Tranh cãi gay gắt khi Wimbledon cấm các tay vợt Nga và Belarus
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 10:07, 21/04/2022
Quyết định được đưa ra sau gần hai tháng cân nhắc và tư vấn pháp lý, với All England Club (CLB toàn Anh, đơn vị tổ chức các giải quần vợt ở Anh).
Medvedev, Rublev, Azarenka ngồi nhàIan Hewitt, Chủ tịch All England Club cho biết: “Chúng tôi nhận ra rằng điều này gây khó khăn cho những cá nhân bị ảnh hưởng và họ sẽ rất buồn vì những hành động của các nhà lãnh đạo của chế độ Nga. Nhưng chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ các biện pháp thay thế có thể được thực hiện theo hướng dẫn của chính phủ Vương quốc Anh. Với một giải đấu đẳng cấp, mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi là không cho phép thông qua thể thao để quảng bá chế độ. Đó là cơ sở then chốt để chúng tôi tin rằng điều đó là khả thi”.
Theo các nhà tổ chức Wimbledon, ban đầu Chính phủ Anh gợi ý All England Club có thể đề nghị các tay vợt Nga nếu muốn thi đấu phải đồng ý ký văn bản lên án nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Tuy nhiên, ý tưởng đó này bị bác bỏ vì không khả thi vì Wimbledon lo ngại các tay vợt sẽ gặp nguy hiểm, đồng thời tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Wimbledon cũng cho biết cảm thấy áy náy khi để các tay vợt Nga và Belarus phải “vạ lây” nhưng cũng nhấn mạnh lại họ muốn phát huy vai trò để “hạn chế ảnh hưởng toàn cầu của Nga thông qua các phương tiện tốt nhất có thể. Ngoài ra, lý do được Wimbledon ra lệnh cấm là “trong hoàn cảnh các hoạt động quân sự tại Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, sẽ không thể chấp nhận để phía chủ động thu được bất kỳ lợi ích nào từ sự tham gia của các tay vợt Nga hoặc Belarus tại giải đấu”.
Không chỉ All England Club, Hiệp hội quần vợt sân cỏ, tổ chức điều hành tất cả các giải đấu lớn khác trên sân cỏ vào mùa Hè ở Anh, bao gồm cả sự kiện Queen’s Club danh tiếng, cũng đã ban bố lệnh cấm tương tự.
Như vậy, tay vợt số 2 thế giới Danill Medvedev và số 8 thế giới Andrey Rublev, tay vợt nữ Anastasia Pavlyuchenkova (từng vào chung kết Roland Garros) sẽ không thể tham gia Wimbledon.
Ngoài ra còn rất nhiều cái tên danh tiếng khác phải vắng mặt như hai tay vợt nữ người Belatus Victoria Azarenka, Aryna Sabalenka. Azarenka từng hai lần giành Grand Slam và từng hai lần vào bán kết Wimbledon 2011, 2012, trong khi năm quay Sabalenka cũng lọt vào đến bán kết.
Tranh cãi và chỉ trích
Cũng như mọi lệnh cấm liên quan đến thể thao và câu chuyện Nga – Ukraine thời gian qua, quyết định của Wimbledon gây tranh cãi gay gắt.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu với báo chí: “Không thể chấp nhận được việc biến những người chơi thể thao thành con tin của những âm mưu chính trị". Tay vợt số 17 thế giới người Mỹ Reilly Opelka hẳng thừng: “Tôi cảm thấy như mọi thứ đang hướng tới một cuộc chiến mới”.
ATP cơ quan quản lý của quần vợt nam đã chỉ trích quyết định của Wimbledon là không công bằng và nặng phân biệt đối xử. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, ATP cùng với WTA, đơn vị điều hành của quần vợt nữ, đã lên tiếng phản đối gay gắt vũ lực. Tuy nhiên hai tổ chức này chỉ yêu cầu cấm các tay vợt Nga và Belarus không được trưng quốc kỳ và hát quốc ca trên sân chứ không cấm tham dự giải.
Đại diện ATP cho biết: “Môn thể thao của chúng tôi tự hào hoạt động dựa trên các nguyên tắc cơ bản là xứng đáng và công bằng, nơi các tay vợt thi đấu với tư cách cá nhân để giành được vị trí của mình trong các giải đấu dựa trên bảng xếp hạng. Quyết định đơn phương ngày của Wimbledon và LTA cấm các tay vợt từ Nga và Belarus là không công bằng và có khả năng tạo ra một tiền lệ có hại cho các giải đấu”
Tổ chức này cũng nhấn mạnh: “Sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch cũng là vi phạm thỏa thuận của chúng tôi với Wimbledon, trong đó quy định việc nhập cảnh của các tay vợt chỉ dựa trên thứ hạng của ATP. Bất kỳ hành động nào phản ứng với quyết định này giờ đây sẽ được đánh giá với sự tham vấn của hội đồng quản trị và hội đồng thành viên của chúng tôi. "
Tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đã chỉ trích hành động này, gọi quyết định này là "điên rồ". Từ Belgrade ATP, Djokovic nói: “tôi luôn lên án chiến tranh vì tôi là đứa con của chiến tranh. Tuy nhiên, tôi không thể ủng hộ quyết định của Wimbledon, tôi nghĩ đó là điều điên rồ. Các tay vợt chẳng liên quan gì đến chính trị và chiến cuộc này”.
Huyền thoại người CH Czech, tay vợt nữ từng 18 lần giành Grand Slam Martina Navratilova cũng đồng tình như Djokovic: “Lệnh cấm như thế này tôi nghĩ là một sai lầm vì các tay vợt chẳng có lỗi gì. Quần vợt là một môn thể thao dân chủ, thật khó tin khi thấy những tác động bên ngoài lại mang tính quyết định. Cũng như khi chúng ta thấy những gì xảy ra với người Ukraine thật kinh khủng. Hy vọng rằng đây chỉ là một lần duy nhất và sẽ không có thêm lần nào nữa”.
Tuy nhiên, các tay vợt Ukraine như Elina Svitolina, Marta Kostyuk và Sergiy Stakhovsky đã ủng hộ nhiệt liệt lệnh cấm: “Chúng tôi muốn các giải đấu khác cũng làm như Wimbledon đã làm. Chính sự im lặng có nghĩa là đồng lõa với những gì diễn ra, và càng có thêm nhiều người dân Ukraine thiệt mạng. Dù là thể thao hay kinh doanh, chúng ta cũng đều phải có lập trường và thái độ trước tội ác”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Anh Nadine Dorries nói cứng: “Đơn giản là không thể chấp nhận để họ sử dụng một giải đấu quan trong và mang tính biểu tượng của quần vợt để hợp thức hóa nỗi kinh hoàng đã gieo rắc ở Ukraine”.