Thanh Thủy tái ngộ trong những suất diễn cuối cùng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh
Văn hoá - Giải trí - Ngày đăng : 15:14, 24/04/2022
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, từ sau tháng 7, sẽ chính thức chia tay hình thức vận hành biểu diễn cũ. Sân khấu sẽ không còn sáng đèn thường xuyên hàng tuần nữa. Mà thu gọn lại, chỉ diễn kịch theo mùa.
Diễn kịch theo mùa
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ chuyển đổi hoạt động từ hình thức biểu diễn luân phiên nhiều vở diễn sang biểu diễn theo mùa, tức sân khấu chỉ xếp diễn 1 đến 2 vở diễn mới và diễn trong một khoảng thời gian ngắn (từ 3 đến 5 tháng) rồi khép hẳn, sau đó sẽ công diễn tiếp vở diễn mới. Điều này đồng nghĩa với việc những vở diễn hiện tại sẽ ngưng lại hoàn toàn.
Khép lại hành trình 12 năm dài ấy, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã chọn lọc 10 vở kịch được yêu thích nhất của sân khấu này để tái diễn liên tục từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 7/2022. Đó là những vở như Nửa đời ngơ ngác, Tình yêu trời đánh, Sông dài, Nửa đời hương phấn, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Bông hồng cài áo…
10 vở diễn này, có vở sẽ diễn 1, có vở sẽ diễn 2 suất, diễn liên tục thành 18 suất trong suốt 9 tuần như một cách chào tạm biệt khán giả. Sau đó Hoàng Thái Thanh sẽ tạm ngưng diễn một thời gian. Sân khấu kịch này sẽ tái ngộ khán giả vào một thời gian được tính bằng mùa. Thường thì, Hoàng Thái Thanh hay trình làng vở mới vào dịp tết mà tầm mùa thu hàng năm, thì nay cũng sẽ vậy, chỉ sáng đèn trong 2 mùa này.
Dịp này, nghệ sĩ Thanh Thủy cũng chính thức tái ngộ khán giả sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh nói riêng và sân khấu kịch TPHCM nói chung. Bởi quá lâu rồi bận bịu với các công việc liên quan đến làm phim, chương trình truyền hình, chị không còn diễn thường xuyên trên sàn gỗ nữa. Thanh Thủy sẽ tái xuất trong các vở diễn 29 anh về, Hãy khóc đi em. Đây là các vở kịch mà Thanh Thủy đã tạo dấu ấn trong thời gian chị cộng tác cùng sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh từ những năm đầu thành lập.
Thà làm hiệp sĩ một lần nữa
Đây không phải là lần đầu tiên các nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội cùng trăn trở tìm lối ra cho sân khấu mình. Ái Như, tâm sự, chị và các cộng sự của mình rất đắn đo khi phải thay đổi như thế này. Nhưng quả thật không còn cách nào khác để Hoàng Thái Thanh có thể tồn tại giữa bao bộn bề khó khăn mà sân khấu kịch Sài Gòn nói chung, Hoàng Thái Thanh nói riêng đang phải đối mặt bao nhiêu năm qua.
Ái Như chia sẻ, chị và các cộng sự mất nhiều tháng ròng trăn trở tìm một hướng đi, một lối thoát cho sân khấu kịch. Hiểu một cách tích cực nhất, thì Hoàng Thái Thanh đang chọn một giải pháp mới nhất để tồn tại, giữa những thực tế đã cũ.
Đó là khán giả của sân khấu kịch ngày một ít dần đi, sau các đợt giãn cách, lại càng mỏng. Có những xuất diễn chỉ bán được vài mươi vé, Hoàng Thái Thanh đành phải xin lỗi khán giả mà trả vé. Những suất diễn vé bán vừa đủ để hòa vốn chi phí sản xuất cũng rất là trầy trật! Đó là thù lao diễn viên và giá vé xem kịch quá sức khiêm tốn, là thiếu kịch bản hay và thiếu luôn nguồn tài chính tốt để có thể đầu tư tìm kiếm kịch bản tốt.
Nghệ sĩ Thành Hội tự trào: “Ngày xưa nghệ sĩ nổi tiếng ký hợp đồng biểu diễn có thể mua nhà, mua xe hơi ngay. Còn ngày nay, chúng tôi, sau bao năm làm sân khấu, số tiền chi ra đó đủ để mua nhà, mua xe được đó!”.
Nghệ sĩ Thành Hội tỏ ra cương quyết với lần thay đổi này của Hoàng Thái Thanh: Anh nói "Sân khấu nay đang lâm nguy nên Hoàng Thái Thanh buộc phải thay đổi để tồn tại. Kế hoạch này có thể sẽ thành công, cũng có thể sẽ thất bại nhưng xin quý vị hiểu cho một điều, chúng tôi đã làm hết sức mình và đã làm bằng cả trái tim bất chấp hậu quả. Nếu chết, thì chúng tôi thà xin làm hiệp sĩ một lần rồi chết cũng đành".
“Không biết chặng đường tới thành công hay thất bại, nhưng ê-kíp chúng tôi đều hy vọng mong muốn có được con đường mới, một chặng bay mới cho đôi cánh chuồn chuồn mỏng manh Hoàng Thái Thanh có thể tiếp tục bay được”, Ái Như tâm sự.