Bỏ cộng điểm ưu tiên: Thí sinh tự do hụt hẫng, chuyên gia phản đối
Xã hội - Ngày đăng : 11:32, 21/04/2022
Nam sinh Trần Phạm Hoàng Bách (Sơn La) hiện đang là sinh viên năm nhất một đại học ở Hà Nội. Cách đây 1 năm, Bách từng trượt Đại học Dược Hà Nội vì thiếu 0,25 điểm. Do đó, năm nay cậu quyết tâm ôn tập và đăng ký thi lại tốt nghiệp THPT để lấy điểm xét tuyển vào trường đại học mong muốn.
Tuy nhiên, khi xem dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022, nam sinh thất vọng vì sẽ không được cộng 0,75 điểm ưu tiên cho khu vực 1.
Theo dự thảo do Bộ GD&ĐT công bố, mức điểm cộng ưu tiên khu vực vẫn giữ nguyên: thí sinh khu vực 1 được cộng 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn 0,5; khu vực 2 là 0,25. Tuy nhiên, dự thảo quy định chỉ cộng điểm ưu tiên khu vực với thí sinh tốt nghiệp THPT năm nay.
Đồng nghĩa những thí sinh tốt nghiệp từ các năm trước (thí sinh tự do) như Bách khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được cộng điểm ưu tiên. Quy định cũ cho phép cộng điểm với cả những thí sinh đã tốt nghiệp vào những năm trước.
Với Bách, trong cuộc chạy đua vào trường top đầu như Đại học Dược Hà Nội thì 0,25 điểm cũng rất đang trân quý, có thể quyết định việc trượt hoặc đỗ. Bách hiểu cảm giác mấp mé cánh cửa đại học nhưng vẫn trượt do thiếu 0,25 điểm. Chưa kể, một số ngành năm ngoái lấy tới 30 điểm, vai trò của điểm ưu tiên khu vực càng quan trọng.
"Không còn được cộng điểm, liệu có công bằng với em và nhiều học sinh xuất thân từ vùng núi khó khăn, điều kiện học tập không bằng với các bạn ở thành thị?", Bách nói.
Bộ GD&ĐT từng nhiều lần điều chỉnh mức điểm cộng ưu tiên. Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, tối đa là 1,5 điểm. Và từ 2018, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 .
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho rằng, việc bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tự do có thể áp dụng trong phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp hoặc xét tuyển các kỳ thi riêng, chẳng hạn đánh giá năng lực. Với phương thức xét học bạ, theo ông, vẫn nên duy trì cộng điểm. Bởi kết quả học bạ chịu tác động chặt chẽ của yếu tố khu vực.
TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng cho rằng, nên giữ quy định cộng điểm ưu tiên cho tất cả các đối tượng, dù là thí sinh dự thi tốt nghiệp năm nay hay thi trong các năm trước.
Theo ông, cộng điểm ưu tiên nhằm khuyến khích, hỗ trợ các thí sinh vùng nông thôn, điều kiện học tập khó khăn hơn thành thị. Chỉ nên bỏ điểm ưu tiên khi đã đảm bảo được sự bình đẳng, công bằng giữa các vùng miền, khu vực. Tại Việt Nam, sự thụ hưởng từ phúc lợi xã hội còn chưa đồng đều, do vậy vẫn cần phải có những sự ưu tiên như thế.
Đối với thí sinh tự do, dù thi lại nhưng hoàn cảnh của các em vẫn không thay đổi, vẫn học ở khu vực ưu tiên và phải chịu nhiều thiệt thòi, tại sao lại có sự phân biệt và loại các em ra như vậy? Chưa kể, nhiều thí sinh phải vất vả kiếm sống, do không đủ tiền đi học nên phải chấp nhận ở nhà. Sau một thời gian, đời sống được cải thiện, họ mới có cơ hội được tiếp tục đi học. Với những đối tượng này vẫn nên được ưu tiên, khuyến khích, TS Khuyến nhấn mạnh.
Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Yên cho rằng, không nên bỏ quy định điểm cộng ưu tiên với các thí sinh thi lại. Nhiều em năm học trước không thể đi thi vì dịch COVID-19 hoặc gia đình khó khăn nên chọn đi làm thêm để tích luỹ tiền học, chờ năm nay thi lại. Nếu bỏ điểm cộng ưu tiên đồng nghĩa tước đi một phần cơ hội trúng tuyển vào đại học của các em.
Mặt khác, sự chênh lệch trình độ trong đội ngũ giáo viên cũng là vấn đề đáng bàn. Giáo viên giỏi thường có xu hướng dịch chuyển về trung tâm hoặc các trường có tiếng, còn lại các giáo viên ở nông thôn, vùng khó khăn ít có cơ hội nâng cao tay nghề.
Theo ông, việc thu hẹp đối tượng được điểm cộng là cần thiết, cần ưu tiên hơn đến các đối tượng yếu thế và vùng khó khăn.
Hà CườngPGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) giải thích, quy định này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa hai nhóm thí sinh: học sinh 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp; những em đã tốt nghiệp, thi để xét tuyển đại học.
Theo bà Thủy, thí sinh đã tốt nghiệp những năm trước có nhiều lợi thế và thời gian ôn tập hơn so với những em thi lần đầu.
"Nhiều thí sinh tuy hộ khẩu ở vùng ưu tiên nhưng đã chuyển đến các địa phương, thành phố có điều kiện tốt hơn để ôn thi một số ít môn phục vụ xét tuyển đại học. Trong khi đó, thí sinh thi lần đầu phải ôn nhiều môn hơn, chịu nhiều áp lực hơn để vừa thi tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học", bà Thủy nói.