Tổng số mũi tiêm cho trẻ từ 5- 12 tuổi của Hà Nội chiếm hơn 37% của cả nước

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:17, 21/04/2022

Theo Sở Y tế, thành phố đã tiêm được hơn 33.000 liều vaccine Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đang tiếp tục tiêm cho học sinh lớp 5, lớp 4. Tổng số mũi tiêm của Hà Nội chiếm hơn 37% của cả nước.
Tổng số mũi tiêm cho trẻ từ 5- 12 tuổi của Hà Nội chiếm hơn 37% của cả nước
Hà Nội tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh: Phạm Đông

Đã tiêm 33.626 mũi, hoãn tiêm cho trẻ 11 tuổi 10 tháng

Thành phố Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ cho 176.700 liều vaccine Moderna để tiêm cho nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Việc tiêm được triển khai với toàn bộ trẻ em đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi (bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn và trẻ không đi học sinh sống tại Hà Nội) có chỉ định sử dụng vaccine của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Nói về tiến độ tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, trong 4 ngày (từ ngày 16 đến 19.4), Hà Nội đã tiêm được 33.626 mũi/370.631 đối tượng trẻ cần tiêm, đạt 9,1%. Hiện nay, chưa ghi nhận các phản ứng nặng sau tiêm.

Theo ông Vũ Cao Cương, phạm vi triển khai tiêm được thực hiện theo nguyên tắc triển khai đồng loạt toàn thành phố theo lộ trình hạ dần lứa tuổi (từ dưới 12 đến 5 tuổi, tương đương từ khối lớp 6 được tiêm trước, tiếp đó tiêm lần lượt từ khối 5 đến khối 1 và cuối cùng đến trẻ 5 tuổi).

Chính vì vậy, hiện có một số quận, huyện đã triển khai tiêm xong cho học sinh lớp 6 và tiếp tục tiêm cho học sinh lớp 5, lớp 4. Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu 95% trẻ đủ điều kiện tiêm chủng sẽ được tiêm đủ mũi vaccine.

Theo Sở Y tế, hiện việc tiêm chủng trên địa bàn thành phố đang đúng tiến độ, không chậm hơn so với kế hoạch đề ra (Bộ Y tế yêu cầu xong trong quý II.2022). Cụ thể, chỉ trong 4 ngày tiêm đầu tiên (chưa tính số liệu ngày 20.4), Hà Nội đã tiêm được hơn 33.000 mũi, trong khi cả nước mới chỉ tiêm được 88.820 liều vaccine (tính đến ngày 20.4). Như vậy, tổng số mũi tiêm của Hà Nội chiếm hơn 37% của cả nước.

Trong khi đó, đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19, trì hoãn tiêm chủng sau khi mắc bệnh 3 tháng. Ngoài ra, việc tiêm chủng còn phải phụ thuộc vào sức khỏe và sự đồng thuận của phụ huynh.

Ông Vũ Cao Cương cho biết, đơn vị đã triển khai tập huấn tiêm chủng đến trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Trẻ sẽ được tiêm 2 mũi vaccine Moderna, mỗi mũi cách nhau 4 tuần. Riêng với trẻ 11 tuổi 10 tháng sẽ trì hoãn việc tiêm cho đến khi trẻ đủ 12 tuổi và tổ chức tiêm vaccine Pfizer.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng.

Đặc biệt, trong quá trình tiêm chủng, Hà Nội rất quan tâm đến trẻ em mắc bệnh bẩm sinh, suy dinh dưỡng hay có tiền sử dị ứng… và thực hiện khám sàng lọc thật kỹ. Bên cạnh đó, các điểm tiêm chủng cũng xây dựng phương án xử trí trong quá trình tiêm chủng, với những trẻ có bệnh lý nền hoặc dị ứng sẽ tiêm tại bệnh viện để bảo đảm an toàn nhất.

"Chúng tôi cũng mong muốn phụ huynh học sinh đồng thuận, đưa con em tới các điểm tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng đầy đủ và sớm nhất", bà Hà nói.

Trẻ sau tiêm bao lâu thì có thể hoạt động bình thường và đi học trở lại?

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, để an toàn tiêm cho trẻ, phụ huynh cần phải lưu ý:

- Trước khi tiêm chủng cần theo dõi ăn ngủ bình thường hay không, trẻ có vấn đề về viêm đường hô hấp (ho, chảy nước mũi…).

- Chỉ tiêm khi trẻ thực sự khoẻ mạnh.

- Đối với trẻ đang có vấn đề viêm đường hô hấp hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 không đưa trẻ tới điểm tiêm chủng.

- Tại điểm tiêm phụ huynh cần chia sẻ với bác sĩ về tình trạng dị ứng, bệnh mãn tính của trẻ để bác sĩ hướng dẫn trường hợp đó nên tiêm tại bệnh viện hay điểm tiêm tại trường.

- Trước khi tiêm chủng phụ huynh cần phải được biết con tiêm vaccine gì và các phản ứng ra sao?

- Sau tiêm trẻ cần ở lại điểm tiêm 30 phút để theo dõi sát các phản ứng phản vệ. Liên tục theo dõi trẻ trong 3 ngày đầu sau tiêm.

"Sau tiêm vaccine COVID-19 cần theo dõi các triệu chứng bất thường như: phát ban, li bì, sốt... Nếu các biểu hiện thông thường này ngày càng tăng lên cần đứa trẻ đi khám", bà Hồng nói.

TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, những mốc thời gian rất quan trọng cần phải theo dõi trẻ sau tiêm chủng là: 30 phút, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày đầu sau tiêm, 7 ngày sau tiêm và 28 ngày sau tiêm.

"Trong đó, tôi cần phải lưu ý các phụ huynh trong 3 ngày đầu tránh cho trẻ vận động mạnh để tránh nhầm lẫn với các phản ứng sau tiêm", ông Ngãi nói.

Cũng theo chuyên gia y tế, thông thường, sau khi tiêm được theo dõi ổn định tại cơ sở tiêm chủng trẻ có thể sinh hoạt, học tập như những ngày thường. Tuy nhiên, các phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ hoạt động thể lực nhiều trong vòng 3 ngày sau tiêm và theo dõi sát các dấu hiệu bất thường của trẻ khi sinh hoạt.

Thông tin với báo chí trước đó, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, qua khảo sát, có 60-80% phụ huynh đồng ý tiêm chủng cho trẻ, khoảng 30% còn do dự cần cung cấp thông tin đầy đủ hơn nữa.

Ông Lân cũng cho biết toàn quốc có khoảng 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong đó, ước tính có khoảng 8,2 triệu trẻ chưa mắc COVID-19, còn lại là nhóm trẻ đã mắc COVID-19.

Phạm Đông