Bé gái dậy thì sớm trước 8 tuổi có thể gặp 3 chấn thương lớn và có khoảng cách xa so với sự phát triển bình thường của trẻ
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 12:31, 22/04/2022
Dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường, ở bé gái là trước 8 tuổi, có kinh trước 9 tuổi còn ở bé trai là trước 9 tuổi. Dậy thì sớm ở bé gái có biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt.
So với trước đây, ngày càng có nhiều trẻ em bị "dậy thì sớm", vậy nguyên nhân nào gây ra tình trạng này?
Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm ở trẻ hiện nay không có nguyên nhân cụ thể mà chỉ đơn thuần là sự trưởng thành trước thời hạn. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây ra biến đổi này như: Do thuốc, do nguyên nhân huyết thống, do lượng estrogen đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều (qua thực phẩm, đồ nhựa,...) hoặc do trẻ mắc bệnh u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh tuyến giáp.
Trẻ bị dậy thì sớm liệu có ảnh hưởng gì tới sức khỏe và sự phát triển sau này?
Con gái của bạn tôi tên Châu (nhân vật ở Trung Quốc), năm nay 10 tuổi. Trước đây, Châu được thầy cô khen ngợi vì thành tích học tập luôn rất tốt nhưng từ khi bước vào năm học mới, các giáo viên lại phản ánh rằng Châu không tập trung nghe giảng và mắc quá nhiều lỗi trong bài tập.
Hàng loạt hành vi bất thường của Châu khiến bạn tôi ngạc nhiên và không khỏi tò mò, cô ấy liên tục hỏi Châu chuyện gì đã xảy ra? Sau nhiều lần gặng hỏi thì cô bé đã miễn cưỡng nói ra, nhưng tâm trạng vẫn rất bất ổn, chuyện học hành không có chuyển biến, thậm chí cô bé còn không muốn đi học.
Người bạn và con gái đã trò chuyện với nhau rất lâu, cuối cùng cũng mở lòng được cho đứa trẻ. Hóa ra, Châu đã xuất hiện kinh nguyệt, vì ở lớp lại chưa có sự chuẩn bị về tâm lý nên cô bé vô tình bị các bạn học nữ khác nhìn thấy. Sau đó cả lớp đều biết chuyện và cười nhạo, chắc cô bé là người đầu tiên bị trong lớp nên cả lớp mới không hiểu và có hành vi như vậy. Điều này khiến Châu cảm thấy rất xấu hổ, cô bé nghĩ mình không giống như các bạn nên càng trở nên tự ti hơn.
Nhìn thấy con gái như vậy, bạn tôi rất buồn lòng, cô ấy quyết định sẽ đến trao đổi với cô giáo rồi đưa Châu đến gặp bác sĩ tâm lý. Khi biết chuyện, cô giáo đã sắp xếp một buổi họp lớp để phổ biến kiến thức về giới tính cho bọn trẻ, giúp các bé có sự hiểu biết hơn về vấn đề khó nói ở tuổi dậy thì. Đồng thời, sau vài lần tư vấn, Châu từ từ thoát ra khỏi ám ảnh tâm lý và vui vẻ hơn. Cũng may mẹ Châu phát hiện ra những bất thường của con gái kịp thời nên đã có những giải pháp thiết thực giúp cô bé thoát ra khỏi những bóng ma tâm lý và trở lại với cuộc sống đời thường. Vì vậy, cha mẹ hãy luôn sát sao và dành nhiều thời gian quan tâm đến trẻ nhiều hơn, để có thể dễ dàng phát hiện những bất thường ở trẻ và xử lý kịp thời.
Dưới đây là những vấn đề tâm lý mà trẻ có thể gặp phải khi dậy thì quá sớm, bố mẹ hãy lưu tâm để có giải pháp can thiệp kịp thời:
Thông thường, khi bé gái dậy thì sớm trước 8 tuổi, có thể có 3 tổn thương lớn và tạo ra khoảng cách quá lớn so với trẻ phát triển bình thường
Thứ nhất: Trong hoàn cảnh bình thường, việc trẻ em gái dậy thì sớm, một trong những tác động quan trọng nhất đối với trẻ là tác động tâm lý, đây cũng là tác động tương đối phổ biến và thường gặp. Vì thông thường trẻ trước 8 tuổi sức chịu đựng tâm lý còn yếu, khả năng chống stress còn hạn chế, tâm lý chưa trưởng thành hoàn toàn nên việc có kinh nguyệt hàng tháng,… sẽ khiến trẻ cảm thấy rất bất an, nhất là khi thấy các bạn khác không có mà mình lại có những thứ này, trẻ sẽ càng lo lắng hơn.
Mặt khác, những trẻ phát triển sớm này cũng có thể gặp phải sự chế giễu, bàn tán từ những đứa trẻ khác cùng lứa tuổi, điều này cũng khiến trẻ trở nên nhạy cảm hơn, một số còn cảm thấy mặc cảm và có gánh nặng tâm lý nặng nề. Lâu ngày, trẻ có thể bị trầm cảm, không muốn giao tiếp với người khác, thậm chí có thể tự kỷ, ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống bình thường. Trước tình hình đó, cha mẹ phải kịp thời quan sát, tích cực hướng dẫn con, khi cần thiết nên đưa con đến gặp bác sĩ tâm lý, giúp con thoát khỏi những khó khăn nội tâm thông qua tư vấn và điều trị.
Thứ hai: Việc trẻ dậy thì sớm sớm cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Ở trẻ dậy thì sớm, tuổi xương tăng nhanh hơn so với tuổi thực, thời gian tăng trưởng rút ngắn lại. Hormone sinh dục kích thích sự phát triển xương sớm, các đầu xương đóng sớm khiến trẻ không phát triển chiều cao được nữa, vì thế sẽ khiến chiều cao của trẻ sau này sẽ thấp hơn so với các bạn cùng tuổi. Quan trọng hơn, các bậc cha mẹ thường không kịp thời quan tâm đến việc trẻ dậy thì sớm nên lơ là trong việc bổ sung dinh dưỡng và các mặt khác, khiến trẻ khó phát triển trong giai đoạn phát triển chiều cao quan trọng, mà càng có hại cho trẻ.
Cuối cùng: Trẻ dậy thì sớm cũng có thể bị các khối u, hoặc các bệnh khác, thậm chí có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của các bé gái. Mặc dù tác động của khía cạnh này có thể là tương đối nhỏ, nhưng nó vẫn cần được chú ý. Vì vậy, cha mẹ sau khi phát hiện con dậy thì sớm phải đưa con đi khám kịp thời thì sức khỏe của trẻ mới không bị ảnh hưởng, ngược lại nếu bỏ sót thời điểm chẩn đoán và điều trị tốt nhất thì sẽ mang lại tác hại lớn hơn cho đứa trẻ.
Kết luận: Dậy thì sớm ở trẻ đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm. Trong một số ít trường hợp, dậy thì sớm có thể là biểu hiện của những bệnh lý nguy hiểm như u nang buồng trứng, u não, các bệnh tuyến giáp,... Vì vậy, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về tình trạng này để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.
Theo An Nhiên- Vietnamnet