Chuyện nhà Bầu Hiển: Bố vững ghế cao nhất, con cả ngày càng thêm quyền lực
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:56, 21/04/2022
Giới đầu tư chứng khoán quan tâm tới cổ phiếu Ngân hàng SHB đón nhận những thông tin tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động đi xuống trong nhiều phiên qua.
Ngày 20/4/2022 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 30, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Một trong những thông tin nhiều người quan tâm nhất là ban lãnh đạo của ngân hàng trong bối cảnh rất nhiều tin đồn được bơm ra thị trường trong thời gian gần đây, bao gồm cả cả tin đồn thất thiệt liên quan đến ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển), Chủ tịch Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB.
ĐHCĐ thường niên 2022 của Ngân hàng SHB đã bỏ phiếu quyết định ông Đỗ Quang Hiển tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT với số phiếu cao nhất. Danh sách HĐQT còn bao gồm con trai ông Đỗ Quang Hiển là Đỗ Quang Vinh. Bên cạnh đó là ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh và ông Đỗ Văn Sinh.
Như vậy, ông Đỗ Quang Vinh (sinh năm 1989), con trai cả của ông Đỗ Quang Hiển đã chính thức trở thành thành viên HĐQT trẻ tuổi nhất của SHB. Ông Đỗ Quang Vinh có bằng thạc sỹ ngành tài chính - quản trị, và từng đảm nhiệm chức vụ Giám đốc đầu tư tài chính quốc tế tại Tập đoàn T&T, Phó TGĐ SHB, Giám đốc khối ngân hàng số kiêm Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ SHB...
SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 87% lên mức gần 11,7 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản tăng trên 12%; vốn điều lệ tăng trưởng 37% so với năm 2021 và dự kiến chia cổ tức từ 18%; nợ xấu dưới 1,3%.
SHB cũng trình và được ĐHĐCĐ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tỷ lệ dự kiến tối đa 20% vốn tăng thêm và dự kiến chào bán cổ phiếu cho người lao động với tỷ lệ 1,69%, tương đương 45,12 triệu cổ phiếu mới.
Trong năm 2021, SHB ghi dấu ấn đặc biệt, hoàn thành và vượt mọi chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đồng thời, SHB chuyển giao dịch cổ phiếu SHB từ HNX sang HOSE và thỏa thuận thoái 100% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng Krungsri-Thái Lan trong vòng 3 năm.
Mới đây, Ngân hàng SHB của Bầu Hiển được dự báo tăng trưởng lợi nhuận đột phá, gấp đôi lên 3.200 tỷ đồng trong quý I trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng chịu nhiều áp lực bán ra trên thị trường chứng khoán.
Theo SSI Research, Ngân hàng SHB dự kiến đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 92% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định...
Nhiều ngân hàng khác cũng được SSI Research ước lợi nhuận tăng mạnh. VPBank (VPB) lợi nhuận ước đạt 11 nghìn tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng bancassurance với AIA và tăng trưởng tốt tại bảng cân đối kế toán (tăng trưởng tín dụng và huy động đạt 7% và 12% so với đầu năm). Sacombank (STB) được ước tính có thể đạt 1.4001.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2022, tăng 40-50% so với cùng kỳ nhờ kiểm soát tốt chi phí dự phòng.
Techcombank (TCB) ước tính ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong quý I đạt 6.500-6.700 tỷ đồng (tăng 18-21% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm.
Lợi nhuận trước thuế trong quý I của BIDV ước đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7% so với cùng kỳ, nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (4,7% so với đầu năm,+14,7% so với cùng kỳ) và tối ưu hóa hệ số LDR (tiền gửi tăng 1,4% so với đầu năm) trong khi tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 1%.
SSI cũng trích nhận định của ban lãnh đạo Ngân hàng MBBank cho biết lơi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng này tăng 20% so với cùng kỳ, đạt ít nhất 5,5 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng trong quý I đạt khoảng 10-11% so với đầu năm.
Nhịp hồi xuất hiện, thị trường sẽ ổn định
Theo BSC, không có gì đảm bảo VN-Index sẽ bật được lên từ vùng 1.380 khi mà tâm lý tiêu cực bao phủ thị trường.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, động thái bắt giá thấp vẫn diễn ra cùng với diễn biến bán tháo cũng đã hạ nhiệt và dự kiến dự kiến nhịp hồi phục sẽ sớm xuất hiện từ vùng hỗ trợ mạnh 1.380 +/- 5 điểm sau khi chuỗi ngày giảm giá đã lấy đi của VN-Index hơn 145 điểm, tương đương với mức giảm hơn 9,5%.
MBS cho rằng diễn biến giảm sau liên tiếp đang khiến tâm lý nhà đầu tư xuống thấp, do vậy các ngưỡng kỹ thuật cũng không đáng tin cậy. Thị trường cần chững đà giảm để ổn định tâm lý.
Chốt phiên giao dịch 19/4, chỉ số VN-Index giảm 26,15 điểm xuống 1.406,45 điểm. HNX-Index giảm 10,42 điểm xuống 392,69 điểm. Upcom-Index giảm 1,89 điểm xuống 108,32 điểm. Thanh khoản đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có 22,7 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
V. Hà