Ứng viên Pháp dưới lăng kính truyền thông quốc tế
Đối ngoại - Ngày đăng : 23:40, 21/04/2022
Bầu cử tổng thống Pháp: Tổng thống Macron dẫn trước đối thủ, bà Le Pen tuyên bố sẽ đoàn kết đất nước nếu được bầu. (Nguồn: FT) |
Sau khi kết quả bầu cử vòng đầu cho thấy Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron và Chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia (RN) Marine Le Pen sẽ đối đầu ở vòng hai, báo chí nước ngoài tại Pháp đã liên tục cảnh báo về hệ quả với thế giới một khi phe cực hữu chiến thắng, song cũng chỉ trích ông chủ Điện Elysees vì đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy này.
Báo Libération (Pháp) ngày 19/4 tổng hợp một số ý kiến đáng chú ý.
Trước hết, giới truyền thông quốc tế tại Pháp tỏ ra quan ngại về trật tự thế giới mà một nhiệm kỳ Tổng thống của bà Le Pen có thể mang lại.
Ông Roger Cohen, trưởng cơ quan thường trú của tờ New York Times (Mỹ) nói “những hậu quả không thể lường trước và gây xáo trộn” cho cả cộng đồng quốc tế nếu bà Le Pen đắc cử.
Khi đó, Pháp có thể sẽ rút khỏi khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và làm đảo lộn liên minh quân sự lịch sử này: “Bà Marine Le Pen đang thể hiện một quan điểm khiến người ta nhớ đến nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Quan điểm của bà dường như sẽ đe dọa trực tiếp đến nỗ lực của NATO trong việc vũ trang cho Ukraine và trừng phạt Nga".
Tương tự, cựu Đại sứ Anh tại Pháp Peter Ricketts cho rằng kế hoạch của bà Marine Le Pen, vốn được lấy cảm hứng từ Thủ tướng Hungary Viktor Orbán, có thể cô lập Pháp trên trường quốc tế, rời xa các đối tác truyền thống và xích lại gần hơn với Nga: “Theo những gì bà Le Pen đã đề xuất, nước Pháp-dưới sự lãnh đạo của bà-sẽ trở thành một đồng minh rất nguy hiểm đối với Anh bởi bà có kế hoạch rời bỏ bộ chỉ huy quân sự của NATO, đàm phán lại liên minh với Mỹ, trở nên dân tộc chủ nghĩa hơn trong việc mua sắm trang thiết bị quốc phòng, theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược với Nga trong mọi lĩnh vực”.
Ông cũng bác bỏ quan điểm rằng một nước Pháp theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chủ quyền của bà Marine Le Pen sẽ trở thành một đồng minh tự nhiên của láng giềng Anh thời hậu Brexit dưới chính phủ Thủ tướng Boris Johnson.
Phóng viên Sean O'Grady của tờ The Independent (Anh) nhận định nhiệm kỳ năm năm của bà Le Pen sẽ là “mối đe dọa chết người đối với sự ổn định của lục địa già và các giá trị tự do của phương Tây”.
Đặc biệt, giới truyền thông quốc tế cho rằng Pháp đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Chiến dịch tranh cử của ông Macron chưa thể xoa dịu làn sóng chống lại nhà lãnh đạo này.
Tuần báo Die Zeit (Đức) đăng tải những lời chỉ trích và liệt kê các biện pháp thiên hữu mà ông Macron đã thực hiện trong suốt năm năm qua như quan ngại của ông Macron dòng người di cư bất thường tới châu Âu ngay khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan tháng 8/2021. Nhật báo Le Temps (Thụy Sỹ) cho rằng “thách thức trong vòng hai chính là sự rạn nứt của nước Pháp.”
Tờ Hospodarske Noviny (Czech) lại nói về hình ảnh “sứt mẻ” của ông Macron khi chưa thể giải quyết triệt để các quan tâm của cử tri Pháp, đồng thời đánh giá cao bà Le Pen khi đã “biết cách xây dựng chiến dịch vận động của mình dựa trên mối quan tâm kinh tế của cử tri.
Tương tự, tờ New York Times nhận định: “Nhà lãnh đạo cực hữu đã xuất hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bà không ngừng tập trung vào những khó khăn kinh tế của các cử tri bình dân”.
Khi đó, người chiến thắng vòng hai bầu cử cuộc Tổng thống Pháp, dù là ông Macron hay bà Le Pen, sẽ còn nhiều việc phải làm để khôi phục lòng tin của cử tri và cộng đồng quốc tế.