Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu dễ chuyển nặng, cách chăm sóc ra sao?

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:40, 21/04/2022

Theo các bác sĩ, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.

Căn bệnh của thời tiết chuyển mùa

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhi 13 tuổi dương tính với virus Varicella zoster (VZV) – bệnh thủy đậu.

Người nhà bệnh nhi cho biết trước đó bé mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, được cách ly, điều trị tại nhà. Sau khi khỏi bệnh, bé xuất hiện ban mụn nước nhỏ li ti rải rác cơ thể, giống với triệu chứng hậu COVID-19.

thuy-dau-2.jpg
Bé trai 13 tuổi đang điều trị bệnh thủy đậu. Ảnh: BVCC.

Ban đầu, bệnh nhi được điều trị tại cơ sở y tế địa phương theo hướng phát ban do virus nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khám với biểu hiện cơ thể xuất hiện dày đặc mụn nước, sốt ngày thứ ba, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ăn uống kém sau mắc COVID-19.

Sau khi khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử bằng phương pháp PCR để xác định sự hiện diện của virus varicella zoster (VZV) – loại virus gây bệnh thủy đậu, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu. Hiện bé đang được điều trị, theo dõi sức khỏe tại bệnh viện.

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, do virus gây ra và thường bùng phát thành dịch vào thời tiết chuyển mùa, hay gặp vào mùa xuân. Căn bệnh này do thủy đậu có tên varicella zoster (VZV) gây nên. Bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con qua bánh rau khi mang thai hoặc trẻ mắc phải sau sinh do tiếp xúc với các giọt bắn trong môi trường chứa virus thủy đậu (lây truyền qua đường hô hấp) hoặc tiếp xúc trực tiếp với người chăm sóc bị nhiễm bệnh.

Khi khởi phát, người bệnh có thể có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp nhất là trẻ em có thể không có triệu chứng báo trước. Sau đó, cơ thể người bệnh sẽ xuất hiện những nốt rạ. Đây là những nốt tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12 – 24 giờ. Các nốt này sẽ tiến triển thành những mụn nước, bóng nước.

Nốt rạ có thể mọc khắp toàn thân hay mọc rải rác trên cơ thể, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Trong trường hợp bình thường những mụn nước này khô đi, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn trong 4 – 5 ngày.

Ở trẻ em, thủy đậu thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày dẫn đến việc phải nghỉ học hoặc nghỉ đến nơi giữ trẻ.

Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu dễ chuyển nặng

Tuy nhiên, thủy đậu ở trẻ sơ sinh là một bệnh nặng (nặng hơn so với thủy đậu trẻ em hoặc người lớn) với nguy cơ tử vong cao lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời và đúng phác đồ trẻ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn.

web-benh-thuy-dau-tre-so-sinh.png
Theo các bác sĩ, trẻ sơ sinh bị thủy đậu dễ chuyển nặng, suy đa cơ quan nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Ảnh: BSCC.

Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị các biến chứng về thần kinh như: Viêm màng não, viêm tuỷ, viêm dây thần kinh thị giác, viêm đa dây thần kinh. Cũng có trường hợp bị một số biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí là tử vong.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Điều trị và Chăm sóc đặc biệt 1 – Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguy cơ tử vong ở trẻ tăng lên khi người mẹ xuất hiện các triệu chứng nhiễm thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau khi sinh do không có đủ thời gian để hình thành và truyền kháng thể của mẹ cho con.

Chăm sóc trẻ mắc thủy đậu ra sao?

Theo các bác sĩ, khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn. Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho con.

Cần mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi cho trẻ. Đặc biết, cần giữ bàn tay trẻ thật sạch và đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng.

Cha mẹ cần tránh làm vỡ các nốt thuỷ đậu vì dễ gây bội nhiễm và có thể tạo thành sẹo tồn tại lâu dài.

Trẻ cần sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân: khăn mặt, cốc, chén, bát, đũa… riêng.

Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%.

Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch.
Cần cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.

Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh.

Nếu trẻ khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Bác sĩ Lâm nhấn mạnh, thủy đậu có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, để phòng bệnh cho trẻ cần tiêm chủng ngừa bằng vắc-xin đầy đủ

Phương Linh