Cẩn thận với u buồng trứng ở bé gái
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 09:50, 21/04/2022
Bị u buồng trứng khi mới 3 tuổi
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thực hiện phẫu thuật bóc tách khối u buồng trứng nặng gần 2kg cho bé P.N.H (12 tuổi, ở Cao Xanh, TP Hạ Long). Các bác sĩ đánh giá đây là một ca bệnh hiếm gặp.
Trước đó, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng đau tức nhiều bụng vùng hạ vị. Kết quả thăm khám, siêu âm phát hiện khối u nang vùng tiểu khung kích thước lớn, ít di động, ấn đau tức. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị u buồng trứng phải và chỉ định phẫu thuật cắt u buồng trứng.
Ca phẫu thuật được thực hiện trong một giờ và diễn ra thuận lợi. Khối u buồng trứng khổng lồ kích thước 15x20cm, nặng 2kg trong bụng bệnh nhi đã được bóc tách, cắt bỏ trọn vẹn và đưa ra ngoài. Do quá trình xử trí nhanh chóng nên bệnh nhân không bị mất nhiều máu.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bé gái tiến triển tích cực. Bệnh nhi đã ăn uống bình thường, vận động và đi lại nhẹ nhàng chỉ sau một ngày.
Theo Th.BS Vũ Mạnh Hoàn – Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, u buồng trứng thường được cho là bệnh của phụ nữ trưởng thành, nhưng có thể đe dọa các bé gái từ khi mới sinh ra.
Mỗi tháng, trung bình khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, tiến hành phẫu thuật gần chục ca u nang buồng trứng ở trẻ em. Nhỏ tuổi nhất là trường hợp của bé gái 3 tuổi, ở TP Hải Phòng.
Mẹ bé gái kể, khi thấy con có triệu chứng đau bụng, nôn ói đã nhanh chóng đưa đến bệnh viện địa phương và được chẩn đoán mắc khối u buồng trứng. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại bệnh viện, kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhi có hình ảnh khối u dạng nang tiểu khung, đường kính gần 5cm. Bác sĩ Hoàn cho biết, khối u của bé thuộc dạng u quái buồng trứng (teratoma). Do khối u có kích thước lớn, tiểm ẩn nguy cơ gây xoắn, vỡ nên bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi, bóc tách khối u, bảo tồn buồng trứng cho bệnh nhi.
Ngỡ ngàng khi con bị khối u buồng trứng
Theo thống kê, có tới 90% khối u được phát hiện ở trẻ là lành tính, nhưng các chuyên gia vẫn khuyến cáo, phải hết sức cảnh giác với căn bệnh này và tiến hành phẫu thuật khi đường kính khối u từ 5cm trở lên. Bởi nếu để muộn, rất dễ xảy ra tình trạng xoắn cuống khối u, vỡ khối u, chèn ép các cơ quan xung quanh và biến thành u ác tính… Trong trường hợp này, các bác sĩ buộc lòng phải chỉ định cắt bỏ toàn bộ một bên buồng trứng.
Điều đáng nói, trên thực tế, không dễ phát hiện u buồng trứng cho tới khi khối u phát tác. “Thông thường, dấu hiệu nhận biết u buồng trứng khá mơ hồ. Bệnh nhân có thể đau ở vùng hạ vị, cơn đau gia tăng khi đã xảy ra tình trạng xoắn, hoặc vỡ nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa, hoặc đau ruột thừa”, bác sĩ Hoàn chia sẻ.
Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh từng tiếp nhận gái 12 tuổi nhập viện cấp cứu vì đau bụng vùng hạ vị. Trước đó, cháu bé thi thoảng xuất hiện cơn đau nhưng gia đình nghĩ rằng, cháu bước vào tuổi dậy thì, mới xuất hiện kinh nguyệt nên chủ quan. Kết quả siêu âm và chụp x-quang khiến gia đình bé tá hỏa vì xuất hiện hình ảnh buồng trứng trái có khối dạng nang bì, đường kính lên tới 8,6cm.
Trong quá trình phẫu thuật khối u, các bác sĩ phát hiện phần vòi và buồng trứng trái bị xoắn hai vòng khiến khu vực này bầm tím. Bên trong khối u được bóc tách từ buồng trứng của bệnh nhi còn chứa các mô tuyến bã, răng, tóc… hay còn gọi là “u quái” buồng trứng.
Theo bác sĩ Hoàn, trường hợp của hai bệnh nhi trên đều may mắn vì phát hiện kịp thời, bảo tồn được buồng trứng. Bệnh viện Nhi Trung ương đã từng tiếp nhận không ít trường hợp do gia đình không biết, chỉ nghĩ trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh viện tuyến cơ sở không phát hiện được bệnh dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Khối u buồng trứng quá lớn hoặc bị xoắn lâu ngày có thể gây hoại tử và hậu quả, trẻ phải cắt một bên buồng trứng, ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề sức khỏe sinh sản sau này.
Bác sĩ Hoàn khuyến cáo, khi trẻ có các biểu hiện đau tức vùng hạ vị, bụng to bất thường nên đưa con tới ngay cơ sở y tế và không loại trừ khả năng tồn tại khối u nang. Đối với trẻ sơ sinh phát hiện u buồng trứng đang trong quá trình theo dõi, nếu phát hiện trẻ quấy khóc, khó chịu cần được kiểm tra lại khối u ngay lập tức để tránh để xảy ra hậu quả không mong muốn.