Có khả năng mắc Covid-19 lần 3, 4 không?

Tin Y tế - Ngày đăng : 11:56, 23/04/2022

Nhiều người sau mắc Covid-19 họ tái nhiễm và các lần sau đó cũng có triệu chứng giống hệt như mắc Covid-19 trước đó.

Anh Nguyễn Văn Thinh (Thanh Xuân, Hà Nội) mắc Covid-19 vào đầu tháng 1/2022. Lần mắc thứ nhất anh Thinh chỉ mất vị giác, khứu giác trong 3, 4 hôm là hết. Anh Thinh không có triệu chứng gì khác nhưng sau giai đoạn này thì vị giác lờ lờ rất khó chịu, ăn không còn biết ngon.

Ra Tết, vợ con anh mắc biến chủng Omicron, anh Thinh chủ quan nghĩ mình mắc rồi khó tái nhiễm. Nhưng đến 22/2, anh lại dương tính lần nữa. Triệu chứng đau rát họng, ho, ngứa trong vòm mũi họng rất khó chịu.

Lần hai, sau 10 ngày anh Thinh mới âm tính. Sau mắc Covid-19, anh Thinh vẫn giữ các biện pháp phòng chống dịch bệnh (đeo khẩu trang..). Nhưng cách đây 1 tuần, đi làm về thấy mệt, đau nhức xương khớp, anh Thinh cho rằng mình bị cảm cúm.

Tuy nhiên, sau đó chuyển sang ớn lạnh, sốt rét, đau họng. Kết quả bất ngờ anh xét nghiệm dịch mũi thấy lên hai vạch một vạch đậm và 1 vạch nhạt. Ba ngày sau, anh Thinh làm xét nghiệm lại thì chỉ còn 1 vạch, anh cho rằng mình đã nhiễm Covid-19 tới 3 lần.

Không riêng anh Thinh, bản thân chị Trần Thị Th. (sinh năm 1986, Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng chị mắc Covid-19 nhiều lần. Từ lần đầu tiên vào 8/2, sau đó chị thấy mình có nhiều ngày triệu chứng giống hệt như mắc Covid-19 lần đầu. Cảm giác ngạt mũi, đau ngứa cổ họng, người mệt mệt, vài ngày sau chuyển sang ho.

Chị Th. cho rằng mình có đủ triệu chứng của Covid-19 nhưng lại lười không xét nghiệm. Lần thứ hai vào giữa tháng ba, chị thấy ngạt mũi, đau họng và chỉ 2 ngày sau con trai 5 tuổi của chị cũng có triệu chứng Covid-19 như sốt rét rồi chuyển sang sốt nóng, nôn trong gần 2 ngày, có thể lây từ chị Th.

Có khả năng mắc Covid-19 lần 3, 4 không?
Ảnh minh hoạ.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, bản thân ông cũng nhận được nhiều câu hỏi của người dân về các triệu chứng tái nhiễm lần sau, giống như lần đầu nhiễm Covid-19. Có những người còn nói sau mắc Covid-19 lần 1, họ hay gặp các triệu chứng điển hình của Covid-19.

BS Khanh cho rằng khả năng tái mắc Covid-19 hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, khả năng tái nhiễm hay xảy ra ở các biến chủng khác nhau. Người đã mắc biến chủng Delta trước đó có thể mắc biến chủng Omicron. Còn cùng chủng nhưng có các biến thể phụ vẫn có khả năng mắc lại nhưng hiếm hơn.

Người dân không nên lo lắng vì dù có mắc lại nhưng khi đã tiêm đủ vắc xin và kháng thể tự nhiên trong đợt mắc trước thì lần sau bao giờ cũng nhẹ nhàng hơn, ít gây biến chứng hơn.

PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho rằng trên thế giới nhiều quốc gia cũng ghi nhận tình trạng tái nhiễm. Vì vậy, tại Việt Nam xu thế này cũng không tránh khỏi.

PGS Dũng cho rằng một số nước có ca tái nhiễm cao nhưng đều nhẹ. Vì vậy, người dân không nên lo lắng nhưng vẫn không được chủ quan, vẫn tuân thủ khẩu trang và sát khuẩn để phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận những trường hợp bệnh nhân lần trước đã nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.

PGS Dũng cho rằng những người bệnh dù đã mắc Covid-19 và khi xuất hiện triệu chứng giống Covid-19 cần ý thức cách ly để đảm bảo an toàn cho chính mình và những người xung quanh, đặc biệt nhóm người cao tuổi và chưa tiêm vắc xin.

Cần phân biệt rõ tái nhiễm và tái dương tính, BS Khanh cho biết có người xét nghiệm âm tính nhưng 2 tuần sau lại dương tính có thể là tình trạng tái dương tính do người mắc thời gian mang virus SARS-CoV-2 kéo dài.

Một số người có thể mang virus kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này dù xét nghiệm dương tính nhưng đa số không còn khả năng gây lây truyền sau 2 tuần nhiễm virus.

Tái nhiễm Covid-19 là người đã khỏi bệnh, sau đó lại nhiễm lại. Mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số người có thể nồng độ kháng thể bảo vệ sẽ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn.

Khánh Chi