, ngoài những vũ khí hạng nhẹ còn có các vũ khí hạng nặng như pháo, đạn pháo, xe bọc thép chở quân M113, máy bay trực thăng Mi-17, thiết giáp “hùm xám” Humvee.

Ngoài ra, trong “chuyến hàng”, Nhà Trắng cho biết sẽ cung cấp 100 máy bay không người lái (UAV) Switchblade, có thể bay khoảng 10km và bay vòng quanh mục tiêu trong 15 phút. Switchblade trang bị các camera cảm biến, hệ thống dẫn đường và thuốc nổ. Loại UAV này có thể được điều khiển bay lượn quanh chiến trường, trước khi sà xuống tiêu diệt mục tiêu đối phương trên mặt đất theo kiểu cảm tử.

Những chiếc UAV hứa hẹn giúp ích rất nhiều cho lực lượng Ukraine, bởi trước đó, quân đội nước này đã sử dụng khá thành công Bayraktar TB2 UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Sức hấp dẫn của chiếc UAV nằm ở chi phí rẻ nhưng đem lại lợi ích, hiệu quả bất ngờ. Với mức giá ước tính khoảng 1 triệu USD, những chiếc máy bay này có tầm bắn khoảng 150km, bay ở độ cao 7.620m và có thể mang bốn tên lửa dẫn đường bằng laser.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, thậm chí đã liệt kê ra một danh sách dài hơn, gồm cả lá chắn phòng không, máy bay chiến đấu, pháo tầm xa để ngăn lực lượng Nga áp sát, xe tăng và thiết giáp đủ để xuyên thủng lớp phòng vệ của Moscow, tên lửa chống hạm để phá thế kiểm soát của Nga ở Biển Đen.

Tuy nhiên, yêu cầu của Ukraine không phải dễ thực hiện. Các nước phương Tây vẫn còn khá dè dặt và tính toán kỹ về việc liệu có nên chuyển giao cho Kiev máy bay chiến đấu hay không.

Trước đó, Ba Lan đề xuất chuyển giao tất cả số máy bay MiG-29 cho Ukraine, thông qua một căn cứ không quân của Mỹ ở Đức. Nhưng kế hoạch này đã bị Washington ngăn lại và Mỹ mới chỉ dừng lại ở việc cam kết cung cấp cho Ukraine 11 chiếc máy bay trực thăng Mi-17 do Nga sản xuất. Mặc dù chúng không nhanh nhẹn như máy bay chiến đấu, nhưng một số biến thể của Mi-17 có thể được trang bị tên lửa chống tăng và các loại vũ khí khác để tấn công các lực lượng trên bộ và trên không của Nga.

Cộng hòa Czech mới đây đã bất ngờ cung cấp gần hai chục xe tăng biến thể T-72M từ thời Liên Xô đã được nâng cấp. Nỗ lực này đánh dấu lần đầu tiên có một nước cung cấp xe tăng cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự nhằm vào nước láng giềng hôm 24/2.

Nhiều phiên bản khác nhau của T-72 đã được sản xuất trong nhiều thập kỷ và các thông số kỹ thuật vỏ giáp của nó thay đổi đáng kể.

Cuối những năm 1980, T-72 của Liên Xô được trang bị giáp phản ứng nổ. Sau năm 1985, tất cả những chiếc T-72 mới được sản xuất đều có giáp phản ứng tiêu chuẩn, động cơ V-84 công suất 840 mã lực, pháo chính được nâng cấp, có thể bắn tên lửa chống tăng có điều khiển.

Với những phát triển này, T-72 mạnh ngang ngửa với dòng tăng T-80 đắt tiền hơn.

Về phần mình, Nga đã liên tục phản đối các nước phương Tây chuyển vũ khí tới Ukraine, và nêu ra lo ngại rằng việc này sẽ tạo ra những vấn đề an ninh mới tại khu vực.

Mặt khác, Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng, họ coi những chuyến vũ khí gửi từ NATO tới Ukraine là “mục tiêu hợp lệ” cho các hành động quân sự và điều này có nguy cơ đẩy Nga và NATO vào xung đột trực tiếp.

Tuần qua, Nga thông báo đã phá hủy bốn bệ phóng thuộc hệ thống phòng không S-300 mà một quốc gia châu Âu chuyển cho Ukraine.

Quang Đào