Vợ và nhân tình đầu độc chồng bằng thuốc diệt chuột: Mối tình mù quáng và sự bội bạc của người đàn bà mang tâm hồn “ác quỷ”

Pháp luật - Ngày đăng : 08:47, 23/04/2022

Với hành vi pha thuốc diệt chuột vào sữa cho chồng uống, người vợ và nhân tình có thể bị xử lý về tội “Giết người”.

Công an huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đã bắt giữ đối tượng Lê Thị Xuân (SN 1984, trú tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba) và Lê Đăng Khải (SN 1980, ở xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) để điều tra về hành vi "Giết người".

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Ba nhận được đơn tố giác của gia đình anh Quất Văn B (SN 1985) về việc bị vợ là Lê Thị Xuân đầu độc bằng thuốc diệt chuột.

Bị triệu tập lên cơ quan công an, biết không thể chối tội nên Xuân đã khai nhận, do trong cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, bản thân đối tượng này lại có mối quan hệ tình cảm nam nữ với Lê Đăng Khải nên chúng đã bàn bạc mua thuốc diệt chuột để đầu độc anh B.

Chiều 1/4 và sáng 2/4, Xuân đã 2 lần pha thuốc diệt chuột vào sữa Fami rồi đưa cho anh B uống. Sau khi uống xong ly sữa, anh B có biểu hiện đi vệ sinh ra máu nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu, điều trị.

Ngày 14/4, anh B xuất viện, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chuẩn đoán ngộ độc hóa chất diệt chuột. Bị gia đình chồng tra hỏi, Xuân đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Gia đình anh B đã làm đơn tố cáo với cơ quan công an.

Vợ và nhân tình đầu độc chồng bằng thuốc diệt chuột: Mối tình mù quáng và sự bội bạc của người đàn bà mang tâm hồn ác quỷ”-1
Đối tượng Xuân tại cơ quan công an (ảnh TL)

Luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là hành vi rất đáng lên án, thể hiện sự bội bạc ích kỷ và tàn nhẫn của đối tượng gây án. Điều đáng chú ý, trong vụ án này Xuân có sự giúp sức của nhân tình. Các đối tượng phải biết rõ đây là loại thuốc độc nhưng vẫn cố tình pha vào sữa cho anh B uống nên đây là hành vi giết người.

Việc nạn nhân may mắn thoát chết do được cấp cứu kịp thời nhưng chúng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là "có tính chất côn đồ" được quy định tại điểm n (khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015).

Theo đó, "Giết người có tính chất côn đồ" là trường hợp giết người vô cớ hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người. Nó thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác và những quy tắc trong cuộc sống.

Ngoài ra, với hành vi hai lần pha thuốc diệt chuột cho chồng uống, các đối tượng sẽ có thể phải chịu thêm tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm e (khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự) là "Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng".

Vợ và nhân tình đầu độc chồng bằng thuốc diệt chuột: Mối tình mù quáng và sự bội bạc của người đàn bà mang tâm hồn ác quỷ”-2
Đối tượng Khải bị bắt giữ tại cơ quan công an

Theo luật sư Long, dù nạn nhân không chết nhưng hành vi giết người của các đối tượng được cấu thành tội phạm kể từ thời điểm Xuân và người tình hòa thuốc diệt chuột vào sữa để đưa cho anh B sử dụng. Do nạn nhân đã được cứu sống nên Xuân và người tình sẽ được áp dụng tình tiết là phạm tội chưa đạt theo quy định tại Điều 15 và Điều 57 của Bộ luật Hình sự 2015 và hình phạt không quá 20 năm tù.

"Trong số các quyền nhân thân, quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Vì vậy, người xâm phạm tới quyền này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, hành vi của Xuân và nhân tình sẽ bị các cơ quan tố tụng địa phương xử lý về tội "Giết người" là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Dù chế tài của pháp luật như thế nào chăng nữa thì trước tiên việc người vợ cùng nhân tình nhẫn tâm hạ độc người chồng sẽ bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ và sắp tới sẽ phải đối mặt với mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Bên cạnh chịu sự phán xét của pháp luật, một bản án lương tâm sẽ theo người vợ ấy suốt quãng đời còn lại", luật sư Long chia sẻ.

Điều 15. Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.
Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
....................
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.