Sốt xuất huyết đang báo động đỏ, dấu hiệu trẻ bị nặng, phải nhập viện ngay

Tin Y tế - Ngày đăng : 11:12, 23/04/2022

Theo các bác sĩ, trẻ mắc sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, ởtriệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến các bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Sở Y tế TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, TP có 4.491 ca sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng. So sánh với năm 2019, có hơn 20.000 ca mắc nhưng chỉ có 38 trường hợp nặng.

Dù mới đầu mùa nhưng TP đã có 2 trường hợp tử vong do nhập viện quá trễ, diễn tiến nặng. Các chuyên gia nhận định, số bệnh nhân có thể nhiều hơn số ca được ghi nhận.

BS.CK2 Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm – COVID-19, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết bệnh viện đang điều trị tích cực cho nhiều bệnh nhi bị sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca chuyển nặng đang sử dụng máy lọc máu.

Vị bác sĩ chia sẻ, bên cạnh 90% các ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi thì 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc các bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu COVID-19.

du-can-mac-covid-2-768x1024.png
Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: BSCC.

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm siêu vi cấp tính trầm trọng do siêu vi Dengue gây ra. Bệnh truyền từ người bệnh sang người lành qua vết đốt của muỗi vằn. Đây là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em nước ta, xảy ra quanh năm, có thể gây dịch lớn ảnh hưởng nặng nề cho người dân và xã hội. Đối tượng mắc bệnh thường gặp là trẻ em trên 1 tuổi.

Thực tế một số trường hợp sốt xuất huyết nặng xảy ra ở nhóm tuổi nhỏ hơn 12 tháng. Bệnh cảnh ở trẻ nhỏ hơn 12 tháng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác và rất khó phát hiện sớm.

Dấu hiệu trẻ sốt xuất huyện nặng, phải nhập viện ngay

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, thông thường, để nhận diện trẻ bị sốt xuất huyết là sẽ sốt cao liên tục từ 3 đến 4 ngày. Nếu thấy trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất là nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu, nhằm có kết quả và kế hoạch điều trị.

Đối với các trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, trẻ sẽ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Lúc này, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng sốt cao co giật. Nên cho các cháu uống nhiều nước như nước cam, chanh, oresol, nước sôi để nguội, vẫn tiếp tục cho bú sữa, cho ăn cháo, bột.

Không nên cạo gió, cắt lễ vì vừa làm đau, vừa có thể gây chảy máu và nhiễm trùng cho trẻ. Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine vì có thể gây chảy máu dạ dày rất nguy hiểm.

Phải theo dõi sát các cháu, không được lơ là mất cảnh giác. Thời điểm nguy hiểm nhất lại là khi trẻ hết sốt, thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh, trẻ có thể trở nặng vào sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không phát hiện kịp thời.

Theo bác sĩ Qui, sốt xuất huyết thường kéo dài trong 7 ngày. Tuy nhiên, triệu chứng sốt trong những ngày đầu dễ khiến các bố mẹ nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm họng, sốt siêu vi hay mắc COVID-19.

Các bác sĩ lưu ý, bố mẹ cần kịp thời đưa con vào bệnh viện và làm theo các dặn dò của bác sĩ, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng, tổn thương các cơ quan.

Bố mẹ không nên chủ quan khi thấy con mình giảm sốt trong ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 5 của bệnh. Dấu hiệu trở nặng của bệnh thường là trẻ ói mửa nhiều, bứt rứt, quấy khóc, bỏ bú, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, ói ra máu, đi tiêu ra máu… Lúc này, gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết thường đốt lúc chạng vạng tối, tức tầm 4 giờ chiều trở đi. Để phòng bệnh, bố mẹ phải thường xuyên vệ sinh nhà cửa, ngừa muỗi đốt tại nơi con ngủ. Báo ngay cho địa phương khi có ca bệnh xuất hiện trong khu vực mình sinh sống. Hành động hiệu quả sẽ giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là ở trẻ em như hiện nay.

Phương Linh